Buôn Dơng Băk được coi là cái nôi độc nhất của gốm cổ trên vùng đất Tây Nguyên đã và đang hồi sinh với những sản phẩm hết sức độc đáo mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa dân tộc.
Nghề truyền qua nhiều thế hệ
Bà Yo Khoanh, tên thật là H’Phết Uông (77 tuổi), một trong những nghệ nhân gắn bó với nghề gốm lâu nhất buôn Yók Đuôn cho biết, để có những sản phẩm gốm ưng ý, người làm gốm phải trải qua nhiều công đoạn công phu.
Những người đàn ông sẽ đảm nhận công đoạn tìm, khai thác nguyên liệu để làm gốm. Họ phải vào tận chân núi Chư Yang Sin, cách buôn khoảng 6 km đường rừng núi rất vất vả để khai thác đất đem về.
Đây là một loại đất sét tốt nhất, cũng là duy nhất trong vùng, được các nghệ nhân chọn làm gốm, vì nơi đây có nguồn nước sạch, khi nung gốm sẽ không bị vỡ. Tiếp theo là các công đoạn nhào đất, tạo dáng hình sản phẩm, trang trí hoa văn, tráng men, nung - là những công việc chủ yếu dành cho phụ nữ.
Cũng giống như gốm Bàu Trúc của người Chăm ở Ninh Phước (Ninh Thuận), gốm của người Khmer ở Tri Tôn (An Giang), gốm của người M’nông Rlăm buôn Yók Đuôn cũng không dùng bàn xoay mà hoàn toàn dùng tay nhào nặn đất và di chuyển xung quanh khối đất để tạo dáng sản phẩm.
Sau khi cơ bản đã tạo dáng được sản phẩm mộc ưng ý, các nữ nghệ nhân dùng đá để mài đánh bóng, dùng que tre để trang trí hoa văn theo trí tưởng tượng và sự ngẫu hứng, phong phú của mình, rồi đem phơi khô gốm mộc chờ nung.
Công đoạn nung gốm của người M’nông Rlăm khá đơn giản, không cần xây lò mà nung lộ thiên, với nhiều lớp củi được chất lên; thời gian nung khoảng 30 phút. Khi lớp củi trên cùng cháy hết, người ta lấy gốm ra tiếp tục tạo màu bằng cách ủ trong mùn cưa, vỏ trấu, làm cho sản phẩm có sắc màu rất độc đáo với gam màu chủ đạo là đen bóng và nâu xám.
Trước đây, sản phẩm của gốm M’nông Rlăm chủ yếu là loại vật dụng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt trong cuộc sống thường ngày của đồng bào khu vực Tây Nguyên như: niêu, ấm nước, ché, chum, vại, chén, bát, nồi, chõ đồ xôi…
Nhưng hiện nay, để đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ, sở thích của khách hàng, các nghệ nhân đã sáng tạo thêm nhiều mẫu mã mới, mang nét văn hóa đặc trưng của đồng các dân tộc Tây Nguyên nói chung, người M’nông Rlăm nói riêng như các con thú (voi, rùa, hươu, nai) và các loại bình.
Theo một số nghệ nhân hành nghề lâu năm, trong các loại sản phẩm gốm kể trên, thì việc tạo dáng ra các con thú là khó nhất, tùy kích thước lớn, hay nhỏ mà nhiều khi phải mất từ 2 - 3 ngày mới xong một sản phẩm.
Nặn tạo dáng gốm. |
Bảo tồn, hồi sinh và phát triển
Theo lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, thập niên 90 của thế kỷ trước, sau khi thực hiện cuộc khai quật tại cánh đồng Buôn Triết, huyện Lăk, các nhà khoa học của Viện Khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện nhiều di chỉ gốm có niên đại cách nay hàng trăm năm.
Sau khi nghiên cứu, so sánh chất liệu các di chỉ gốm này, các nhà khoa học cho rằng nó cùng nguồn gốc với gốm buôn Dơng Băk (Yók Đuôn) hiện nay.
Gốm đã đi vào nếp nghĩ, đời sống văn hóa, sinh hoạt, không chỉ với người M’nông Rlăm, mà cả các dân tộc anh em khác ở Tây Nguyên như Êđê, Bana…
Trải qua bao thăng trầm, hiện nay những người làm gốm cổ giàu kinh nghiệm và tài hoa ở buôn Yók Đuôn như bà Yo Khoanh không còn nhiều; những nghệ nhân tâm huyết, đam mê, yêu nghề.
Theo bà May Kim, nghề làm gốm cổ truyền thống của đồng bào M’nông Rlăm có lúc rất hưng thịnh, từng cung cấp cho nhu cầu của nhiều dân tộc anh em khác ở Tây Nguyên, nhưng từ khi có sự xuất hiện và sự cạnh tranh của các loại vật dụng bằng nhôm, nhựa và gốm công nghiệp, thì thị trường tiêu thụ bị thu hẹp. Tuy nhiên, nhiều nghệ nhân nơi đây chưa bao giờ có ý định bỏ nghề do ông bà tổ tiên truyền lại.
Được biết, những năm gần đây, để bảo tồn, hồi sinh và phát triển nghề gốm của đồng bào M’nông Rlăm chính quyền xã Yang Tao tạo điều kiện cho hàng chục hộ gia đình nghệ nhân vay vốn ưu đãi để duy trì nghề sản xuất gốm cổ thủ công truyền thống, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho lao động làng nghề.
Đặc biệt, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương mở những lớp dạy nghề làm gốm cho thanh thiếu niên học sinh trong buôn và trưng bày, quảng bá giới thiệu những sản phẩm gốm độc đáo của buôn với du khách.
Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh còn đặt các nghệ nhân trong buôn sản xuất đồ gốm theo những mẫu mã có sẵn, được trưng bày trong bảo tàng để phục vụ nhu cầu sưu tầm đồ lưu niệm của du khách thập phương, nhất là du khách nước ngoài.
Trang trí hoa văn bằng que tre. |
Với việc làm thiết thực và kịp thời ấy, hiện nay mặc dù nghề gốm cổ của đồng bào M’nông Rlăm không phát triển mạnh như vài chục năm về trước, nhưng đã thoát được nguy cơ mai một, thậm chí đang trên đà hồi sinh phát triển.
Theo chia sẻ của nghệ nhân Yo Khoanh, huyện Lăk có điểm du lịch hồ Lăk nổi tiếng thu hút rất đông du khách tham quan, nên cũng là điều kiện tốt để buôn Yók Đuôn giới thiệu, quảng bá sản phẩm gốm với du khách trong và ngoài nước.
Nhờ đó những năm gần đây, tháng nào cũng có những đoàn khách tìm tới tận buôn tham quan, tìm hiểu và sưu tầm đồ gốm, nhiều khi sản phẩm làm ra không đáp ứng được nhu cầu mua của du khách.
Có thể nói, dù trải qua bao thăng trầm, nhưng nghề gốm cổ có một không hai này trên cao nguyên Đắk Lắk, của đồng bào M’nông Rlăm, vẫn giữ được những đặc trưng riêng, trở thành niềm tự hào về nét đẹp văn hóa giàu bản sắc dân tộc.