Hợp tác xã sinh viên trong trường đại học

GD&TĐ - Hơn 5 năm thành lập, Hợp tác xã sinh viên Trường ĐH Trà Vinh góp phần trong công tác đào tạo, giúp sinh viên trải nghiệm học tập.

Cửa hàng kinh doanh tổng hợp thuộc Hợp tác xã sinh viên Trường ĐH Trà Vinh.
Cửa hàng kinh doanh tổng hợp thuộc Hợp tác xã sinh viên Trường ĐH Trà Vinh.

Đây cũng là mô hình mới, thu hút đông đảo sinh viên khởi nghiệp.

Khi sinh viên làm chủ hợp tác xã

Hợp tác xã sinh viên Trường ĐH Trà Vinh được thành lập năm 2018, kinh doanh các dịch vụ sau thu hoạch (dịch vụ liên kết tiêu thụ sản phẩm do sinh viên của trường sản xuất và chế biến); bán lẻ các mặt hàng trong các cửa hàng kinh doanh tổng hợp (Co.op Store - cửa hàng kinh doanh tổng hợp); hoạt động thiết kế chuyên dụng (trang trí điện thoại); bán lẻ máy vi tính, thiết bị ngoại vi, phần mềm và thiết bị viễn thông trong các cửa hàng chuyên doanh (bán lẻ điện thoại, linh kiện, phụ kiện điện thoại); dịch vụ chuyển phát nhanh; dịch vụ cửa hàng gà rán Five Star… Đến nay, hợp tác xã có khoảng 600 thành viên.

Sau 5 năm đi vào hoạt động, Hợp tác xã sinh viên Trường ĐH Trà Vinh đã chứng minh được hiệu quả trong phát huy tính sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của sinh viên. Qua đó rèn luyện kỹ năng, tạo việc làm, thu nhập cho sinh viên. Đặc biệt, hợp tác xã cũng là nơi hình thành và phát triển ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh trong sinh viên, tạo môi trường cho sinh viên thực hiện việc khởi nghiệp, ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế...

Lê Phúc Khang, sinh viên lớp Đại học Quản lý Thể dục thể thao, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã, cho biết: Hợp tác xã sinh viên Trường ĐH Trà Vinh đã chứng minh được hiệu quả trong phát huy tính sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của sinh viên. Mô hình còn giúp sinh viên thực tập những kỹ năng đã được học tại trường; kết nối, đưa các kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trở thành sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng…

Được sự quan tâm của lãnh đạo nhà trường, Hợp tác xã sinh viên Trường ĐH Trà Vinh nhận được sự hỗ trợ của Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Trà Vinh (Dự án SME Trà Vinh) về quỹ đất, giấy phép khai thác và kinh doanh 20 loại hình ngành nghề, dịch vụ. Ngoài ra, hợp tác xã còn được Trung tâm Ðào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ, qua đó giúp hợp tác xã xác định cơ hội, xây dựng phương án kinh doanh với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ phát triển mô hình hợp tác xã của trường.

Lê Phúc Khang cho biết: Được chính thức thành lập năm 2018, hợp tác xã có 537 thành viên, tham gia góp vốn với mỗi cổ phần là 200.000 đồng, tổng vốn góp là 111.600.000 đồng. Đến năm 2023 số thành viên là 542 thành viên, tổng vốn góp 123.540.000 đồng, tổng tài sản là 282.826.429 đồng. Khi góp vốn tham gia, hợp tác xã sẽ không chia lợi nhuận cho các thành viên mà sẽ giảm giá trực tiếp vào sản phẩm từ 5 - 15%. Ngoài tham gia thành viên, hợp tác xã còn kêu gọi góp vốn cho từng dịch vụ kinh doanh khác nhau.

Hợp tác xã sinh viên Trường ĐH Trà Vinh thu hút đông đảo sinh viên khởi nghiệp.
Hợp tác xã sinh viên Trường ĐH Trà Vinh thu hút đông đảo sinh viên khởi nghiệp.

Ươm mầm khởi nghiệp cho sinh viên

Theo ban lãnh đạo hợp tác xã, chỉ với 200.000 đồng, sinh viên sẽ trở thành xã viên của hợp tác xã và sẽ được sử dụng các dịch vụ của hợp tác xã với mức giá ưu đãi nhất. Ðặc biệt, xã viên có quyền ứng cử vào ban lãnh đạo, làm quản lý các loại hình dịch vụ của hợp tác xã. Ðây là cơ hội để sinh viên được trải nghiệm thực tế và học hỏi nhiều lĩnh vực như kinh doanh, quản trị, kế toán, marketing…

Hơn nữa, khi trở thành xã viên, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội làm việc nhóm, nâng cao trách nhiệm cá nhân trước tập thể và chủ động hơn với các hoạt động cộng đồng. Xã viên cũng được ưu tiên để trở thành nhân viên làm việc bán thời gian trong các mô hình dịch vụ của hợp tác xã với mức thu nhập hấp dẫn.

Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, Hợp tác xã sinh viên Trường ĐH Trà Vinh thực hiện khoảng 20 dịch vụ từ kinh doanh nông sản đến lĩnh vực điện tử, công nghệ và dịch vụ du lịch… Ngoài các hoạt động sản xuất kinh doanh, Hợp tác xã sinh viên Trường ĐH Trà Vinh còn chú trọng đến công tác đào tạo, nâng cao năng lực của Hội đồng quản trị, Ban giám đốc, Ban kiểm soát, nhân viên và thành viên của hợp tác xã, đồng thời, tham gia một số hoạt động hỗ trợ, vì mục đích cộng đồng.

Điển hình như tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng do Liên minh Hợp tác xã Trà Vinh và các cơ quan ban ngành tổ chức; Hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong đại dịch Covid-19; Hỗ trợ cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; Tham gia Chiến dịch thanh niên tình nguyện Hè; Thường xuyên tổ chức hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho thành viên…

Sinh viên Nguyễn Vân Anh, ngành Đại học Ngôn ngữ Trung Quốc khóa 2021 chia sẻ: “Sau giờ tan học thay vì phải chạy ra chợ hoặc các tiệm tạp hóa ngoài trường, em thường đến cửa hàng tiện ích của hợp tác xã để mua những nhu yếu phẩm cần thiết mà không mất nhiều thời gian. Ngoài việc tiết kiệm thời gian cho bản thân, em ủng hộ các bạn sinh viên nhà trường phát triển mô hình kinh doanh học đường”.

Đặng Thị Yến Nhi, sinh viên ngành Điều dưỡng, chia sẻ: Hợp tác xã sinh viên Trường ĐH Trà Vinh là mô hình rất hay và tạo được hứng thú cho các bạn sinh viên đam mê kinh doanh. Đây là một cơ hội giúp sinh viên được trải nghiệm thực tế và học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong tổ chức, hoạt động, điều hành trong lĩnh vực kinh doanh, khởi nghiệp…

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Lê Phúc Khang, để hợp tác xã hoạt động hiệu quả hơn trong nhiệm kỳ 2023 - 2026, tập thể Hợp tác xã sinh viên Trường ĐH Trà Vinh tiếp tục đẩy mạnh các dịch vụ hợp tác xã đang thực hiện kinh doanh, đồng thời thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao vai trò của hợp tác xã sinh viên trong công tác hỗ trợ nhà nông như: Xây dựng kế hoạch chương trình hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Trà Vinh trong ứng dụng công nghệ số, hỗ trợ và đồng hành cùng người nông dân trong việc xây dựng, vận hành và duy trì bán hàng trên sàn thương mại điện tử…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ