Khi công chức xuống đường
Theo Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), hàng nghìn công chức Hồng Kông xuống biểu tình phản đối chính quyền và dự luật dẫn độ gây tranh cãi. Cuộc biểu tình lan rộng sang các ngày thứ Bảy và Chủ nhật khiến căng thẳng leo thang. Đây là lần đầu tiên giới công chức Hồng Kông tham gia biểu tình. Họ tụ tập một cách ôn hòa cùng những người biểu tình, trong số đó, không ít người đeo mặt lạ để giấu đi danh tính. Động thái này đi ngược lại yêu cầu của chính quyền Hồng Kông đối với 180 ngàn công chức - phải giữ quan điểm trung lập về chính trị.
Cảnh sát đã trấn áp đoàn biểu tình. Theo các nguồn tin, hơn 20 người đã bị bắt. VOA dẫn lời Kathy Yip, một nhân viên của chính quyền Hồng Kông, viết: “Tôi nghĩ rằng chính quyền nên hồi đáp các yêu cầu, thay vì đẩy cảnh sát ra tiền tuyến làm lá chắn”.
Có thể nói, các cuộc biểu tình không hề thuyên giảm trong 8 tuần liên tiếp. “Tia lửa” làm bùng phát “đám cháy chính trị” này là một dự luật của cơ quan lập pháp địa phương, theo đó, đề xuất dẫn độ các nghi phạm hoặc có hành vi phạm tội đến Trung Quốc đại lục. Công chúng Hồng Kông phẫn nộ cho rằng, cảnh sát đã dùng bạo lực quá mức trong cuộc chiến chống lại người biểu tình.
Sự phẫn nộ được đẩy lên cao trào khi những tên côn đồ đeo mặt nạ tấn công người biểu tình, những người đang trở về tàu điện ngầm từ trung tâm thành phố. Người ta nghi ngờ rằng những kẻ côn đồ thuộc cộng đồng xã hội đen Tam Hoàng, một tổ chức tội phạm hình thành ở Hồng Kông trong thế kỷ XIX. Câu hỏi được đặt ra: Có phải những người này đã đi ngược lại mục đích của phe đối lập, họ là người được chính quyền thuê mướn?
Chưa có câu trả lời cụ thể, chỉ biết rằng yêu sách của người biểu tình ngày một gia tăng. Ban đầu là bãi bỏ dự luật dẫn độ gây tranh cãi, sau đó là đòi nhà lãnh đạo Marrie Lam từ chức và hàng loạt yêu sách dân chủ khác.
Trong bối cảnh ấy, tờ South China Morning Post, một tờ báo tiếng Anh có ảnh hưởng nhất Hồng Kông kêu gọi: Đã đến lúc mỗi người cần phải nghĩ về cuộc khủng hoảng chính trị ở Hồng Kông nguy hiểm đến mức nào và cần phải làm một việc gì đó.
Trung Quốc sẽ dùng vũ lực với Hồng Kông?
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, ông Chen Daoxiang, chỉ huy đồn trú của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tại Hồng Kông tuyên bố rằng quân đội sẽ “không dung thứ cho tình trạng bất ổn đã tạo ra mối đe dọa đối với cuộc sống và sự an toàn của người dân”. Quân đội “quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia, sự ổn định và thịnh vượng của Hồng Kông”.
Cảnh báo của ông Chen được đưa ra sau khi tòa án buộc tội 43 người biểu tình bị giam giữ với cáo buộc họ dàn dựng một cuộc bạo loạn.
Để khẳng định lời tuyên bố của mình, PLA cho trình chiếu đoạn video về cuộc tập trận kiểm soát bạo loạn. Trong video này, những người lính với khiên đang di chuyển bên cạnh đoàn người biểu tình đang bị vòi rồng tấn công. Trong cảnh hỗn loạn ấy có sự hiện diện của xe tăng. Và cảnh cuối cùng: Những người lính áp giải người biểu tình bị còng tay về nơi giam giữ.
Hãng Bloomberg chuyển tải một thông tin thậm chí còn đáng báo động hơn. Trích lời các quan chức cấp cao của Mỹ, quân đội Trung Quốc đã sẵn sàng tác chiến ở gần biên giới với Hồng Kông.
Một câu hỏi được đặt ra: Chả lẽ Bắc Kinh đang chuẩn bị một chiến dịch quân sự? Andreas Falda - nhà tội phạm học từ trường đại học ở Nottingham (Anh) cho rằng điều này là không thể. Xét cho cùng, Hồng Kông là một trung tâm quan trọng, là “con gà đẻ trứng vàng” cho đại lục.
Trong cuộc trò chuyện với tờ “Nezavisimaya Gazeta”, Phó Viện trưởng Viện Các nước châu Á và châu Phi tại Đại học quốc gia Moscow, Andrei Karneev cho biết: Dự đoán mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào giống như dự đoán điều gì sẽ xảy ra với đồng đô la trong năm tới. Tuy nhiên, rất nhiều giả định được đưa ra. Thậm chí, có người còn nói rằng Bắc Kinh có thể hủy bỏ mô hình “một quốc gia - hai chế độ” khi Hồng Kông thuộc về Trung Quốc. Andrei Karneev khẳng định, họ nói như vậy để cảnh tỉnh những người ủng hộ các hành động cực đoan. Thật vậy, sự leo thang của các hành động cực đoan khiến nhiều người sợ hãi, đặc biệt là các doanh nhân.
Mặt khác, nếu dùng đến quân đội, uy tín của Trung Quốc với tư cách là quốc gia chủ trương hợp tác tích cực hơn với cộng đồng thế giới trong lĩnh vực kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Trả lời phỏng vấn tờ “Nezavisimaya Gazeta”, ông Andrei Ostrovsky, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhớ lại, đội ngũ của PLA đã được đưa đến Hồng Kông vào năm 1997. Khi đó, họ nghĩ rằng, với chừng ấy binh lính là đủ để ổn định tình hình sau khi chuyển giao quyền lực. Bây giờ họ đang nói lại về vai trò của lực lượng đồn trú. Trong bối cảnh hiện nay, khi phong trào phản kháng ngày một leo thang và được cho là bị kích động từ bên ngoài, việc tăng cường quân đội cho Hồng Kông là hoàn toàn có thể.