Hội thảo ASEAN +: Hội nhập và phát triển

GD&TĐ - Ngày 24/11, tại Khu du lịch Sao Việt (Phú Yên) đã diễn ra Hội thảo quốc tế: “ASEAN +: Hội nhập và phát triển”.

Toàn cảnh Hội thảo khai mạc sáng 24/11
Toàn cảnh Hội thảo khai mạc sáng 24/11

Với mong muốn xây dựng ASEAN thành một khu vực hòa bình, ổn định để hợp tác cùng phát triển; góp phần xây dựng cơ sở vững vàng để cộng đồng vượt qua các trở ngại và thách thức, tiếp tục thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra, nhân kỷ niệm 50 năm ASEAN, UBND tỉnh Phú Yên phối hợp cùng Viện nghiên cứu Phát triển Phương Đông, Hội hữu nghị Việt Nam-Đông Nam Á, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM) tổ chức sự kiện giao lưu hữu nghị ASEAN mở rộng (từ 23 - 25/11).

Nằm trong số các hoạt động của sự kiện, hội thảo “ASEAN: Hội nhập và phát triển” đã thu hút được nhiều sự quan tâm của các học giả trong nước và quốc tế. Tham dự hội thảo có các vị Tổng lãnh sự các nước ASEAN+, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên, TPHCM; các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các HS, SV ASEAN…

Hội thảo nhận được 35 đăng ký tóm tắt, 29 tham luận toàn văn, với các nội dung chính: Sự hội nhập của Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế, du lịch; giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, an ninh quốc phòng trong tiến trình phát triển của ASEAN; Các đặc trưng văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của các nước ASEAN quá trình hội nhập quốc tế; vị thế và triển vọng của ASEAN.

Trong đó, ở nội dung thứ nhất, các tham luận phân tích tình hình hội nhập của Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế, du lịch, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực trong tiến trình phát triển của ASEAN.

Trong bức tranh phát triển chung của ASEAN 50 năm qua, hợp tác kinh tế ASEAN là mảng màu rực rỡ và sống động với những kết quả cụ thể và thiết thực. Đến nay, ASEAN đã trở thành một liên kết kinh tế mạnh mẽ các lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư.

Năm 2016, báo cáo Cập nhật triển vọng kinh tế khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ 2016 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế(OECD) được công bố ngày 14-6 cho hay, trong số 5 nền kinh tế hàng đầu ASEAN (ASEAN 5: bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) thì Việt Nam dẫn đầu về tăng trưởng GDP trong năm 2016, với mức 6,3%.

Bên cạnh đó, ASEAN cũng mang lại tác động tích cục tới sự phát triển của du lịch Việt Nam - ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai. Quá trình hợp tác đã góp phần nâng cao uy tín của du lịch Việt Nam trong khu vực; tiếp cận nhiều thông tin và bài học kinh nghiệm về phát triển du lịch, hỗ trợ tích cực của các nước có ngành du lịch phát triển hơn như Thái Lan, Malaysia, Singapore...

Cộng đồng ASEAN cũng là cơ hội giúp Việt Nam tăng cường hợp tác phát triển nguồn nhân lực, hướng tới nâng cao chất lượng GD-ĐT theo đúng yêu cầu của thị trường lao động khu vực; thúc đẩy hợp tác du học, trao đổi SV giữa các trường ĐH trong khu vực; hướng đến các tiêu chuẩn về công nhận bằng cấp trong GD cũng như kỹ năng nghề giữa các nước ASEAN, tạo điều kiện cho lao động có tay nghề được tự do di chuyển, tìm cơ hội việc làm thuận lợi hơn trong khu vực.

Tuy nhiên, sự năng động đi kèm với thách thức lớn về an ninh. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình trong khu vực, chính sách an ninh đối ngoại của Việt Nam cũng đã có những điều chỉnh nhằm đảm bảo vị thế quốc gia, tận dụng được sức mạnh của nhân loại tiến bộ và bạn bè trên thế giới ủng hộ lập trường của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế.

Hội thảo ASEAN +: Hội nhập và phát triển ảnh 1

Ở nội dung thứ hai, các tham luận nhận diện các đặc trưng văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của các nước ASEAN, từ đó đánh giá những cơ hội và thách thức mà các đặc trưng này mang lại trong bối cảnh hội nhập quốc tế của các nước ASEAN. Đông Nam Á là vùng đất có nhiều điểm đặc biệt trong đó bức tranh tôn giáo, tín ngưỡng đa dạng tại đây đã trở thành một giá trị đặc trưng của khu vực này.

Dù chính phủ các nước vẫn cam kết bảo tồn sự đa dạng về di sản văn hóa và phát huy bản sắc khu vực, nhưng họ sẽ luôn gặp thách thức khi hạn chế những khác biệt và khiến chúng trở nên hài hoà.

Hiểu rõ những nét chung và riêng của từng thành viên trong cộng đồng ASEAN là yếu tố quan trọng trong việc hòa hợp văn hóa, tiến tới xây dựng khối đoàn kết vững chắc trong khu vực.

Đặc trưng văn hóa độc đáo còn là cơ hội tạo ra “sức mạnh mềm” cũng như gia tăng quảng bá hình ảnh cho ASEAN.

Ở nội dung thứ ba, các tham luận đánh giá vị thế và triển vọng của ASEAN tầm nhìn đến năm 2025. Qua nửa thế kỷ hình thành và phát triển, ASEAN được dư luận quốc tế đánh giá là tổ chức liên kết có hiệu quả, đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Sự ra đời của Cộng đồng ASEAN đã nâng cao vị thế và giá trị chiến lược của ASEAN, ngày càng thu hút sự quan tâm, tham gia của các đối tác bên ngoài vì mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và phát triển. Tiếp đà thành công đã đạt được, ASEAN đang tiếp tục quyết tâm thúc đẩy liên kết Cộng đồng toàn diện và thực chất, nâng cao giá trị và sức sống của ASEAN.

Năm 2017, ASEAN đã xác định 6 định hướng ưu tiên, gồm: Xây dựng ASEAN hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm; thúc đẩy hòa bình, ổn định ở khu vực; tăng cường an ninh và hợp tác hàng hải; thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và dựa trên sáng tạo; nâng cao năng lực tự cường của ASEAN; đưa ASEAN trở thành hình mẫu hợp tác khu vực và thúc đẩy vai trò toàn cầu của ASEAN.

Sau gần 50 năm hình thành và phát triển của ASEAN, với cột mốc quan trọng là sự hình thành của Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015, ASEAN đã và đang tiếp tục phải vượt qua quãng đường rất dài để xây dựng một Cộng đồng Kinh tế ASEAN phát triển toàn diện và vững mạnh.

Quãng đường phát triển đó đã được thử thách bởi những khó khăn trong quá khứ như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, và hiện tại là trào lưu chống toàn cầu hóa, đa phương hóa hợp tác kinh tế hay xu hướng bảo hộ hiện nay.

Hơn lúc nào hết, khu vực châu Á mà cụ thể là ASEAN cần phát huy vị trí đầu tàu trong việc thúc đẩy tự do hóa thương mại, liên kết kinh tế khu vực; là hình mẫu cho các khuôn khổ hợp tác kinh tế khu vực và toàn cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.