Hồi sinh từ vực thẳm

GD&TĐ - Hiện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã có hướng dẫn đánh giá tình hình Covid-19 để các nước xây dựng tiêu chí tái mở cửa.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Các quốc gia Đông Nam Á đang đồng loạt công bố lộ trình mở cửa đón du khách quốc tế đã tiêm đầy đủ vắc-xin từ nay tới cuối năm, chính thức nối lại hoạt động kinh tế du lịch vốn đã lâm vào cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử do Covid-19.

Các biện pháp nới lỏng phòng dịch trước đó đã được các nước trong khu vực áp dụng từng bước để chuyển sang giai đoạn sống chung với dịch, trong đó đi đầu là Singapore. Tuy nhiên, tín hiệu mở cửa cho du khách quốc tế được đi lại tự do nói trên mới được đánh giá là động thái mang tính quyết định xác lập giai đoạn bình thường mới.

Việc các nước đưa ra lộ trình đón du khách quốc tế đang đưa Đông Nam Á bước vào giai đoạn hậu đại dịch. Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, Thái Lan… đều có điểm chung là ngành du lịch đóng vai trò đặc biệt trong nền kinh tế. Nhưng đây cũng là những nơi bị đại dịch hoành hành nặng nề nhất, nhấn chìm ngành công nghiệp xanh này xuống vực thẳm suốt hơn một năm qua.

Nhờ độ phủ vắc-xin trong cộng đồng đang tăng cao, ngành du lịch tại Đông Nam Á đã bắt đầu có dấu hiệu hồi sinh qua các chương trình thí điểm đón du khách nước ngoài. Kể từ ngày 14/10, trung tâm du lịch quan trọng nhất Indonesia là đảo Bali cùng quần đảo Riau sẽ mở cửa đón khách quốc tế đến từ 18 nước như Nhật Bản, New Zealand, Trung Quốc, Australia…

Đây là thời điểm được mong chờ từ lâu tại thiên đường du lịch Bali bởi nền kinh tế hòn đảo này phụ thuộc tới 80% vào du lịch. Đại dịch Covid-19 đã khiến Bali tăng trưởng âm tới 12% trong năm 2020 và âm 9,85% kể từ đầu năm nay. Việc tái khởi động đón du khách nước ngoài là động lực duy nhất có thể giúp hòn đảo phục hồi nên kinh tế của mình.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto, việc mở cửa Bali sẽ là mô hình thí điểm để nước này tiến tới mở cửa toàn bộ các điểm du lịch vào thời điểm thích hợp. Trước đó, đảo Phuket của Thái Lan cũng áp dụng mô hình tương tự từ tháng 7 và sau 3 tháng đã đón hơn 43.000 du khách quốc tế, đạt doanh thu 63 triệu USD.

Tiếp theo Phuket, hiện Thái Lan đã mở cửa đón du khách quốc tế tiêm đủ vắc-xin tại 5 điểm du lịch khác bao gồm thủ đô Bangkok. Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha cho biết, du khách đến từ 10 quốc gia có nguy cơ thấp cũng sẽ được nhập cảnh Thái Lan từ ngày 1/11 tới mà không cần cách ly y tế.

Việc hai trung tâm du lịch hàng đầu Đông Nam Á là Phuket và Bali đều mở cửa sẽ trở thành hình mẫu để khu vực rút kinh nghiệm trong việc hồi sinh ngành kinh tế nghỉ dưỡng của mình.

Trước đó, Singapore vốn đi đầu khu vực về sống chung với Covid-19 cũng đã thí điểm đón du khách từ Đức, Brunei từ tháng 9 vừa qua.

Từ ngày 19/10 tới, danh sách du khách quốc tế được chào đón tới Đảo quốc Sư tử sẽ mở rộng thêm các nước Mỹ, Anh, Canada, Đan Mạch, Pháp, Italy, Hà Lan và Tây Ban Nha. Du khách các nước này được đưa vào Hành lang Du lịch Tiêm chủng (VTL), cho phép nhập cảnh mà không cần cách ly y tế.

Hiện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã có hướng dẫn đánh giá tình hình Covid-19 để các nước xây dựng tiêu chí tái mở cửa. Các nước Đông Nam Á dù có các lộ trình nhập cảnh khác nhau nhưng nhìn chung đều tham khảo hướng dẫn của WHO và có chung tiêu chí mở cửa với các nước có tỷ lệ dương tính thấp.

Nhưng cơ bản nhất là nhờ chiến dịch tiêm chủng hiệu quả là tiền đề cho các nước có thể nới lỏng đi lại quốc tế, bước đầu hồi sinh ngành du lịch đang dưới vực thẳm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.