“Hồn dân tộc” trong tranh đương đại

GD&TĐ - Chất liệu dân gian tôn vinh tính dân tộc trong các tác phẩm của họa sĩ Bùi Thanh Tâm đã dẫn dắt nghệ thuật hướng về truyền thống.

Họa sĩ Bùi Thanh Tâm bên 1 bức tranh trong triển lãm lần này.
Họa sĩ Bùi Thanh Tâm bên 1 bức tranh trong triển lãm lần này.

Từ ngày 21 – 26/10 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam diễn ra triễn lãm “Không có gì ở đằng sau” (Nothing Behind). Đây là triển lãm cá nhân lần thứ 6 của họa sĩ Bùi Thanh Tâm, và là lần thứ 3 ở trong nước.

Dòng tranh quen – lạ, lạ - quen

Thương hiệu cá nhân của họa sĩ Bùi Thanh Tâm bắt đầu có từ năm 2013 khi anh bán được một tác phẩm với giá 11.000 USD tại triển lãm nghệ thuật đương đại châu Á tại Hồng Kông. Kể từ đó, tranh của anh thường xuyên xuất hiện tại các triển lãm quốc tế.

Sinh năm 1979 tại Thái Bình, Bùi Thanh Tâm là họa sĩ được đào tạo cơ bản, sớm định hình được phong cách và gây tiếng vang trong giới hội họa bằng những tác phẩm sáng giá. Tiếng vang được dội lại không chỉ vì những bức tranh bán với giá cao, mà ý nghĩa thực sự khiến công chúng muốn thưởng lãm tác phẩm của anh bởi 2 điều: Nhìn lạ mà quen, rất quen nhưng lạ.

Những bức tranh trong bộ sưu tập “Thiên đường bỏ ta đi” của Bùi Thanh Tâm không mô tả chân dung cụ thể. Đó chỉ là gương mặt Việt Nam đương đại ẩn sâu trong dòng chảy văn hóa. Các tác phẩm được vẽ kỹ và chăm chút tỉ mỉ với những đôi mắt mở to, cái nhìn dứt khoát trực diện vào nội tâm của chính người xem.

Với chất liệu nền là tranh Đông Hồ, những cô gái trong tác phẩm của anh là sự kết nối, tái tạo ký ức, xen kẽ hình ảnh đứt gãy về giá trị văn hóa. Vì vậy, họ mang vẻ đẹp vừa đằm thắm, quen thuộc nhưng cũng đầy lạ lẫm.

Với Bùi Thanh Tâm, lựa chọn dòng tranh Đông Hồ chính là cách gìn giữ nghệ thuật dân gian. Bởi hiện nay, thợ thủ công tham gia làm tranh Đông Hồ mai một dần. Từng là niềm tự hào của di sản văn hoá Việt Nam, nhưng tranh Đông Hồ giờ đây hầu như chỉ sản xuất theo ấn phẩm in, là hàng lưu niệm cho du khách.

Mona Lisa là cái tên ấn tượng cho triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ Bùi Thanh Tâm vào năm 2010. Nàng Mona Lisa từ nghệ thuật Phục Hưng kinh điển lại mang nụ cười của những chú rối nước rất Việt Nam. Hài và tếu, nhưng ít ai biết triển lãm Mona Lisa là kết quả gần một năm trời sáng tác không ngừng nghỉ của nghệ sĩ.

Bùi Thanh Tâm gán ghép gương mặt của những chú rối, chú tễu của nghệ thuật dân gian cho mọi nhân vật trong tranh. Từ những chân dung đời thường của một gia đình trẻ, cho đến những con người thuộc tầng lớp phức tạp.

Và đỉnh điểm là ở những hình tượng kinh điển của nghệ thuật hàn lâm: Nàng Mona Lisa bí ẩn mang gương mặt hài hước; Đức Mẹ Maria là bà mẹ Việt Nam anh hùng. Công chúng bất ngờ khi xem tranh và bật cười khi thấy gì đó ngô nghê.

“Nụ hôn vĩnh cửu” với chất liệu tranh Đông Hồ, Kim Hoàng, Hàng Trống, vàng lá, bạc lá trên canvas.
“Nụ hôn vĩnh cửu” với chất liệu tranh Đông Hồ, Kim Hoàng, Hàng Trống, vàng lá, bạc lá trên canvas. 

Không có gì ở đằng sau

Cùng với sự hài hước, Bùi Thanh Tâm nhìn con người và xã hội dưới một con mắt công kích và thực hiện luôn bằng thủ pháp giễu nhại. Dưới cây cọ của họa sĩ, con người đương đại hiện ra dưới một dáng vẻ hơn hớn, no đủ, thậm chí trưởng giả nhưng thiếu một cái gì đó, dường như là chiều sâu tinh thần và tình cảm. Và rồi mọi chuyện sẽ khác dưới các góc nhìn soi chiếu sâu sắc của chính tác giả.

Triển lãm lần này của Bùi Thanh Tâm chỉ diễn ra trong 6 ngày ngắn ngủi. Tất cả các vật thể tranh, thay vì được nghệ sĩ đặt trong một cấu hình đơn giản như trước đây khi con người luôn chiếm lấy không gian trung tâm.

Giờ đây, chúng hoặc đã bị biến mất hoàn toàn vào bề mặt của bức tranh, hoặc bị ẩn giấu, trộn lẫn vào vô số các vật thể khác. Con người không còn là trung tâm quan sát của nghệ sĩ mà chỉ là một yếu tố nhỏ bé nằm trong vô số các vật thể.

Những tâm trạng u buồn, cô độc và giễu nhại được thay thế bằng các hình ảnh ngồn ngộn ngợp mắt, đầy khoa trương. Không gian kiểu sân khấu tự sự và độc thoại được thay thế bằng không gian đại hí viện của các màn trình diễn tập thể. Và, thao tác vẽ, tô màu, được thay thế bằng thao tác cắt dán collage, tạo nên những tác phẩm siêu bề mặt tập hợp đa dạng các chất liệu, kỹ thuật dân gian.

Bùi Thanh Tâm phát triển việc thực hành cảm hứng từ các dòng tranh dân gian truyền thống Việt Nam bằng cách cũng làm tranh bằng các phương pháp thủ công. Sử dụng, phát huy tính thủ công của nghệ nhân vàng bạc, nghệ nhân dân gian in khắc vẽ tay… kết hợp tất cả lại với nhau, biến những kỹ thuật vốn chỉ là dân gian cổ xưa trở thành nghệ thuật đương đại.

Định hình phong cách với chất nền truyền thống, Bùi Thanh Tâm chủ động đóng gói tranh tham gia các triển lãm nghệ thuật quốc tế. Mục đích của người nghệ sĩ không chỉ là tiền, mà phải khiến cho thế giới biết về tranh Việt, về văn hoá Việt Nam. Bởi vậy mà các tác phẩm của Bùi Thanh Tâm soi chiếu giúp công chúng thế giới khám phá xã hội Việt Nam hiện đại qua những góc nhìn đầy màu sắc. Đó không chỉ là quảng bá văn hoá, mà mỹ thuật cũng mang trong mình trách nhiệm của một “đại sứ”.

“Những làng tranh Đông Hồ, Hàng Trống, tranh thờ Kim Hoàng hay các làng nghề thủ công truyền thống làm vàng, bạc… đã có từ lâu đời trong dòng chảy văn hóa, trở thành những biểu tượng văn hoá dân gian của người Việt Nam. Tôi chỉ thực hành việc chắp ghép tất cả những tinh tuý, đặc sắc mà các nghệ nhân dân gian nhiều đời gìn giữ, phát triển, đưa chúng vào “một định dạng mới” trong dòng chảy của nghệ thuật đương đại” - Họa sĩ Bùi Thanh Tâm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ