Hợp tác Doanh nghiệp và dạy nghề: Ưu tiên đặt hàng đào tạo

GD&TĐ - Thúc đẩy các chương trình hợp tác Doanh nghiệp và Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đưa ra hàng loạt các giải pháp nhằm khắc phục hạn chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Hợp tác Doanh nghiệp và dạy nghề: Ưu tiên đặt hàng đào tạo

Tiềm năng lớn

Theo Tổng cục GDNN, khảo sát tại các cơ sở GDNN, cho thấy “hợp tác đưa sinh viên đến thực tập tại doanh nghiệp” là hình thức được thực hiện thường xuyên, phổ biến nhất tại các trường dạy nghề. Chương trình hợp tác này được đánh giá cao nhất so với các nội dung khác, có ảnh hưởng nhiều nhất tới kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp của sinh viên.

Trên thực tế, các doanh nghiệp đã có những hoạt động hợp tác với cơ sở GDNN khá đa dạng như: Tiếp nhận sinh viên, giáo viên dạy nghề tham quan tìm hiểu về doanh nghiệp, thực tập, cung cấp thông tin tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp, thông tin phản hồi chất lượng sinh viên tốt nghiệp. Một số doanh nghiệp đã hỗ trợ thiết bị cho dạy nghề cho cơ sở GDNN; bố trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp...

TS Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN đánh giá, tiềm năng phát triển các chương trình hợp tác với doanh nghiệp trong các cơ sở GDNN còn rất lớn và được phía doanh nghiệp ủng hộ. Nếu khai thác tốt, chất lượng sinh viên tốt nghiệp sẽ được hoàn thiện, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng này, cũng cần phải giải quyết những khó khăn thách thức như: Khung pháp lý trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo nghề chưa được áp dụng trong thực tiễn; thiếu các chế tài trong tuyển dụng, sử dụng lao động qua đào tạo nghề; Doanh nghiệp cũng chưa cung cấp nhu cầu nhân lực lao động hàng năm cho cơ quan quản lý Nhà nước về lao động, dạy nghề theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục nghề nghiệp...

Xã hội hóa dạy nghề

Để nâng cao trình độ kỹ năng nghề, phát huy tối đa sự sáng tạo của mỗi lao động, nhất thiết phải thay đổi ngay từ khâu đào tạo. Đáp ứng yêu cầu này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành thông tư cho phép doanh nghiệp được tham gia sâu vào quá trình đào tạo.

Hàng loạt các giải pháp cũng đã được đưa ra để thúc đẩy quá trình xã hội hóa dạy nghề. Trong đó, ban hành Thông tư về đẩy mạnh hợp tác trong tổ chức chương trình đào tạo trong đó quy định, nhà trường và doanh nghiệp có thể liên kết tổ chức đào tạo trong đó doanh nghiệp có thể đảm nhận đến 40% chương trình đào tạo; Ký kết với Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam để hợp tác đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp vào dạy nghề... Sắp tới, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI sẽ ký kết hợp tác đào tạo cùng các trường nghề.

PGS.TS Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Năm 2018, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội coi đổi mới GDNN là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tuyển dụng và việc làm là vấn đề ưu tiên hàng đầu. Do đó, chỉ khi hợp tác với doanh nghiệp thì cơ sở GDNN mới kết hợp với doanh nghiệp từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra của đào tạo, thể hiện được tính đặc thù của GDNN là gắn đào tạo với thực hành, tạo thu nhập cho người lao động, cung ứng trực tiếp nhân lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.

Theo Thứ trưởng, doanh nghiệp là nơi cung cấp các nguồn lực quan trọng để triển khai hoạt động đào tạo từ đội ngũ tham gia giảng dạy đến cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc và công nghệ để học sinh, sinh viên tiếp cận. Điều này sẽ tiết kiệm những khoản đầu tư rất lớn cho cơ sở GDNN.

“Đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp cần được ưu tiên hàng đầu. Nhà trường chỉ tuyển sinh khi xác định rõ người học sẽ thực hành, thực tập ở đâu? sẽ làm việc ở đâu? Tuyển sinh đi liền với tuyển dụng của doanh nghiệp. Đổi mới phải đảm bảo đồng bộ giữa chọn nghề, chọn trường và chọn nơi làm việc sau khi tốt nghiệp. Do đó, nhà trường cần hợp tác với doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo, hợp tác trong tổ chức tuyển sinh và đào tạo” - Thứ trưởng Lê Quân nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hủ tục nên bỏ

GD&TĐ - Lễ hội đâm trâu của người Ca Dong là một tập tục có từ ngàn xưa của những bộ tộc tựa lưng vào dãy Trường Sơn...