Hơn 1 triệu người thất nghiệp trong quý II

GD&TĐ - Theo Tổng cục Thống kê, số lao động thiếu việc làm trong quý II năm nay là 1,1 triệu người, tăng 173.500 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 2,6%.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II là 2,62%. Ảnh minh họa
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II là 2,62%. Ảnh minh họa

12,8 triệu người từ 15 tuổi bị ảnh hưởng

Ngày 6/7, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo công bố tình hình lao động, việc làm quý II và 6 tháng năm nay. Đồng thời, công bố kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến cho hay, tình hình lao động việc làm quý II/2021 cho thấy, thị trường lao động chưa có dấu hiệu khả quan với số người có việc làm giảm, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng so với quý trước.

Báo cáo cho thấy, dịch Covid-19 bùng phát vào cuối tháng 4 đã ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động trong quý II. Theo đó, trong quý II, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Trong đó, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

Ngoài ra, có khoảng 51,1 triệu người là lao động từ 15 tuổi trở lên. Con số này tăng 44,7 nghìn người so với quý trước. Đồng thời, tăng 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ là 62,3%, thấp hơn 12,9 điểm phần trăm so với nam (75,2%). Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khu vực thành thị là 66,6%, trong khi tỷ lệ này ở nông thôn là 69,7%.

Xem xét theo nhóm tuổi, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn ở hầu hết các nhóm tuổi, trong đó chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 15 - 24 tuổi (thành thị: 38,5%; nông thôn: 46,7%) và nhóm từ 55 tuổi trở lên (thành thị: 34,4%; nông thôn: 47,7%).

Ông Nguyễn Trung Tiến nhận định: “Điều này cho thấy, người dân tại khu vực nông thôn gia nhập thị trường lao động sớm hơn và rời bỏ thị trường muộn hơn khá nhiều so với khu vực thành thị. Đây là đặc điểm điển hình của thị trường lao động với cơ cấu lao động tham gia ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao”.

Bên cạnh đó, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong quý II là 49,9 triệu người, giảm 65 nghìn người so với quý trước. Song, con số này tăng gần 1,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc ở khu vực nông thôn là 31,8 triệu người. Lao động nữ có việc làm là gần 23,4 triệu người.

Thu nhập người lao động giảm

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý II là 57,4%. Tỷ lệ này là mức cao nhất trong 3 năm gần đây. Tỷ lệ lao động phi chính thức tại khu vực thành thị là 48,6%. Con số này ở khu vực nông thôn là 64,5%.

Số lao động thiếu việc làm được ghi nhận là 1,1 triệu người, tăng 173.500 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 2,6%.

Tỷ lệ này tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,38 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,62%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý trước, giảm 0,23 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 3,36%, tăng 0,17 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,95 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Do tác động của dịch bệnh, trong quý II năm nay, thu nhập của người lao động làm việc trong hầu hết các ngành kinh tế đều giảm so với quý trước. Thu nhập của lao động làm công ăn lương quý II đạt 6,8 triệu đồng, giảm 411 nghìn đồng so với quý trước và tăng 455 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của lao động nam làm công hưởng lương là 7,3 triệu đồng; lao động nữ là 6,2 triệu đồng.

Những con số thống kê về tình hình lao động việc làm quý II đã phản ánh khó khăn và biến động của nền kinh tế cũng như thị trường lao động. Trước tình hình đó, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động.

Theo đó, cần tiếp tục thực hiện kiên định mục tiêu kép. Vừa quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả, vừa tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động. Đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin để đạt miễn dịch cộng đồng.

Đồng thời, chủ động, tích cực triển khai hiệu quả 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19. Có các chương trình, chính sách khuyến khích thanh niên và lao động trẻ.

Ngoài ra, Tổng cục Thống kê khuyến khích nâng cao vai trò của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước. Qua đó, nhằm tăng cường kết nối cung - cầu lao động. Tập trung hỗ trợ nhiều hơn đến nhóm yếu thế trong xã hội như: Công nhân, buôn bán nhỏ, lao động phi chính thức…ok

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.