Cổ vật kể chuyện bên sông Hồng

Chỉ với khoảng 300 hiện vật trưng bày nhưng Bảo tàng Khảo cổ học cộng đồng Kim Lan (xã Kim Lan, Gia Lâm, Hà Nội) đang đánh thức những trang sử xưa.

Ông Hồng bên những cổ vật tìm được
Ông Hồng bên những cổ vật tìm được

Đây cũng là điểm nhấn quan trọng trong việc triển khai công tác khảo cổ học cộng đồng ở Việt Nam.

Cổ vật kể chuyện

Theo tiến sỹ Bùi Minh Trí (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), Kim Lan là một trong những làng gốm cổ nhất của đất Thăng Long. Kết quả nghiên cứu khảo cổ học đã chứng minh rằng, người dân Kim Lan đã sản xuất gốm từ thế kỷ 9. Thế kỷ 13-14 là giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất của làng gốm này.

“Những hiện vật được trưng bày ở đây góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử gốm sứ Việt Nam nói chung,” vị chuyên gia này cho biết.

Những hiện vật được trưng bày tại bảo tàng khá đa dạng về niên đại. Bên cạnh những cổ vật (có niên đại từ thế kỷ 7-18 như đồ gốm cổ, tiền cổ, đồ đất nung…), không gian trưng bày cũng giới thiệu tới công chúng những sản phẩm, hiện vật mới của làng gốm Kim Lan như các sản phẩm gốm sứ gia dụng. Số hiện vật này được chú thích bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Nhật.

“Việc kết hợp trưng bày như vậy để công chúng có thể hình dung đầy đủ hơn về lịch sử hình thành, phát triển của làng nghề gốm sứ Kim Lan từ những dấu tích cư trú đầu tiên đến diện mạo hiện nay,” ông Nguyễn Đức Trí, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Kim Lan bày tỏ.

Không chỉ có vậy, số hiện vật được trưng bày tại đây cũng thể hiện sự phong phú về chất liệu, loại hình; bao gồm: Tiền đồng, các hiện vật kiến trúc, trang trí kiến trúc… Điểm nhấn đặc biệt là đồ gốm sứ, gạch Giang Tây Quân-loại gạch dùng để xây thành Đại La.

Cổ vật kể chuyện bên sông Hồng ảnh 1Gốm sứ trong di chỉ cư trú ở Kim Lan (Ảnh: BTLSQG)

Dù đã ở tuổi thất thập nhưng khi nói về những hiện vật ở bảo tàng, ông Nguyễn Việt Hồng-một thành viên của nhóm “Tìm về cội nguồn,” người cả đời đau đáu với việc tìm lại lịch sử làng nghề truyền thống bên dòng sông Hồng vẫn rất hồ hởi. Ông bảo, các hiện vật gốm (từ gốm đất nung cho tới gốm tráng men) đó đã “kể lại câu chuyện” về lịch sử lâu dài của làng gốm cổ Kim Lan.

Đặc biệt, các di vật gốm tráng men (với nhiều loại men như men lục, men ngọc, men nâu…) và gốm hoa lam-một loại gốm quý đã cho thấy sự phát triển của kỹ thuật làm gốm sứ của làng nghề. “Cha ông chúng tôi không chỉ sản xuất các loại đồ gốm sứ dân dụng thông thường mà còn chế tác nhiều loại gốm sứ cao cấp cho hàng ngũ quan lại quyền quý,” ông Hồng chia sẻ.

Điểm sáng của khảo cổ học cộng đồng

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Giang Hải (Viện Khảo cổ học), các hiện vật được lưu giữ ở đây có niên đại rõ ràng. Đó là những tài liệu quan trọng, để làm hệ quy chiếu chỉnh lý kho gốm sứ đồ sộ khai quật trong Hoàng thành Thăng Long; từ đó, tạo cơ sở cho việc bảo tồn và phát huy giá trị nghề làm gốm cổ truyền của người Việt.

Nói về bảo tàng “độc nhất vô nhị” này, ông Nguyễn Đức Trí, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Kim Lan cho hay, đây là bảo tàng cấp xã đầu tiên của cả nước cho đến thời điểm này. Bảo tàng ra đời là sự hợp sức của cả cộng đồng, tâm huyết của nhiều thế hệ người dân Kim Lan, cùng các nhà khoa học, cơ quan chức năng; trong đó, không thể không kể tới quyết tâm của năm “già làng” trong nhóm nghiên cứu “Tìm về cội nguồn” và sự giúp đỡ hết mình của nhà khảo cổ học người Nhật Bản-cố tiến sỹ Nishimura Masanari. 

“Sự ra đời của bảo tàng là kết quả đáng mừng cho việc triển khai công tác khảo cổ học cộng đồng ở Việt Nam. Thực chất, không chỉ các nhà chuyên môn mà ngay chính người dân bản xứ cũng có thể trực tiếp tham gia vào công tác khảo cổ học để làm sáng tỏ những giá trị của lịch sử,” phó giáo sư Nguyễn Giang Hải nói. 

Theo ông Hải, nếu được trang bị những kiến thức cơ bản, người dân đại phương có thể phát hiện những dấu tích khảo cổ học, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng.

Ký ức hiện về như thước phim quay chậm, cụ Nguyễn Việt Hồng kể, sau những trận lụt, bờ sông Hồng sụt lở, người dân ở khu vực này nhặt được nhiều mảnh gốm cổ và những chiếc lọ đựng tiền cổ. Ông Hồng cố gắng thu thập những đồng tiền cổ đó từ người dân trong làng và phân loại chúng theo niên đại được đánh dấu trên đồng tiền vì bản thân ông biết chữ Hán. 

Cổ vật kể chuyện bên sông Hồng ảnh 2Tiến sỹ Nishimura Masanari (Ảnh: Viện Khảo cổ học Việt Nam)

“Sau đó, tôi nhận thấy một quá trình lịch sử liên tục kéo cả nghìn năm, cho thấy hoạt động giao thương ở làng đã phát triển từ sớm,” ông Hồng chia sẻ.

Vốn xuất thân từ những gia đình có truyền thống làm gốm nên ban đầu, những bậc cao niên  trong làng (như ông Nguyễn Văn Nhung, Nguyễn Văn Viện, Nguyễn Tiến Cung, Nguyễn Văn Lanh) sưu tầm các mảnh gốm cổ là để tìm hiểu cách làm họa tiết, màu men của cổ nhân.

“Càng tìm hiểu, chúng tôi càng nhận thấy những hiện vật đó thể hiện nhiều giá trị lịch sử mà ngày nay, thế hệ cháu con chưa hiểu,” ông Nhung bày tỏ. Thế rồi, cùng với ông Hồng, họ lập thành nhóm nghiên cứu để “Tìm về cội nguồn” của làng gốm.

Năm 2000, năm “già làng” đã gửi thư tới Viện Khảo cổ và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, thông báo về những mảnh gốm và các hiện vật thu thập được. Sau đó, các cuộc khai quật khảo cổ học được tiến hành và trang sử về làng gốm cổ Kim Lan đã được dựng lại.

“Trong số các nhà khoa học về đây làm việc, tiến sỹ Nishimura Masanari là người gắn bó với Kim Lan nhất và ông đã trở thành người con của mảnh đất này. Anh ấy hướng dẫn chúng tôi cách làm khảo cổ học (đánh số, phân loại hiện vật…) và đã đưa nhiều tài liệu, hiện vật từ các nơi khác tới để so sánh, tìm ra những điểm riêng của gốm Kim Lan,” ông Nguyễn Văn Nhung bày tỏ.

Theo lời kể của ông Hồng, từ việc thiết kế, quyên góp kinh phí để xây dựng bảo tàng, tới việc sắp xếp hiện vật, viết lời giới thiệu… đều do cố tiến sỹ người Nhật Bản nặng lòng với gốm cổ Việt Nam ấy thực hiện. 

“Mô hình bảo tàng khảo cổ học cộng đồng ở Kim Lan đánh dấu thành công bước đầu của khảo cổ học cộng đồng ở Việt Nam. Khi người dân trực tiếp tham gia vào công việc này, họ sẽ hiểu hơn về giá trị của di sản văn hóa và nâng cao ý thức trong việc phát huy truyền thống dân tộc,” phó giáo sư-tiến sỹ Lâm Thị Mỹ Dung (Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ.

Việc năm “già làng” Kim Lan cùng tiến sỹ Nhật Bản xây bảo tàng gốm cổ cho làng đã được trao tặng “Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội” năm 2013/.

Theo Vietnam+

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.