Đây là số vỏ ốc mà ông đã dày công sưu tầm được trong 15 năm qua. Trong đó, có những loài ốc biển được ông “đặt hàng” từ ngư dân đánh bắt ở quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam.
Hiến tặng 15 năm tâm huyết
Tại Nhà trưng bày Hoàng Sa (TP Đà Nẵng) có nhiều tư liệu quý về chủ quyền hai 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Những ngày này, khách tham quan còn được chiêm ngưỡng bộ sưu tập hơn 1.000 loại ốc, sò... của ngư dân đánh bắt tại khắp vùng biển miền Trung. Trong đó có những vỏ được đem về từ hai quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc là Hoàng Sa, Trường Sa.
Người sở hữu bộ và hiến tặng bộ sưu tập quý giá này chính là ông Phan Thanh Toại (46 tuổi, trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Ông Toại đã dành khoảng thời gian 15 năm ròng rã để mày mò, sưu tầm các loại ốc dọc vùng biển Việt Nam.
Ông Toại cho biết, công việc của ông là huấn luyện viên bơi lặn tại Trung tâm Bơi lội Đà Nẵng. Đam mê bơi lội nên ông đã gắn liền với biển từ nhỏ, ông Toại dần dần có sở thích tìm hiểu, sưu tầm tất cả những gì có liên quan.
Với niềm đam mê biển, ông đã nghiên cứu, sưu tầm bằng được những loại ốc từ vùng biển của quê hương. Ý tưởng đã có, ông bắt đầu ấp ủ nguyện vọng của mình và rồi bắt đầu ròng rã hành trình 15 năm đi sưu tầm từng vỏ ốc biển.
Để tìm được những loại ốc biển đặc biệt, độc, lạ, hiếm, ông đã rong ruổi đi khắp mọi vùng biển trong cả nước để tìm hiểu, đặt mua. Đối với những loại chỉ xuất hiện ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, ông phải nhờ các ngư dân thường xuyên ra khơi đánh bắt ở vùng biển này để đem về cho mình.
Cứ như thế, số lượng vỏ ốc sưu tầm của ông Toại càng ngày càng tăng lên. 15 năm ròng rã sưu tầm, giờ đây số vỏ ốc mà ông Toại sưu tầm được đã lên hàng nghìn vỏ. Trong đó có 2 hóa thạch ốc Anh Vũ quý hiếm với đặc điểm hình dáng không có sự thay đổi so với tổ tiên có niên đại cách đây 350 đến 400 triệu năm.
Ngoài các loại ốc có ở ven biển, ông còn sưu tầm được những loại ốc biển ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam như: Ốc Kim Khôi, Anh Vũ, Ốc Mực Giấy, Sò Gai…
Để mọi người được biết đến những loài ốc biển của Việt Nam, ông Toại đã liên hệ và hiến tặng bộ sưu tập vỏ ốc biển của mình cho nhà Nhà trưng bày Hoàng Sa (TP Đà Nẵng).
Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường truyền thống của người Việt
Ông Lê Tiến Công – Phó Giám đốc phụ trách Nhà trưng bày Hoàng Sa (TP Đà Nẵng) cho hay, bộ sưu tập vỏ ốc biển của ông Toại sẽ được trưng bày tại Nhà trưng bày Hoàng Sa. Đây sẽ khẳng định thêm sự phong phú của các loài thủy, hải sản ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
“Bộ sưu tập sẽ được triển lãm công phu, sống động để giới thiệu đến rộng rãi người dân, du khách. Qua đó, nâng cao nhận thức, tình yêu của đồng bào trong vấn đề khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đặc biệt, giúp cho mọi người có được sự hiểu biết và thêm yêu những loài ốc biển của Việt Nam”, ông Công nói.
Cũng theo ông Công, du khách tới với Nhà trưng bày Hoàng Sa không chỉ thấy được nhiều tư liệu lịch sử về lịch sử chủ quyền, mà còn thấy được sự phong phú đa dạng của các loài sinh vật biển và bộ sưu tập vỏ ốc này.
“Đây là ngư trường truyền thống của người Việt và thể hiện sự khai thác lâu dài bình thường, thể hiện chủ quyền của chúng ta trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa” – ông Công nhấn mạnh.