* Trả lời: Ngày 20/11/2015 liên bộ gồm: Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ LĐ, TB&XH ban hành Thông tư liên tịch số: 29/2015/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH “sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số: 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 30/12/2011 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số: 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo”.
Thông tư trên hướng dẫn: “Nhà giáo thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động bao gồm nguồn thu từ ngân sách Nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật”.
Nhà giáo thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang làm nhiệm vụ giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thí nghiệm tại các xưởng trường, trạm, trại, trung tâm thực hành, phòng thí nghiệm, phòng bộ môn, tàu huấn luyện của cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập.
Thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên, gồm: Thời gian làm việc được xếp lương theo một trong các ngạch hoặc chức danh của các chuyên ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, dự trữ quốc gia, kiểm tra Đảng; thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên trong quân đội, công an, cơ yếu và thời gian làm việc được tính hưởng thâm niên ở ngành, nghề khác (nếu có).
Căn cứ vào quy định nêu trên và theo thư bạn viết, trường hợp của bạn được xem xét tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo kể từ khi được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Để biết thêm chi tiết, bạn có thể hỏi Phòng GD&ĐT, cơ quan bảo hiểm xã hội để được giải đáp thỏa đáng.