Hợp tác phát triển toàn diện hỗ trợ người tự kỷ

GD&TĐ - Nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tự kỷ tại Việt Nam đã hợp tác toàn diện để hỗ trợ các gia đình có người tự kỷ tìm được sự giúp đỡ kịp thời và phù hợp.

Ông Thanh Bùi phát biểu tại sự kiện công bố các hợp tác chiến lược hỗ trợ người tự kỷ.
Ông Thanh Bùi phát biểu tại sự kiện công bố các hợp tác chiến lược hỗ trợ người tự kỷ.

Sáng 6/4 tại TPHCM, Saigon Children’s Charity đã công bố các hợp tác chiến lược với những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tự kỷ tại Việt Nam, ra mắt website thông tin về tự kỷ (www.tukylagi.com), đồng thời giới thiệu sự kiện đi bộ “Thử thách Bước chân” lần thứ ba với chủ đề “Bước chân vì tự kỷ”.

Theo đó, các thành viên của hợp tác chiến lược về tự kỷ bao gồm: Saigon Children’s Charity (saigonchildren), Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam, ông Thanh Bùi và các chuyên gia đến từ Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số, Trung tâm Giáo dục đặc biệt Quốc gia – Viện nghiên cứu Khoa học Giáo dục Việt Nam, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Phòng khám Đa khoa - Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Quốc tế Gia Khang, Bệnh viện Quốc tế CMI, nhóm phát triển Simba và Monstar Lab, Trường ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng, và SENIA Vietnam.

Ông Damien Roberts (Giám đốc Điều hành Saigon Children’s Charity) phát biểu tại sự kiện.
Ông Damien Roberts (Giám đốc Điều hành Saigon Children’s Charity) phát biểu tại sự kiện.

Theo ông Damien Roberts (Giám đốc Điều hành Saigon Children’s Charity), hợp tác chiến lược này nhằm mục đích quy tụ các tổ chức và cá nhân là những chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực liên quan đến hỗ trợ người tự kỷ như y tế, trị liệu, giáo dục, chăm sóc và công nghệ. Từ đó, đầu mối về các hoạt động hỗ trợ tự kỷ này có thể hỗ trợ các gia đình có người tự kỷ tìm được sự giúp đỡ kịp thời và phù hợp, đồng thời những tổ chức và cá nhân làm việc trong lĩnh vực tự kỷ cũng dễ dàng phối hợp, cộng tác, tạo đà cho nguồn lực chung hỗ trợ người tự kỷ tại Việt Nam.

Là một tổ chức từ thiện của Anh hoạt động tại Việt Nam với sứ mệnh giúp trẻ em khó khăn xóa bỏ rào cản đến với giáo dục, chương trình Giáo dục đặc biệt của Saigon Children’s Charity hỗ trợ trẻ em tự kỷ thông qua tổ chức các khóa đào tạo miễn phí cho phụ huynh và nhà thực hành, đặc biệt là lớp can thiệp sớm miễn phí cho trẻ tự kỷ đến từ các gia đình khó khăn.

“Rối loạn phổ tự kỷ tại Việt Nam vẫn còn là một vấn đề khá mới đối với phần đông công chúng. Từ khi làm việc tại Saigon Children’s Charity, với những dự án hỗ trợ trẻ và gia đình có trẻ tự kỷ, chúng tôi nhận thấy những hỗ trợ dành cho các đối tượng này còn rất phân mảnh, và bản thân một tổ chức không thể đảm đương được.

Để cung cấp sự hỗ trợ tốt nhất cho người dân Việt Nam, điều quan trọng là phải tập hợp tất cả các bên liên quan đang làm việc để cải thiện nghiên cứu, sư phạm, trị liệu, can thiệp và hỗ trợ trong lĩnh vực quan trọng này.

Với hoạt động đầu tiên, chúng tôi ra mắt website tukylagi.com. Nếu quý vị cần tìm hiểu thêm về rối loạn phổ tự kỷ và phương pháp can thiệp cho người thân của mình, hãy vào trang web tukylagi.com. Và nếu bạn không cần giúp đỡ nhưng muốn hỗ trợ cho các hoạt động chúng tôi, cũng xin hãy vào website để tìm hiểu thêm…”-  Giám đốc Điều hành Saigon Children’s Charity  chia sẻ.

ThS Hoàng Văn Quyên - GV khoa Ngữ âm trị liệu Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho rằng hiện ở Việt Nam thiếu một tổ chức có quy mô lớn hỗ trợ toàn diện người bị tự kỷ, đồng thời thiếu bác sĩ chuyên về lĩnh vực này.

ThS Hoàng Văn Quyên - GV khoa Ngữ âm trị liệu Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho rằng hiện ở Việt Nam thiếu một tổ chức có quy mô lớn hỗ trợ toàn diện người bị tự kỷ, đồng thời thiếu bác sĩ chuyên về lĩnh vực này.

Đồng thời, đại diện Saigon Children’s Charity cam kết gây quỹ cho các dự án trong khuôn khổ hợp tác, bao gồm việc dịch và chia sẻ các nghiên cứu và tài nguyên hàng đầu thế giới cho các học viên, giáo viên và phụ huynh, cung cấp và dẫn đường cho các lộ trình hỗ trợ và trị liệu, nâng cao hiểu biết của cộng đồng và hỗ trợ phát triển một chương trình quốc gia toàn diện.

Tại sự kiện, Saigon Children’s Charity cũng công bố khởi động chương trình "Thử thách bước chân 2021". Trong lần trở lại thứ ba này "Thử thách bước chân" kêu gọi cộng đồng tham gia thử thách đi bộ trực tuyến để nâng cao nhận thức về rối loạn phổ tự kỷ, đồng thời mỗi lượt đăng ký cũng trực tiếp đóng góp 130.000 đồng vào các hoạt động hỗ trợ trẻ em tự kỷ có hoàn cảnh khó khăn như đào tạo kiến thức cho phụ huynh và nhà thực hành, cũng như cung cấp khóa trị liệu can thiệp sớm miễn phí cho trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.