Sự kiện thu hút sự tham gia đông đảo của khách mời gồm đại diện lãnh đạo UBND TPHCM, Sở Du lịch, Xây dựng TP và các chuyên gia, nhà nghiên cứu, kiến trúc sư, doanh nghiệp… trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, đô thị, du lịch, bất động sản.
Tại hội thảo, bên cạnh các tham luận về đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ dọc sông TPHCM giai đoạn 2020-2045”, “Nghiên cứu phát triển hạ tầng dọc sông Sài Gòn”, tác giả Trần Quang Hiếu (Nhóm Librazzi) đến từ cuộc thi “Hiến kế phát triển sông Sài Gòn” đã trình bày ý tưởng hiến kế với nội dung: “Sông Sài Gòn: Cảng và đô thị”.
Trong phiên thảo luận mở, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, kiến trúc sư và các khách mời tham dự đã cùng thảo luận về các vấn đề xung quanh câu chuyện: Quy hoạch để phát triển tiềm năng và lợi thế sông Sài Gòn.
Cũng tại sự kiện, Ban tổ chức đã trao giải cho các tác giả đạt giải trong cuộc thi “Hiến kế phát triển sông Sài Gòn”, cũng là hoạt động của diễn đàn.
Diễn ra từ ngày 5/3 đến 20/4/2022 cuộc thi đã nhận về hàng trăm bài viết dự thi và ý tưởng, giải pháp, ý kiến đóng góp, hiến kế,… của bạn đọc gửi về, góp phần thay đổi hiện trạng đôi bờ sông Sài Gòn-dòng sông mang trong mình nhiều tiềm năng lớn về phát triển xã hội và kinh tế vùng Đông Nam Bộ.
Đặc biệt Ban tổ chức còn lựa chọn, tập hợp 50 hiến kế đặc sắc của cuộc thi “Hiến kế phát triển sông Sài Gòn” gửi đến lãnh đạo Sở Quy hoạch-Kiến trúc TPHCM, với mong muốn góp phần cung cấp cho các cơ quan quản lý thêm nguồn tư liệu, thông tin đa chiều để xây dựng đề án quy hoạch phát triển kinh tế dịch vụ dọc sông Sài Gòn trong thời gian tới hiệu quả và thực tiễn.
Được biết, Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện của chương trình diễn đàn “Hiến kế phát triển sông Sài Gòn” của Báo Tuổi trẻ.
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc TPHCM cho biết, hiện nay, TP đang quan tâm nhiều hơn, sâu sắc hơn đến cảnh quan sông Sài Gòn như một trục mới trong sự phát triển TP. Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM đã được giao chuẩn bị đề án. Đến nay, các bước đi rất bài bản từ ý tưởng, đề án đến quy hoạch.
“Sở sẽ tiếp nhận những ý tưởng, chia sẻ, băn khoăn, tâm tư về dòng sông Sài Gòn và đưa vào đề án. Đó là công việc không hề dễ dàng nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức”, ông Nhã cho hay.