Hồi sinh hy vọng hòa bình cho bán đảo Triều Tiên

GD&TĐ - Trong thông tin phát đi vào rạng sáng 11/9 theo giờ Việt Nam, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa nhận được một lá thư “rất ấm áp, rất tích cực” từ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, đề xuất một cuộc hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai, giữa bối cảnh có nhiều dấu hiệu về sự đổ bể trong thỏa thuận giải trừ năng lực hạt nhân của Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong cuộc gặp tại Singapore ngày 12/6/2018
Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong cuộc gặp tại Singapore ngày 12/6/2018

Tháo gỡ những vướng mắc?

Theo người phát ngôn của Nhà Trắng, bà Sarah Sanders, dù đề xuất cuộc gặp lần hai, nhưng lá thư của ông Kim Jong Un không nêu ra thời gian cũng như địa điểm cụ thể.

Cuộc gặp đầu tiên được coi là mang tính lịch sử, giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un diễn ra ngày 12/6/2018 tại Singapore. Hai nhà lãnh đạo được cho là đã thảo luận về các chương trình hạt nhân của Triều Tiên, với việc nước này chấp nhận từ bỏ việc phát triển vũ khí hủy diệt để tập trung vào phát triển kinh tế. Dẫu vậy, kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh này vẫn bị chỉ trích vì thiếu chi tiết cụ thể về việc liệu ông Kim Jong Un có sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân hay không, nếu có thì tính khả thi sẽ đến đâu.

Trong tuần tới, dự kiến Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ ba với ông Kim Jong Un tại Bình Nhưỡng. Cuộc gặp này là nỗ lực từ cả Triều Tiên và Hàn Quốc, nhằm thúc đẩy một cuộc hội đàm cao cấp ba bên (Mỹ - Hàn - Triều) nhằm hướng tới một hiệp định hòa bình chính thức nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953), vốn chỉ tạm dừng trên danh nghĩa bởi một thỏa thuận đình chiến. Chính bởi đây chỉ là thỏa thuận đình chiến, không phải là một hiệp ước hòa bình, đã để lại các lực lượng Liên Hiệp Quốc (LHQ) do Mỹ lãnh đạo, đóng trên lãnh thổ của Hàn Quốc để đảm bảo hòa bình. Nói cách khác, trên thực tế về mặt kỹ thuật thì bán đảo Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.

Bước ngoặt cho hòa bình?

Trong khi Hàn Quốc hy vọng một thỏa thuận chính thức chấm dứt cuộc xung đột có thể đã được công bố bên lề Đại hội đồng LHQ vào cuối tháng này, ông Chung Eui-yong - đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in - cho biết khó có khả năng Bình Nhưỡng cử lãnh đạo cấp cao sang Mỹ dự cuộc gặp của LHQ. Cố vấn An ninh quốc gia của ông Trump, ông John Bolton, cũng cho biết, ông không tin rằng Kim sẽ tham dự một cuộc họp như vậy của LHQ trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi trụ sở lại đặt ngay ở nước Mỹ, trong khi ngày càng xuất hiện các nghi ngờ cho rằng Triều Tiên sẽ không thực tâm giải trừ năng lực hạt nhân cũng như tên lửa tầm xa của mình.

Rất đột ngột, sự kỳ vọng lại được nhen nhóm, bắt đầu từ hôm 7/9, khi ông Trump tiết lộ rằng “một lá thư cá nhân từ ông Kim đang được gửi đi”. “Đó là một bức thư rất ấm áp, rất tích cực” - bà Sanders cho biết vào buổi họp báo hôm 10/9 của Nhà Trắng - “Mục đích chính của lá thư là yêu cầu và tìm cách sắp xếp một cuộc họp tiếp theo với Tổng thống. Chúng tôi đang tìm hiểu thêm về đề xuất này”.

Phát ngôn viên Nhà Trắng cũng nói với các phóng viên rằng bức thư bày tỏ “một cam kết tiếp theo về việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên”. Bà cho biết một cuộc diễu hành quân sự ở Bình Nhưỡng hôm 9/9 (kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước CHDCND Triều Tiên là “một dấu hiệu tốt lành”, vì nó không có sự hiện diện của bất kỳ loại tên lửa tầm xa nào. Trong khi đó, hội nghị thượng đỉnh thứ ba giữa Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang xúc tiến đầy thuận lợi. Các quan chức Hàn Quốc kỳ vọng hội nghị thượng đỉnh này có thể cung cấp động lực mới cho các cuộc đàm phán hạt nhân, sau diễn biến chạm đáy hồi tháng trước, với việc ông Trump hủy bỏ chuyến thăm Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Mike Pompeo, với lý do các thỏa thuận giải trừ năng lực hạt nhân của Triều Tiên không có tiến triển.

Tận dụng cơ hội

Hôm 11/9, các đặc phái viên về vấn đề vũ khí hạt nhân của Hàn Quốc và Hoa Kỳ cũng đã tổ chức một cuộc họp, như là một phần của nỗ lực để khởi động các cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ giữa Bình Nhưỡng và Washington. Lee Do-hoon, nhà đàm phán hạt nhân của Hàn Quốc, nói với các phóng viên rằng ông và đối tác Hoa Kỳ, Stephen Biegun, đã thảo luận làm thế nào để mang lại tiến bộ về sự phi hạt nhân của Triều Tiên và thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

“Chúng tôi rất coi trọng vấn đề này, trách nhiệm thuộc về tất cả các bên liên quan, trước hết là giữa Mỹ và Hàn Quốc” - ông Stephen Biegun nói với ông Lee Do-hoon vào lúc bắt đầu cuộc đàm phán - “Nhưng chúng tôi cũng có một cơ hội to lớn được tạo ra bởi Tổng thống Trump, bởi Tổng thống Moon và nhà lãnh đạo Kim. Chúng ta cần phải làm mọi thứ có thể để tận dụng tối đa cơ hội này”.

Harry Kazianis, Giám đốc nghiên cứu quốc phòng từ Trung tâm vì lợi ích quốc gia, một trong những nhà phê bình có tiếng ở Washington, cho rằng ông Trump hoàn toàn có quyền theo đuổi một cuộc gặp thứ hai với lãnh đạo Triều Tiên.

“Khi bạn đạt được thỏa thuận với nhà lãnh đạo Triều Tiên (ông Kim Jong Un) để giải trừ năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, cũng như sự vắng bóng hoàn toàn của các tên lửa tầm xa trong lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh vừa diễn ra của Triều Tiên, đó là những lý do để chúng ta lạc quan” - ông Harry Kazianis nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ