Yếu tố thời gian và chiến lược phát triển giáo dục

Yếu tố thời gian và chiến lược phát triển giáo dục

(GD&TĐ) - Thời gian là một yếu tố có mối quan hệ đặc thù đặc biệt tác động đến sự vận động phát triển của hệ thống giáo dục. Khi thiết kế một chiến lược phát triển giáo dục cần có một tầm nhìn xuyên suốt quá khứ, hiện tại, tương lai để từ đó xác định được đúng đắn con đường, giải pháp, bước đi nhằm đạt được trạng thái tương lai mong muốn của hệ thống. Đồng thời sự phát triển, biến động, biến đổi mau lẹ của sự vật trong xã hội hiện đại cũng đòi hỏi cần có một tư duy vừa có tầm xa, rộng vừa cụ thể và hết sức mềm dẻo để ứng biến với những thay đổi của tình hình trong từng giai đoạn cũng như trong tổng thể thời gian của một kỳ chiến lược phát triển giáo dục.

Thế hệ trẻ - Tương lai của dân tộc
Thế hệ trẻ - Tương lai của dân tộc

1. Sự kiện – cái thể hiện bản chất của thời gian 

Thời gian, cùng với không gian, là hình thức tồn tại cơ bản của vật chất. Trong hình thức tồn tại cơ bản như vậy, vật chất vận động và phát triển không ngừng. Cũng như vận động gắn liền với vật chất, vật chất và vận động không thể tách rời với thời gian. Có thể nói vận động là bản chất của thời gian, làm nên nội dung của thời gian.

Thời gian chỉ có một chiều, một đi không trở lại, thể hiện sự tồn tại kế tiếp liên tục của những sự vật hiện tượng thay thế nhau. Đây là điều mà nhiều nhà hiền triết đã đề cập từ xưa: “Không ai tắm hai lần trong cùng một dòng sông” (Heraclitus ); “Chảy mãi như thế này ngày đêm không ngừng nghỉ ư?” (Khổng Tử). 

Thời gian một đi không trở lại, mọi sự kiện đều không thể quay ngược lại. Điều đó có nghĩa là mọi sự vật hiện tượng đều vận động theo một hướng, từ quá khứ  qua hiện tại đến tương lai. Quá trình này được đo và ghi dấu bằng ngày, tháng, năm và cụ thể hơn bằng giờ, phút, giây. Có thể gọi thời gian với cách hiểu  như trên là thời gian khách quan (thời gian vật lí ). 

Thời gian khách quan là thời gian được sử dụng phổ biến trong đời sống xã hội. Trong bài viết này, xem xét yếu tố thời gian trong mối quan hệ với chiến lược phát triển giáo dục tức là xem xét thời gian khách quan với cách hiểu đã được trình bày trên. 

Ngoài thời gian khách quan, còn có những quan niệm khác về thời gian như: Thời gian tâm lí (thời gian chủ quan), theo đó thời gian diễn ra tuỳ theo ý thức, tâm lí, tâm trạng của con người (thời gian dài lê thê khi người ta buồn chán chẳng hạn); thời gian theo thuyết tương đối hạn chế của Einstein lại mất đi tính phổ quát và có tính mềm dẻo, nó thay đổi tuỳ theo di chuyển của con người: tốc độ di chuyển càng nhanh thì thời gian càng chậm lại vv…Những cách hiểu thời gian đó chúng tôi không sử dụng trong bài viết này. 

Vận động là bản chất của thời gian, mà vận động lại được thể hiện bởi các sự kiện. Cho nên xem xét bản chất của thời gian phải thông qua xem xét các sự kiện. Nếu không có các sự kiện diễn ra trong dòng chảy của thời gian, thời gian sẽ là khái niệm trống rỗng, vô nghĩa. 

Thời gian là một tài sản vô giá. Nếu được sử dụng hiệu quả, nó là một giá trị lớn. Còn nếu thời gian được sử dụng kém hiệu quả thì sẽ là lãng phí không nhỏ. K. Marx đã từng chỉ rõ: “Mọi sự tiết kiệm suy cho cùng đều là tiết kiệm về thời gian”. Con người có thể sử dụng thời gian hiệu quả hơn thông qua việc kế thừa các giá trị của quá khứ cũng như  việc thiết kế và làm chủ các sự kiện, hướng tới tương lai.

Trong việc xây dựng một chiến lược phát triển, xem xét từ mối quan hệ với yếu tố thời gian, đòi hỏi đặt ra là cần có cái nhìn  hệ thống xuyên suốt thời gian, đồng thời cũng cần chọn lọc được những điểm và thời điểm đột phá chiến lược. Trang Tử đã nói: “Nhà minh triết dõi theo một vạn năm để nhìn ở một điểm duy nhất”

2. Yếu tố quá khứ và tương lai trong một chiến lược phát triển giáo dục 

Quá khứ là thời gian đã trôi qua, là ngày hôm qua. Con người sống trong hiện tại nhưng phải là người rất cực đoan mới chỉ quan tâm đến hiện tại, còn thường thì người ta đều hướng tới tương lai, hướng tới những gì mình sẽ đi đến ngày mai. Con người đi đến tương lai bao giờ cũng từ quá khứ qua hiện tại bởi thời gian là dòng chảy không ngừng không nghỉ, và lịch sử không thể đứt đoạn. Hiện tại là một khoảng thời gian rất động, hiện hữu đấy nhưng cũng trôi qua ngay đấy, cho nên có thể nói chỉ cần xem xét quá khứ và tương lai cũng như con đường đi đến tương lai là đã có cái nhìn xuyên suốt thời gian  rồi.

Khuê văn các
Văn Miếu Quốc Tử Giám - Trường đại học đầu tiên của Việt Nam

Tương lai là thời gian ở phía trước, là thời gian sẽ tới, là ngày mai. Tương lai được đi đến từ quá khứ qua hiện tại tạo thành dòng chảy thời gian bất tận. Tương lai là khái niệm thuần khiết, là khái niệm có ý nghĩa giống nhau đối với mọi sự vật hiện tượng đang vận động nếu ta chọn một mốc thời gian nhất định ở phía trước để xem xét. Trạng thái tương lai lại là khái niệm có ý nghĩa khác nhau về chất vì nó gắn liền với sự vận động của các sự vật hiện tượng khác nhau, hoặc do chất lượng vận động khác nhau trong quá trình vận động của một sự vật hiện tượng khi sự vật , hiện tượng đó tiếp nhận các tác động khác nhau của các yếu tố khách quan và chủ quan. Trong một chiến lược phát triển giáo dục, mức độ đạt được mục tiêu (hoặc mục đích) của chiến lược chính là trạng thái tương lai của hệ thống giáo dục ở cuối kì chiến lược. 

Hoạt động của con người vừa chịu ảnh hưởng của quá khứ như ở trên đã xem xét, vừa phụ thuộc vào tương lai với những gì mong muốn đạt được sau khoảng thời gian đi từ hiện tại tới một mốc thời gian định trước. Nếu quá phụ thuộc vào quá khứ, thậm chí cường điệu quá khứ đến mức lấy những gì đạt được trong quá khứ làm chuẩn mực cho hiện tại và tương lai thì sẽ khó tránh khỏi lâm vào tình trạng trì trệ, lạc hậu (Thời phong kiến ở Trung Quốc, Việt Nam…với sự thống trị của tư tưởng Nho giáo là một ví dụ). Ngược lại, nếu phủ định quá khứ, đứt đoạn với lịch sử, tức là sẽ đánh mất cội nguồn, làm mất đi bản sắc dân tộc. Như thế không còn vị thế văn hoá riêng trong giao lưu và hội nhập quốc tế. Sự lựa chọn đúng đắn ở đây là cần kế thừa một cách chọn lọc các giá trị tinh hoa của quá khứ. Trong một chiến lược phát triển giáo dục, trên cơ sở kế thừa các giá trị giáo dục tinh hoa của quá khứ, tiếp thu kinh nghiệm giáo dục tiên tiến của thế giới và phân tích bối cảnh - thực trạng, khi thiết kế các quan điểm chỉ đạo và con đường đi tới tương lai của hệ thống giáo dục, cần xác định được con đường mới, những cách làm mới, lựa chọn các hoạt động, thiết kế các sự kiện phù hợp với sự biến động của bối cảnh, tình hình và có thể khắc phục được những yếu kém, bất cập trong hiện tại và quá khứ. Để ứng biến với những biến động của tình hình và bảo đảm tính khả thi cao của một chiến lược, không nên thiết kê chiến lược đó với thời gian thực hiện quá dài. 

Trạng thái tương lai là mức độ đạt được mục tiêu của chiến lược, như thế mục tiêu của chiến lược chính là trạng thái tương lai mong muốn của một chiến lược. Nói một cách cụ thể hơn, mục tiêu chiến lược là trạng thái tương lai mong muốn đạt được của một hệ thống sau một kì chiến lược. 

3. Chiến lược là sự hình dung trạng thái tương lai mong muốn và con đường đi đến tương lai đó 

Để điều khiển một hệ thống đi từ hiện tại đến tương lai và đạt được trạng thái tương lai mong muốn cần phải thực hiện nhiều giải pháp. Chính các giải pháp với những sự kiện được thiết kế và diễn ra trong quá trình thực hiện giải pháp làm nên nội dung của thời gian. Trong một chiến lược phát triển giáo dục, thời gian được sử dụng hiệu quả hay không hiệu quả phần quan trọng nhất phụ thuộc vào việc thiết kế mục tiêu và các giải pháp chiến lược, bởi chiến lược chính là sự hình dung trạng thái tương lai mong muốn và con đường đi đến trạng thái đó.

Hướng tới một nền giáo dục hiện đại trong tương lai
Hướng tới một nền giáo dục hiện đại trong tương lai

Một chiến lược phát triển giáo dục bao giờ cũng phải bảo đảm được tính hệ thống và tính ưu tiên. Chiến lược phát triển giáo dục phải có cái nhìn toàn diện về tất cả các lĩnh vực giáo dục, về các vấn đề quan trọng của giáo dục để xem xét và xác định được các mục tiêu và giải pháp tác động điều khiển sự vận động phát triển của toàn hệ thống, nhưng rất cần phải có sự lựa chọn ưu tiên bởi nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính để thực hiện chiến lược bao giờ cũng rất hạn chế so với yêu cầu của thực tiễn và mong muốn của những người thiết kế chiến lược. Với nguồn lực có hạn, cần phải lựa chọn được những giải pháp ưu tiên, trọng điểm, có tính đột phá tại một thời điểm hay giai đoạn thích hợp để đầu tư. Cần phải dự báo nhu cầu giáo dục - đào tạo, xem xét mức độ chi phí thực hiện các giải pháp và khả năng tài chính cung cấp cho thực hiện chiến lược đến tận cuối kì chiến lược; điều đặc biệt là cần phải lượng định được đến mức tối đa những biến động về kinh tế – xã hội có thể tác động đến giáo dục, bởi càng xa thời điểm xuất phát của chiến lược, chúng ta càng khó nắm bắt được những sự kiện khách quan về sau có thể xảy ra tác động đến giáo dục như thiên tai, khủng hoảng tài chính vv…Trên cơ sở như vậy mà thiết kế các mục tiêu và giải pháp chiến lược một cách phù hợp và có tính khả thi cao. Khi thiết kế mục tiêu và giải pháp chiến lược, nên chú trọng thiết kế các mục tiêu và giải pháp sao cho tiết kiệm được chi phí mà có thể mang lại hiệu quả lớn trên cơ sở khai thác được nguồn lực tinh thầnnguồn lực trí tuệ. 

Một điều cần nhấn mạnh là khi thiết kế mục tiêu và giải pháp chiến lược, làm sao cho mục tiêu phải gắn với giải pháp; khi xác định một mục tiêu thì đồng thời cũng phải xác định để đạt được mục tiêu đó, cần phải thực hiện những giải pháp nào. Giáo dục là một hệ thống lớn, các lĩnh vực, các vấn đề trong đó có mối quan hệ tác động qua lại mật thiết với nhau, bởi vậy cũng có thể có những giải pháp vừa được dùng để thực hiện mục tiêu này, đồng thời cũng có phần được dùng để thực hiện một mục tiêu khác, nhưng điều quan trọng ở đây là cách thiết kế mục tiêu gắn liền với giải pháp nên được coi là một nguyên tắc trong xây dựng chiến lược – một nguyên tắc đảm bảo tính khả thi của chiến lược. Không nên đưa ra một hệ thống giải pháp chung cho tất cả các mục tiêu chiến lược, bởi chiến lược có tính khả thi cao là chiến lược trong đó cách thức và điều kiện thực hiện từng mục tiêu chiến lược đã được lượng định, con đường triển khai thực hiện từng mục tiêu chiến lược đã được hình dung trước một cách rõ ràng.

Mục tiêu là một khái niệm đa tầng, người ta thường gọi là cây mục tiêu, có khi giải pháp thực hiện mục tiêu này lại là mục tiêu xét trong một mối quan hệ khác, trong một trường hợp khác, tất nhiên ở tầng thấp hơn, cụ thể hơn. Một chiến lược phát triển giáo dục có thể có nhiều tầng mục tiêu, nhưng nên có một mục tiêu chung. Mục tiêu này phải có tầm khái quát cao nhất trong hệ thống các mục tiêu của chiến lược. 

Ngoài những điều đã trình bày ở trên, còn có thể xem xét mối quan hệ giữa yếu tố thời gian và chiến lược phát triển giáo dục ở một số mặt, một số khía cạnh khác. Nhưng tựu trung lại, quan trọng nhất  vẫn là vấn đề sử dụng hiệu quả thời gian và tốc độ phát triển giáo dục. Trong khoảng thời gian đã định của một kì chiến lược, nếu thiết kế và triển khai thực hiện được một hệ thống mục tiêu, giải pháp tối ưu và các hoạt động, các sự kiện  phù hợp, có thể tăng tốc phát triển giáo dục và phát triển giáo dục một cách bền vững. Đây là việc làm cần thiết để thực hiện việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, đáp ứng mong muốn của người học và toàn xã hội, góp phần hiệu quả vào công cuộc đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập của đất nước. 

TS. Nguyễn Danh Bình

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Khôi phục mộc bản triều Nguyễn bằng công nghệ 3D.

Khôi phục mô hình 3D mộc bản triều Nguyễn

GD&TĐ - Các mô hình học máy sau khi được huấn luyện sẽ học cách xây dựng các mô hình 3D mộc bản bị mất từ bản in 2D đang được lưu trữ, để phục dựng lại.