Tham dự hội thảo có ông Trần Tuấn Anh- ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Xuân Thắng- Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Nên- Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Vũ Hải Quân- Giám đốc ĐHQG TP.HCM. Về phía Bộ GD&ĐT có sự tham dự của Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn.
Hội thảo nhằm cung cấp thêm các luận cứ khoa học, cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế và một số đề xuất về chủ trương, mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH,HĐH) của Việt Nam, góp phần phục vụ xây dựng đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Hội nghị Trung ương 6 và định hình mô hình CNH, HĐH của Việt Nam trong bối cảnh và điều kiện mới.
Hội thảo đã tập hợp, tuyển chọn được hơn 70 báo cáo tham luận, ý kiến có chất lượng, được chuẩn bị công phu, nghiêm túc của hơn 200 đại biểu đến từ các ban, bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, từ các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia… Hội thảo cũng nhận được các tham luận từ các chuyên gia quốc tế đến từ Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Vũ Hải Quân- Giám đốc ĐHQG TP.HCM cho biết: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định mục tiêu tổng quát: “Từ nay đến giữa thế kỷ 21, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường” là phương hướng đầu tiên trong 8 phương hướng của Cương lĩnh.
Việc bổ sung “CHN,HĐH” vào mục tiêu tổng quát trong Văn kiện Đại hội 13 lần này cho thấy bối cảnh toàn cầu hóa, các vấn đề địa chính trị, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, cạnh tranh quốc tế gay gắt, yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh được đặt ra cấp thiết, có ý nghĩa sống còn đối với đất nước ta. Từ đó đặt ra vị trí vai trò quan trọng, cần thiết để nhiệm vụ CNH-HĐH được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, được thực hiện mạnh mẽ, có hiệu quả cao hơn trong những năm tới.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là mục tiêu lớn của Đảng, Chính phủ để phát triển đất nước |
"Hội thảo khoa học quốc gia hôm nay sẽ cung cấp bức tranh tổng quan về định hình mô hình CNH,HĐH của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Những vấn đề lý luận và thực tiễn mới đặt ra từ quá trình CNH, HĐH của TPHCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế và một số đề xuất về chủ trương, mô hình, chính sách CNH, HĐH của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;…
"Tài nguyên rồi sẽ cạn. Nhân công rồi sẽ già. Chỉ có nguồn lực trí tuệ là bền vững. Vận mệnh của quốc gia, của dân tộc nằm ở giáo dục, khoa học công nghệ (KHCN). Bản lề tương lai lâu dài của một đất nước là giáo dục và KHCN. Giáo dục, KHCN là nền tảng của quá trình trẻ hóa, thúc đẩy tiến bộ xã hội; là giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện con người; mang lại hy vọng cho hàng triệu gia đình về một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Giáo dục, KHCN phải được đặt ở vị trí ưu tiên cao nhất nếu một quốc gia muốn thịnh vượng. Ưu tiên phát triển giáo dục, coi việc “trồng người” là nhiệm vụ cơ bản; nâng cao trình độ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa để đạt được mục tiêu xây dựng quốc gia sáng tạo, dân chủ, giàu có và bản sắc"- PGS.TS Vũ Hải Quân nhấn mạnh.