Hợp tác đổi mới giáo dục đại học với 4 trụ cột chính

GD&TĐ - Chiều 1/8, ĐH Quốc gia Hà Nội chủ trì Lễ ra mắt chính thức Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục đại học (PHER) do Cơ quan Hợp tác Phát triển Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và giao cho ĐH Indiana, Mỹ triển khai.

Lễ ra mắt Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục đại học.
Lễ ra mắt Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục đại học.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn tham dự và phát biểu tại sự kiện. Theo Thứ trưởng, trong xu thế đổi mới, 3 đại học gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh và ĐH Đà Nẵng là những đơn vị sẽ tiên phong trong lĩnh vực giáo dục đại học Việt Nam. Đổi mới giáo dục đại học nhằm mang lại những giá trị tốt hơn cho xã hội.

Thực tế hiện nay cho thấy, giáo dục đại học Việt Nam cần tiếp tục cải tiến về nội dung và phương pháp đào tạo, kiểm tra đánh giá, năng lực nghiên cứu khoa học và mức độ gắn kết với thị trường lao động. Xu hướng quốc tế hóa và toàn cầu hóa đã và đang đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức nhưng cũng đem tới nhiều cơ hội đưa hệ thống giáo dục đại học trở thành nền tảng cho sự thay đổi chất lượng lực lượng lao động và năng lực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Theo đó, hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam cần nỗ lực tự chủ, đổi mới phương thức và bộ máy quản trị, thúc đẩy sự gắn kết giữa cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp nói riêng và cộng đồng nói chung để làm đòn bẩy nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại sự kiện.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại sự kiện.

Phát biểu tại Lễ ra mắt, GS.TS Lê Quân – Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay: Dự án đã có 1 tuần khởi động cho Lễ Khởi động ngày hôm nay bằng chuỗi hội thảo Summer Conference tại 3 miền đất nước, bước đầu hình thành một cộng đồng PHER gắn kết với nhiều ý tưởng, góc nhìn, kinh nghiệm và giải pháp trong quản trị đại học được chia sẻ.

“PHER đặt trọng tâm vào các trụ cột: Quản trị, chất lượng đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, kết nối doanh nghiệp với phương thức tiếp cận mang lại những kết quả cụ thể trong ngắn hạn đồng thời với sự tác động có tính bền vững về sau. Mục tiêu dự án là tham vọng nhưng khả thi, sát thực và hoàn toàn phù hợp với tầm nhìn, sứ mạng và chiến lược phát triển của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh và ĐH Đà Nẵng” - GS.TS Lê Quân nhấn mạnh, đồng thời tin rằng:

Mỗi đại học và mỗi cá nhân tham gia dự án sẽ có cơ hội mở rộng tầm nhìn và tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm để trở nên chủ động và hiệu quả hơn. Qua đó, có những đóng góp tốt hơn cho sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học nước nhà.

Các đại biểu tham dự Lễ ra mắt chính thức Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục đại học.

Các đại biểu tham dự Lễ ra mắt chính thức Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục đại học.

Dự án PHER nằm trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục đại học của USAID, là sáng kiến kéo dài 5 năm từ 2022 đến 2026 do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAUD) tài trợ theo hình thức hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại và giao cho Đại học Indiana, Hoa Kỳ làm đơn vị thực hiện.

Bốn trụ cột của Dự án bao gồm: Đổi mới quản trị đại học; Nâng cao chất lượng giảng dạy; Tăng cường năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo và Thúc đẩy liên kết đại học - doanh nghiệp. Trên cơ sở các mục tiêu cụ thể này, các hoạt động của dự án cũng được tổ chức thành 4 hợp phần với tên gọi tương ứng.

Cụ thể, PHER sẽ giới thiệu, cập nhật những phương pháp dạy và học mới hiện đại, toàn diện và có tính thực tiễn cao để ba đại học triển khai một số phương pháp đào tạo giúp cho sinh viên chú trọng phát triển kỹ năng mềm và cách áp dụng kiến thức trên lớp vào cuộc sống.

Ngoài ra, dự án sẽ cùng ba đại học hoàn thiện các chương trình hỗ trợ nghiên cứu, cũng như hình thành các chương trình hợp tác đào tạo và liên kết giữa Đại học - Doanh nghiệp giúp sinh viên sẵn sàng gia nhập thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp.

GS.TS Lê Quân – Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội phát biểu tại buổi lễ.

GS.TS Lê Quân – Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội phát biểu tại buổi lễ.

PHER sẽ tăng cường khả năng kết nối mạng lưới các nhà khoa học Việt Nam với quốc tế thông qua việc hình thành và vận hành các nhóm nghiên cứu mạnh trong một số lĩnh vực ưu tiên, thúc đẩy hợp tác trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp và khu vực tư nhân bằng cách hỗ trợ các đại học chủ động tìm kiếm, kết nối và chứng minh khả năng tạo ra giá trị cho doanh nghiệp cũng như cộng đồng và xã hội.

PHER hỗ trợ các đại học trên phương diện quản trị, thông qua giới thiệu, hỗ trợ xây dựng, triển khai các phương thức, mô hình, công cụ quản trị hiện đại, hiệu quả; hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị cho các cấp lãnh đạo và tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm quản trị với những lãnh đạo đại học trên thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ