Kết thúc tốt đẹp Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 31

GD&TĐ - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Thủ đô Manila (Philippines) về nước, kết thúc thành công tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 31 và các hội nghị cấp cao liên quan theo lời mời của Tổng thống Philippines - Rodrigo Roa Duterte.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28-29. Nguồn: chinhphu.vn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28-29. Nguồn: chinhphu.vn

Nhiều tuyên bố, văn kiện được thông qua

Lãnh đạo ASEAN đã cùng lãnh đạo các đối tác điểm lại việc triển khai các Kế hoạch Hành động, cam kết thời gian qua và thông qua các định hướng lớn làm sâu sắc thêm quan hệ nhiều mặt trong giai đoạn tới.

Diễn ra từ ngày 12 – 14/11, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 31 và các hội nghị cấp cao liên quan là sự kiện quan trọng nhất trong năm của ASEAN với sự tham gia của lãnh đạo 10 nước ASEAN và các đối tác, là các nước lớn, tổ chức khu vực và quốc tế quan trọng, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và Chủ tịch Hội đồng châu Âu. Đây cũng là dịp duy nhất có sự tham dự đầy đủ các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN và các đối tác nhân kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN.

Thủ tướng đã cùng các nhà lãnh đạo ASEAN tập trung đánh giá công tác triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, bàn thảo các biện pháp tăng cường hiệu quả hoạt động ASEAN và trao đổi ý kiến về các vấn đề khu vực và quốc tế.

Cùng với Gala đặc biệt kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN, Lễ khai mạc và bế mạc, chuyển giao vị trí Chủ tịch ASEAN cho Singapore, Hội nghị lần này có 10 Phiên họp chính thức gồm các Hội nghị Cấp cao: ASEAN 31, ASEAN+3, ASEAN+1 với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; Cấp cao Đông Á (EAS), ASEAN-Hoa Kỳ; ASEAN-Ấn Độ ASEAN-Liên hợp quốc, ASEAN-Canada và ASEAN-EU; Mê Công-Nhật Bản; Hội nghị các nhà lãnh đạo Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP); Phiên ăn trưa làm việc với Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN và Phiên đối thoại giữa Lãnh đạo ASEAN+3 với Hội đồng Kinh doanh Đông Á. Chiều 14/11/2017, Thủ tướng đã cùng các nhà lãnh đạo ASEAN tham gia lễ ký Đồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thảo luận, đưa ra nhiều đề xuất, biện pháp, đóng góp vào nhiều văn kiện quan trọng được thông qua tại Hội nghị, phản ánh nội dung hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là liên quan trực tiếp đến lợi ích người dân các quốc gia ASEAN.

Các tuyên bố, văn kiện được thông qua lần này đều mang tính thực tiễn cao và là những chủ đề nhận được sự quan tâm lớn của người dân trong thời gian gần đây từ các vấn đề giữ gìn hòa bình, chống khủng bố, bảo đảm môi trường an ninh an toàn cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, đến các vấn đề xã hội, về quyền của người lao động và cơ hội việc làm, bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ, thanh niên, các vấn đề về sức khỏe như chống kháng thuốc, chấm dứt suy dinh dưỡng và quản lý y tế trong thảm họa ứng phó với biến đổi khí hậu, đến thuận lợi hóa doanh nghiệp như khuôn khổ kinh doanh toàn diện ASEAN.

ASEAN cần ưu tiên thực hiện ba trọng tâm

Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với các đối tác, đánh giá cao cam kết tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng và phát huy vai trò trung tâm trong các cấu trúc khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Phát biểu tại các Hội nghị, khẳng định ý nghĩa của năm kỷ niệm 50 năm ASEAN thành lập, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong giai đoạn hiện nay, ASEAN cần ưu tiên thực hiện ba trọng tâm.

Thứ nhất, ASEAN cần tập trung vào lợi ích của người dân, nỗ lực làm mới bản sắc của mình thông qua thúc đẩy những vấn đề chung, đặc biệt là quyết tâm chung xây dựng một ASEAN tự cường, đề cao lợi ích chung cho người dân Cộng đồng và đóng góp nỗ lực để tạo dựng thành quả mang tên chung ASEAN.

Thứ hai, ASEAN chú trọng hơn nữa xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và sự phát triển của doanh nghiệp thông qua thúc đẩy liên kết kinh tế và thương mại nội khối, tăng cường bổ trợ lẫn nhau giữa các nên kinh tế trong Cộng đồng.

Thứ ba, Thủ tướng đề nghị ASEAN cần phát huy hơn nữa vai trò trung tâm và vị thế của mình trên trường quốc tế, phấn đấu vì mục tiêu duy trì hoà bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực. Trên tinh thần đó, trong không khí kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội, Thủ tướng Chính phủ khẳng định quyết tâm và cam kết của Việt Nam sẽ chung tay góp sức cùng các nước thành viên khác xây dựng Cộng đồng vững mạnh, tự cường, hướng đến người dân.

Trong thảo luận, Thủ tướng đã chia sẻ quan điểm, lập trường của Việt Nam về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Về vấn đề Biển Đông, với những diễn biến gần đây tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia, đối tác trong các phiên họp, Thủ tướng đề nghị các văn kiện của Hội nghị cấp cao lần này phản ánh đầy đủ các nguyên tắc, lập trường như thể hiện tại Thông cáo chung Hội nghị AMM 50, bao gồm bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố DOC. Thủ tướng Chính phủ cùng các nhà lãnh đạo hoan nghênh ASEAN và Trung Quốc đã thông qua khung COC và đề nghị sớm đàm phán thực chất COC có tính khả thi và ràng buộc pháp lý.

Đề nghị các đối tác tiếp tục tăng cường hợp tác với ASEAN, nền kinh tế lớn thứ 6 và đang hướng đến vị trí thứ 4 thế giới vào năm 2025. Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam mong các đối tác tiếp tục đóng góp xây dựng cho việc duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông trên tinh thần thượng tôn pháp luật, UNCLOS 1982.

Nhân dịp Hội nghị, Thủ tướng đã tham dự cuộc gặp Thủ tướng 3 nước Campuchia, Lào, Việt Nam; hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nga Mét-vê-đép, Thủ tướng Ấn Độ Mô-đi; tiếp Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu. Tại các cuộc gặp, hội đàm, tiếp xúc, hai bên đã trao đổi nhiều biện pháp, định hướng thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương, cũng như giải quyết các vấn đề hợp tác cụ thể.

Trong thời gian tham dự Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thăm Đại sứ quán, gặp gỡ và nói chuyện với đại diện cộng đồng người Việt Nam đang công tác, học tập và sinh sống tại đây. Trong chuyến tham dự Hội nghị lần này, nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã tham gia các hoạt động của Diễn đàn kết nối doanh nghiệp, tìm các cơ hội mở rộng hợp tác để phát triển thương mại và liên kết trong và ngoài khu vực.

Có thể nói, với gần 30 hoạt động song phương và đa phương tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 31 và các hội nghị cấp cao liên quan đã thành công tốt đẹp, tiếp tục truyền đi thông điệp về một ASEAN “hòa bình, ổn định và tự cường”, “một khu vực rộng mở với bên ngoài trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu”.

Đóng góp vào thành công này, các cuộc gặp gỡ song phương trong 3 ngày qua đã tiếp tục thúc đẩy hợp tác toàn diện, thực chất, hiệu quả với các đối tác quan trọng và góp phần làm nổi bật hình ảnh Việt Nam đổi mới, tham gia chủ động, tích cực, là thành viên có trách nhiệm trong khu vực và trên thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.