Tốc độ phát triển thần kỳ của Trung Quốc còn được minh chứng qua con số 557 triệu USD tiền vé thu được chỉ trong một tuần, xảy ra hồi tháng 2-2016 trong khi kỷ lục cũ là 534 triệu USD/tuần mà Mỹ xác lập vào cuối năm 2015, khi phim “Star Wars: The Force Awakens” ra rạp.
Những con số đáng nể trên cộng với việc tháng 11-2016 vừa qua, Trung Quốc vượt Mỹ trở thành quốc gia sở hữu nhiều phòng chiếu phim nhất thế giới (40.917 phòng so với 40.759 phòng) đã cho thấy cán cân quyền lực điện ảnh dự báo sẽ nghiêng về quốc gia đông dân nhất thế giới chứ không còn tập trung ở kinh đô Hollywood.
Hollywood sở hữu kinh nghiệm và công nghệ làm phim đỉnh cao - những thứ Trung Quốc còn yếu; còn Trung Quốc có lợi thế dân đông, chịu chi - niềm mơ ước của Hollywood khi mà chi phí làm phim ngày càng đắt đỏ. Sự kết hợp sẽ giúp mỗi bên bổ sung hạn chế của nhau và cùng thu lợi về mặt tài chính. Thực tế vài năm gần đây, Hollywood và Trung Quốc cũng đã xích lại gần nhau thông qua việc Hollywood mời nhiều mỹ nhân Hoa ngữ tham gia các phim “bom tấn” (Phạm Băng Băng, phim “Iron Man 3”, “X-Men: Days of the Future Past”; Lý Băng Băng, phim “Resident Evil: Retribution 5”, “Transformer 4”; Angelababy (Dương Dĩnh), phim “Independence Day: Resurgence”...); còn các đại gia Trung Quốc thì thâu tóm một số hãng phim lớn của Hollywood, như tỉ phú Vương Kiện Lâm có cổ phần trong Sony Pictures và mua hãng Legendary Entertainment - công ty đứng sau các phim bom tấn “Jurassic World”, “Batman Dark Knight”, “Godzilla”; tỉ phú Jack Ma hùn vốn làm phim với hãng Amblin Partners của Steven Spielberg; tập đoàn trò chơi và phim ảnh Perfect World hỗ trợ tiền làm phim trong 5 năm cho Universal Pictures.
Bước sang năm 2017, mối lương duyên này sẽ còn bền chặt hơn nữa bởi cả hai đều thấy rõ sự bất lợi nếu đứng riêng. Hollywood hiện đang bị các hãng cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến có bản quyền như Netflix, Amazon đe dọa lấn lướt hết thị phần khi gần đây hai đơn vị này không ngại chi bạo mời các sao hạng A Hollywood đóng phim truyền hình cũng như vung tiền đầu tư làm nhiều phim ăn khách. Vì vậy, kinh đô điện ảnh Mỹ cần mở đường tiến vào một thị trường tiềm năng hơn và Trung Quốc là lựa chọn tốt nhất, một khi năm qua phòng vé đại lục đã “cứu” hàng loạt phim Hollywood bị thất thu ở ngay tại Bắc Mỹ như “Kungfu Panda 3”, “Gods of Egypt”, “Warcraft”, “Now You See Me 2”, “Independence Day: Resurgence 2”.
“The Great Wall” mở màn cho xu hướng hợp tác làm phim “bom tấn” của Hollywood và Trung Quốc. Ảnh: HOLLYWOOD
Ở Trung Quốc, đa số phim chiếu rạp có doanh thu cao đều là của Mỹ. Chẳng hạn, trong số 5 phim ăn khách nhất năm 2016, chỉ có 2 phim Hoa ngữ là “Mỹ nhân ngư”, “Đại náo thiên cung”, còn lại của Hollywood gồm “Zootopia”, “Warcraft” và “Captain America: Civil War”.
Mở đầu cho việc xích lại gần nhau hơn nữa giữa Hollywood và Trung Quốc trong năm 2017 này là sự xuất hiện của phim “bom tấn” hành động cổ thi mang yếu tố giả tưởng “The Great Wall” với tổng đầu tư 150 triệu USD - sản phẩm hợp tác giữa Legendary East, Le Vision Pictures, China Film Group (Trung Quốc) và Atlas Entertainment (Mỹ). Khán giả Bắc Mỹ cũng như trên thế giới phải đến tháng 2-2017 tới mới được xem siêu phẩm hợp tác này nhưng phim đã ra mắt tại đại lục vào cuối tháng 12-2016 và tiền vé thu được tới 66 triệu USD chỉ trong tuần đầu mở màn.
Không chỉ vậy, có dự án hợp tác còn táo bạo hơn khi làm mới thương hiệu phim của Mỹ bằng phiên bản tiếng Hoa. Đó là phần 6 của thương hiệu phim “Step Up” do hãng phim Mỹ Lionsgate hợp tác với hãng Infinity Pictures/CMC và hãng Yue Hua Entertainment Culture Communication sản xuất. Bộ phim Mỹ về đề tài vũ đạo này sang đến phần 6 đã “hô biến” thành một sản phẩm “made in China” với dàn diễn viên toàn đại lục, sử dụng lời thoại Hoa ngữ và do đạo diễn người Mỹ gốc Hoa Ron Yuan (anh của ngôi sao hành động Roger Yuan) thực hiện. Lionsgate hứa hẹn “Step Up 6” sẽ hấp dẫn nhờ kết hợp những màn vũ đạo quen thuộc với các pha hành động võ thuật đậm chất Trung Hoa.