Thế giới xung quanh chúng ta không ngừng phát triển, thay đổi cách con người học tập và làm việc. Vì vậy, nền giáo dục cũng đang thay đổi. Cùng với vai trò của giáo viên, cha mẹ là những nhân tố quan trọng hỗ trợ trẻ học tập.
Củng cố kiến thức, thúc đẩy tư duy
Giáo viên Priyanka Raha - Học viện PopSmartKids (Mỹ) chia sẻ, thông qua những cuộc trò chuyện với phụ huynh, bà đã xác định được những thắc mắc phổ biến của cha mẹ. Câu hỏi mà nhiều cha mẹ đặt ra là: “Làm thế nào tôi có thể giúp con mình làm bài tập về nhà?”. Theo bà Raha, bài tập về nhà đôi khi có thể là “chiến trường” giữa cha mẹ và con.
Vậy nên, để hỗ trợ mà không chiếm hết thời gian, theo chuyên gia cha mẹ hãy thiết lập một thói quen và môi trường nhất quán để trẻ làm bài tập về nhà.
Trước tiên, cha mẹ hãy khuyến khích con tự giải quyết các bài tập, và sau đó, cùng trẻ xem lại bài tập, thảo luận về các lỗi nếu có để củng cố kiến thức. Phụ huynh cũng nên sử dụng các câu hỏi thúc đẩy tư duy, như: “Con nghĩ câu hỏi này muốn con làm gì?”. Điều này giúp phát triển các kỹ năng giải quyết vấn đề của trẻ.
Trẻ em thường gặp khó khăn hoặc tỏ ra không hứng thú với một số môn học nhất định. Cha mẹ có thể giúp con bằng cách kết nối môn học với sở thích của trẻ. Ví dụ, nếu trẻ thích trò chơi điện tử nhưng không thích toán, hãy cho con thấy cách các nhà phát triển trò chơi sử dụng toán học để tạo ra trò chơi. Ngoài ra, hãy cân nhắc sử dụng các phương tiện truyền thông khác nhau như video, ứng dụng và trang web tương tác giúp việc học trở nên hấp dẫn hơn.
“Đọc sách là nền tảng để phát triển không chỉ các kỹ năng học thuật, mà còn cả khả năng cảm xúc và xã hội. Cha mẹ hãy khuyến khích con đọc sách ở nhà bằng cách lồng ghép vào thói quen hằng ngày.
Phụ huynh có thể thảo luận về những cuốn sách con mình đọc, đặt câu hỏi về câu chuyện, nhân vật và suy nghĩ của trẻ”, bà Raha gợi ý. Phương pháp này không chỉ cải thiện kỹ năng hiểu mà còn giúp cha mẹ kết nối với con ở những cấp độ mới. Hơn nữa, phụ huynh hãy để con thấy cha mẹ đọc sách. Hành vi này cũng là một công cụ giảng dạy hiệu quả.
Khiến việc học trở nên thú vị
Với một số phụ huynh gặp khó khăn với việc khuyến khích con tập viết, giáo viên Raha chia sẻ, quá trình khuyến khích trẻ viết có thể được thực hiện bằng sự sáng tạo và nhiệt tình để giúp việc học trở nên hấp dẫn và thú vị.
Bắt đầu bằng cách tạo ra một “không gian viết” trong nhà, có thể là một chiếc bàn nhỏ hoặc góc dành riêng cho các hoạt động viết. Trang bị cho không gian đó những đồ dùng văn phòng phẩm nhiều màu sắc, nhãn dán và các loại giấy khác nhau để khơi dậy sự hứng thú. Ngoài ra, hãy giới thiệu cho trẻ những gợi ý viết phù hợp với sở thích, như sáng tác một truyện ngắn về siêu anh hùng hoặc viết thư cho nhân vật trong một cuốn sách mà trẻ yêu thích.
Một chiến lược hiệu quả khác là cho trẻ tham gia vào các nhiệm vụ viết hằng ngày. Cha mẹ có thể yêu cầu trẻ giúp mình viết danh sách đồ cần mua hoặc khuyến khích con viết nhật ký để ghi lại suy nghĩ. Đối với trẻ nhỏ hơn, có thể là vẽ một bức tranh và viết vài dòng về bức tranh đó.
Đối với trẻ lớn hơn, hãy cân nhắc giới thiệu cho con viết blog hoặc bài đánh giá sách. Trẻ có thể chia sẻ với gia đình hoặc trên các nền tảng trực tuyến an toàn. Bằng cách lồng ghép viết vào các hoạt động hằng ngày, trẻ sẽ coi viết không chỉ là một bài tập ở trường mà còn là một công cụ hữu ích để giao tiếp và thể hiện trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Bà Raha gợi ý, nếu muốn con mình lên tiếng hoặc thể hiện bản thân, phụ huynh có thể hỗ trợ trẻ bằng cách tạo ra một môi trường giao tiếp cởi mở. Cha mẹ hãy bắt đầu bằng cách thường xuyên tham gia thảo luận về nhiều chủ đề khác nhau, thể hiện sự quan tâm thực sự đến những gì trẻ nói. Có thể là trong giờ ăn tối hoặc khi đưa trẻ đến trường.
Đặt những câu hỏi mở, đòi hỏi câu trả lời nhiều hơn là “có” hoặc “không”, như: “Điều thú vị nhất mà con học được hôm nay là gì?” hoặc “Con sẽ xử lý tình huống đó như thế nào?”. Thực hành này giúp trẻ hình thành suy nghĩ và ý kiến của mình, giúp bé tự tin chia sẻ.
Ngoài ra, cha mẹ hãy cân nhắc các trò chơi nhập vai. Trong đó, để con luyện nói với các tình huống khác nhau, như gọi món tại nhà hàng, nhờ giáo viên giúp đỡ hoặc bày tỏ ý kiến. Điều này không chỉ chuẩn bị cho trẻ những tương tác trong cuộc sống thực, mà còn giúp bé thoải mái diễn đạt suy nghĩ và nhu cầu.
Phụ huynh nên khen ngợi trẻ vì nỗ lực giao tiếp. Đồng thời, nhẹ nhàng hướng dẫn trẻ cải thiện sự rõ ràng và cách diễn đạt để củng cố thêm sự tự tin. Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động như câu lạc bộ tranh luận hoặc lớp học kịch. Đây là những nơi trẻ có thể rèn luyện kỹ năng nói trước công chúng và trở nên quyết đoán hơn khi thể hiện bản thân.
Giáo viên Raha nhấn mạnh về giá trị của việc khuyến khích sự tò mò và đặt câu hỏi ở trẻ. Điều đó sẽ thúc đẩy việc học, đặc biệt là trong các môn học như khoa học và tiếng Anh - nơi sự hiểu biết phát triển thông qua việc tìm tòi. Bên cạnh đặt câu hỏi, quan trọng hơn cha mẹ hãy hướng dẫn con cách tìm câu trả lời thông qua nghiên cứu cũng như khám phá. Thói quen này giúp trẻ trở thành người học độc lập và tư duy phản biện - những kỹ năng quan trọng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Bà Raha cũng cho rằng, một lịch trình học tập nhất quán đóng vai trò quan trọng. “Sự nhất quán là 'chìa khóa' trong giáo dục. Thiết lập một thời gian biểu học tập có thể dự đoán được phù hợp với nhịp điệu tự nhiên của con. Đối với một số trẻ, thời gian này có thể là một giờ sau giờ học. Đối với những trẻ khác, học vào buổi tối có thể hiệu quả hơn. Hãy đảm bảo thời gian này không bị phân tâm bởi các yếu tố như tivi và mạng xã hội. Đây là thói quen giúp não bộ chuyển sang ‘chế độ học tập’, cải thiện khả năng tập trung và ghi nhớ”, nữ giáo viên khuyến nghị.
Mặc dù điểm số thường được coi là thước đo khả năng học tập của học sinh, nhưng theo bà Raha, chúng không phải lúc nào cũng phản ánh sự hiểu biết thực sự hoặc nỗ lực trẻ bỏ ra. Thay vào đó, cần tập trung vào phản hồi do giáo viên cung cấp. Cha mẹ hãy thảo luận về phản hồi đó với con, hiểu thách thức và khen ngợi những nỗ lực của trẻ. Cách tiếp cận này không chỉ thúc đẩy mà còn giúp trẻ phấn đấu cải thiện mà không sợ thất bại.
Cha mẹ hãy sử dụng các ví dụ thực tế để giải thích cho con về những ý tưởng phức tạp. Để giúp trẻ nắm bắt các khái niệm phức tạp, cha mẹ hãy thử đưa những ví dụ thực tế vào phần giải thích. Chẳng hạn, nếu trẻ đang học về phần trăm, hãy thảo luận về các khoản giảm giá khi mua sắm. Điều đó có thể giúp chủ đề trở nên dễ hiểu và dễ liên hệ hơn. Phương pháp này giúp làm sáng tỏ các chủ đề khó và có thể khơi dậy sự quan tâm đến các chủ đề mà trước đây trẻ gặp khó khăn.
Bằng cách kết nối các bài học ở trường với cuộc sống hằng ngày, cha mẹ sẽ nâng cao khả năng áp dụng kiến thức đã học của con mình vào nhiều bối cảnh khác nhau, giúp tăng cường sự tự tin và khả năng hiểu của trẻ.
Một yếu tố quan trọng khác là khuyến khích trẻ khám phá các nguồn tài nguyên giáo dục.
“Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận vô số nguồn tài nguyên giáo dục. Các nền tảng cung cấp trải nghiệm học tập tương tác và được cá nhân hóa có thể cải thiện đáng kể chương trình giáo dục truyền thống trong lớp học. Phụ huynh có thể khuyến khích con khám phá các nguồn tài nguyên này, giúp đáp ứng tốc độ và phong cách học tập của từng cá nhân. Những công cụ này không chỉ bổ sung cho những gì trẻ học ở trường mà còn khuyến khích trẻ tự học, giúp phát triển thói quen học tập suốt đời”, bà Raha chia sẻ.
Theo bà Raha, mối quan hệ đối tác giữa giáo viên và phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong việc định hình trải nghiệm giáo dục của trẻ. Bằng cách luôn cập nhật thông tin, chủ động và tham gia, phụ huynh có thể ảnh hưởng đáng kể đến thái độ học tập và thành tích học tập chung của trẻ. Mỗi trẻ là một cá nhân khác nhau. Do đó, việc điều chỉnh các chiến lược phù hợp với nhu cầu riêng sẽ giúp nỗ lực của cha mẹ hiệu quả hơn.