Dự án có tổng kinh phí 9,09 triệu USD từ nguồn vốn tài trợ không hoàn lại của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA).
Mục tiêu của dự án nhằm: “Phát triển toàn diện chất lượng giáo dục lĩnh vực nông nghiệp và các ngành liên quan tại Trường Đại học An Giang và ĐHQG TP.HCM góp phần phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu và những thay đổi của xã hội". Dự án hướng tới giải quyết những tồn tại, cải tiến chất lượng đào tạo và nâng cao chất lượng nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP.HCM cho biết, một sứ mệnh quan trọng của ĐHQG TP.HCM được Đảng và Nhà nước giao, được cụ thể hóa trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học là thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước, đặc biệt là vùng ĐBSCL.
Trong giai đoạn 2014-2020, ĐHQG TP.HCM đã đồng chủ trì Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định và thực hiện chiến lược, chính sách phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề xuất giải pháp KH&CN liên ngành để thúc đẩy liên kết nội vùng và liên kết vùng trong phát triển bền vững. Đặc biệt là triển khai có hiệu quả các giải pháp KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng.
"Năm 2019, ĐHQG TP.HCM đã tiếp nhận Trường Đại học An Giang- một cơ sở đào tạo và nghiên cứu mạnh về nông nghiệp ở vùng ĐBSCL vào hệ thống ĐHQG TP.HCM để thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học cho vùng này. ĐHQG TP.HCM cũng đã giao cho Trường ĐH An Giang trực tiếp phối hợp thực hiện dự án: “Tăng cường giáo dục đại học ngành nông nghiệp tại ĐHQG TP.HCM”, PGS.TS Hải Quân cho biết.
Trong 7 năm triển khai, dự án tập trung vào các hoạt động trọng tâm như: công tác đào tạo chuyên môn ở trình độ sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ); Các cán bộ có chuyên ngành nông nghiệp và những chuyên ngành liên quan được cử đi đào tạo tại Khoa Nông nghiệp và Khoa học đời sống - Đại học Quốc gia Seoul; Tổ chức nghiên cứu khoa học và hội thảo nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu cho giảng viên Trường Đại học An Giang- ĐHQG TP.HCM.
Cải tiến các chương trình đào tạo hiện đang vận hành tại Khoa Nông nghiệp – Tài nguyên thiên nhiên -Trường Đại học An Giang; Xây dựng các chương trình đào tạo mới trình độ đại học và sau đại học, cũng như hỗ trợ xuất bản giáo trình/tài liệu giảng dạy; Xây dựng các trung tâm nghiên cứu để hỗ trợ việc tiếp cận và áp dụng những công nghệ cao trong sản xuất và vận hành nền nông nghiệp hiện đại; Trao đổi sinh viên như là sản phẩm của quá trình đào tạo giữa hai đối tác cũng được thực hiện;
Cải thiện năng lực hành chính và thiết lập lộ trình cải thiện tổ chức hành chính tại Trường Đại học An Giang và các trường thành viên tham gia dự án. Các chương trình tập huấn lãnh đạo các cấp được thực hiện để hỗ trợ mục tiêu này.
Tăng cường hợp tác học thuật - công nghiệp giữa các đơn vị học thuật và ứng dụng công nghệ (đặc biệt với các doanh nghiệp Hàn Quốc), đảm bảo kết quả nghiên cứu được ứng dụng một cách rộng rãi trong thực tế.
Thông qua các hoạt động của dự án, nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp của Trường Đại học An Giang nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung được được nâng cao về số lượng cũng như chất lượng. Đây sẽ là tiền đề, là cơ sở cho quá trình phát triển, đổi mới, hướng tới một nền nông nghiệp công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.