Hồng Kông: Bao giờ bình yên?

GD&TĐ - Một sĩ quan cảnh sát Hồng Kông đã nổ súng cảnh cáo những người biểu tình chống lại cảnh sát vào tối Chủ nhật vừa qua, đánh dấu một trong những đêm bạo lực nhất trong hàng loạt cuộc biểu tình diễn ra vào mỗi cuối tuần suốt 3 tháng qua.

Cảnh sát chống bạo động sử dụng hơi gas trong một đụng độ giữa cuộc tuần hành của người Hồng Kông tại quận Tsuen
Cảnh sát chống bạo động sử dụng hơi gas trong một đụng độ giữa cuộc tuần hành của người Hồng Kông tại quận Tsuen

Bạo lực leo thang

Một cảnh quay của hãng CNN cho thấy, một số nhân viên cảnh sát đã rút chạy khi bị người biểu tình cầm ống kim loại rượt đánh.

Bạo lực leo thang khi một nhóm người biểu tình nhỏ tách khỏi đám đông hôm thứ Bảy và tổ chức một cuộc tuần hành khác. Họ sử dụng những khối nón phân làn giao thông và rút các cọc ngăn vỉa hè để dựng chướng ngại vật tạm thời trên đường phố, đồng thời ném gạch và bom xăng vào cảnh sát.

Cảnh sát đã buộc phải phun hơi cay vào nhóm người này, nhưng không giải tán được họ. Sau đó, cảnh sát sử dụng vòi rồng. Đây là lần đầu tiên vòi rồng được sử dụng trong một cuộc biểu tình trong ba tháng qua, một phát ngôn viên của cảnh sát Hồng Kông cho biết.

Sớm ngày Chủ nhật, cuộc tuần hành diễn ra khá ôn hòa, với hàng ngàn người tham gia đi dọc các con phố từ Kwai Chung tới quận Tseun Wan. Bất chấp cơn giông đang kéo tới, họ mặc áo mưa và che ô tham gia biểu tình. Theo những nhà tổ chức, cuộc tuần hành vẫn duy trì mục tiêu cơ bản và bày tỏ sự phản đối đối với ứng xử cứng rắn từ phía cảnh sát. Bạo lực đã xảy ra trước đó vào hôm trước, sau khi hàng nghìn người ở quận Đông Kwun Tong tuần hành với 5 yêu cầu và chống lại việc chính phủ lắp đặt các cột đèn giám sát môi trường “thông minh” gây ra những lo ngại về quyền riêng tư.

Cuộc tuần hành cuối tuần lần thứ 12 này đánh dấu kết thúc giai đoạn yên bình ngắn ngủi trên toàn thành phố, khi cảnh sát tiếp tục dùng hơi gas sau khoảng 2 tuần gián đoạn. Mặc dù thế, cảnh sát đưa ra lý do rằng lần này là do một số người trong đội ngũ cảnh sát đã trở thành mục tiêu. Thông tin cá nhân của một số cảnh sát bị đưa lên mạng, bao gồm thông tin liên lạc, địa chỉ nhà... Cảnh sát cũng chỉ trích rằng gia đình họ bị đe dọa và gọi đây là một kiểu “chiến tranh tâm lý”. Hàng chục người đã bị bắt giữ vì nghi ngờ đã tiết lộ thông tin cá nhân mà chưa được đồng ý, gây tác hại và truy cập máy tính trái phép.

Người biểu tình sử dụng ống sắt chống lại cảnh sát trong cuộc đụng độ
  • Người biểu tình sử dụng ống sắt chống lại cảnh sát trong cuộc đụng độ

Làm gì để vãn hồi tình thế?

Đối ngược với những người biểu tình, rất nhiều người ở Hồng Kông đồng cảm với cảnh sát và chính quyền, thậm chí một số người tổ chức tuần hành ủng hộ cảnh sát. Facebook của các nhà tổ chức cuộc tuần hành này kêu gọi một nền tảng đối thoại giữa cảnh sát và công chúng để “hàn gắn mối quan hệ tan vỡ” và yêu cầu cảnh sát “không hành động ác ý hoặc không thiện chí với bất kỳ ai”.

Bạo lực leo thang lên đến đỉnh điểm hồi tháng 7, với nhiều cuộc đụng độ giữa người biểu tình vả cảnh sát khiến nhiều người bị thương. Các cuộc biểu tình liên miên gây đình trệ ở nhiều lĩnh vực vả ảnh hưởng không ít đến cuộc sống người dân. Cuối tuần qua, Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam đã viết một status dài trên Facebook kêu gọi hòa bình và đối thoại. “Sau hơn 2 tháng, ai cũng đã mệt mỏi. Liệu chúng ta có thể ngồi xuống nói chuyện được không?”, bà viết và thừa nhận rằng có những vấn đề xã hội sâu sắc hơn ngoài bạo lực tức thời cần được giải quyết.

Tại Hồng Kông, các cuộc biểu tình đã diễn hơn 3 tháng. Mặc dù đạo luật gây tranh cãi, vốn là nguyên nhân của cuộc biểu tình, đã được đình chỉ, nhưng yêu cầu của những người biểu tình đã phát triển và mở rộng thêm. Họ yêu cầu đương kim Trưởng đặc khu từ chức, rút hoàn toàn đạo luật và kêu gọi quyền bầu cử phổ thông.

Bà Carrie Lam lên án bạo lực và cam kết thúc đẩy truyền thông, đối thoại nhiều hơn với công chúng, nhưng nhiều người cho rằng cam kết của bà là chưa đủ. Một số người phản đối cho biết, họ sẽ tiếp tục biểu tình cho đến khi người đứng đầu đặc khu đáp ứng yêu cầu của họ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ