Tại buổi đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau với thanh niên vừa được tổ chức, đại tá Nguyễn Phúc Cường, Phó Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau đã trả lời những câu hỏi của thanh niên xoay quanh nhóm vấn đề xử lý thông tin trên mạng xã hội.
Đại tá Cường cho biết, từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh đã tiếp nhận trên 51 trường hợp người dân trình báo bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông, mạng xã hội, tổng số tiền bị chiếm đoạt trên 9,5 tỷ đồng.
Theo đó, các thủ đoạn lừa đảo thường gặp như: Chuyển tiền cho người quen qua tài khoản mạng xã hội facebook nhưng các tài khoản này là giả mạo hoặc bị hack; giả danh cán bộ, Viện kiểm sát, Công an gọi điện thông báo bị hại có liên quan đường dây phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, yêu cầu bị hại chuyển tiền để nhẹ tội.
Gọi điện cho gia đình biết con em bị tai nạn đang cấp cứu cần số tiền gấp để phẫu thuật và yêu cầu chuyển tiền rồi chiếm đoạt; gọi điện thông báo có phần quà từ nước ngoài hoặc trúng các giải thưởng có giá trị lớn, để nhận hàng đối tượng yêu cầu bị hại đóng các khoản phí vận chuyển, hải quan…
Nhìn chung, các hình thức lừa đảo của các đối tượng trên không gian mạng là đánh vào lòng tham, tâm lý và hạn chế về công nghệ của một số bộ phận người dân, đặc biệt ở vùng nông thôn.
Cũng theo Đại tá Cường, hiện nay, các vụ việc đang được Công an tỉnh điều tra, nhưng gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, người dân khi biết mình bị lừa đảo ngại đến cơ quan chức năng trình báo, đến khi không còn liên hệ được đối tượng, khi đối tượng ‘cao chạy xa bay’ mới báo cơ quan công an, gây khó khăn trong việc xác định và truy tìm.
Từ thực tế trên, Công an tỉnh cũng nêu một số giải pháp hạn chế bị lừa đảo trên không gian mạng như: Người dùng mạng xã hội cần cảnh giác những lời chào, mời sản phẩm giá rẻ, việc làm thu nhập cao hay việc gọi hỏi mượn tiền qua mạng; cần cập nhật về các thủ đoạn lừa đảo mới; hạn chế đăng tải, chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng xã hội...