Hội tụ để tỏa sáng

GD&TĐ - Trước khi SEA Games 31 khởi tranh, mục tiêu của Đoàn thể thao Việt Nam là giành 140 Huy chương Vàng.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

SEA Games 31 đã khép lại trong khúc hoan ca, không chỉ với chủ nhà Việt Nam mà cả 11 quốc gia Đông Nam Á, cùng nhau tỏa sáng, mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới sau giai đoạn chống chọi với đại dịch Covid-19.

1. Trước khi SEA Games 31 khởi tranh, mục tiêu của Đoàn thể thao Việt Nam là giành 140 Huy chương Vàng. Kết thúc đại hội, chúng ta giành tới 205 Huy chương Vàng, bỏ xa Thái Lan ở vị trí thứ 2 với khoảng cách 113 Huy chương Vàng.

Con số này cho thấy, thể thao Việt Nam vượt trội so với những đối thủ mạnh trong khu vực và đây là điều bất ngờ. Nhiều vận động viên ở những môn trước đây không được dự SEA Games đã thi đấu nỗ lực để có thành tích. Nhiều đội tuyển đã thi đấu xuất thần, vượt xa chỉ tiêu Huy chương Vàng đặt ra trước đại hội.

Mặc dù vậy, con số 205 Huy chương Vàng và vị trí số 1 toàn đoàn của thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 chỉ thỏa mãn cho cuộc chơi ở “ao làng” Đông Nam Á. Thành tích của thể thao Việt Nam tại ASIAD, Olympic đứng ở đâu so với chính các quốc gia Đông Nam Á mới là vấn đề đáng bàn, chứ chưa nói đến các quốc gia thuộc nhóm đầu châu lục.

Theo Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn, ở tiêu chí châu lục và thế giới, thể thao Việt Nam đứng hạng 5 - 6 Đông Nam Á. Cứ nhìn cảnh chúng ta trắng tay ở Olympic Tokyo 2020 hay vật lộn để mong chờ một tấm Huy chương Vàng ASIAD thì mới thấy thống kê nhiều khi vô nghĩa.

Cần phải có chiến lược bài bản để đầu tư cho các vận động viên, các nội dung ở một số môn thi có khả năng giành Huy chương Vàng ASIAD. Huy chương Olympic vẫn đang là bài toán khó cho thể thao Việt Nam, bất chấp chúng ta vừa giành tới hơn 200 Huy chương Vàng SEA Games 31!

2. Nhưng SEA Games vẫn có vai trò hết sức đặc biệt với bất cứ nước chủ nhà nào, và nhìn rộng ra là cả khu vực Đông Nam Á. Trong bối cảnh cả thế giới vẫn đang chao đảo bởi đại dịch Covid-19, những thay đổi về địa chính trị, vai trò và tầm ảnh hưởng có nhiều biến động, việc chủ nhà Việt Nam quyết tâm và tổ chức thành công SEA Games 31 là nỗ lực rất đáng khen.

Nên nhớ rằng, Trung Quốc chính thức tuyên bố không tổ chức ASIAD 2022 tại Hàng Châu vào tháng 9 tới và số phận của Đại hội Thể thao châu Á đi về đâu vẫn còn bỏ ngỏ.

SEA Games 31 diễn ra trong điều kiện rất khó, cả về kinh tế và giai đoạn mới của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, công tâm nói rằng, SEA Games 31 đã thành công rực rỡ.

Các đoàn quốc tế đánh giá cao Việt Nam từ giai đoạn xây dựng nội dung thi đấu, bảo đảm sự hài hòa giữa các môn Olympic và đặc thù, thể hiện được bản sắc chủ nhà nhưng vẫn mang đến cơ hội cho các quốc gia trong khu vực tỏa sáng. Công tác điều hành khách quan, không có những quyết định “ăn gian” trắng trợn như các kỳ đại hội trước.

Như phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, SEA Games 31 làm cho chúng ta tiến lại gần nhau hơn, đoàn kết hơn, nỗ lực hơn, quyết tâm hơn, hành động quyết liệt hơn, vượt lên tất cả khó khăn, thách thức vì tình yêu thể thao cao thượng.

Chúng ta hội tụ về đây để cùng góp phần khẳng định tầm nhìn và sứ mệnh của ASEAN, đó là đoàn kết - hòa bình - hữu nghị - hợp tác và phát triển. Tầm nhìn đó, sứ mệnh đó đã vượt qua cả giá trị của sự kiện ngày hội thể thao Đông Nam Á.

Và cũng cần phải nhắc đến, đó là các địa điểm thi đấu đều đầy ắp khán giả vì một nền thể thao lành mạnh. Rất nhiều hãng thông tấn nước ngoài tuy không phải lần đầu chứng kiến vẫn sửng sốt với biển người trong cờ đỏ sao vàng ăn mừng chiến thắng, kết thành một khối thống nhất.

Những hình ảnh ấn tượng đó chỉ một lần nữa khẳng định về một đất nước Việt Nam thân thiện, mến khách, về tình yêu nước nồng nàn, sự đoàn kết, nắm tay nhau vượt qua khó khăn của dân tộc Việt Nam.

Ý chí, tinh thần ấy đã được thử thách qua hàng nghìn năm lịch sử, nhiều biến cố và giờ nó vẫn đang chảy mạnh trong mỗi con người Việt Nam khi Tổ quốc cần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ