Hơi nóng khinh khí cầu

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Các quả khí cầu của Trung Quốc xuất hiện tại khu vực châu Mỹ đang khuấy đảo quan hệ ngoại giao tại đây.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Các quả khí cầu của Trung Quốc xuất hiện tại khu vực châu Mỹ đang khuấy đảo quan hệ ngoại giao tại đây, đặc biệt là sau vụ không quân Mỹ bắn hạ một quả xâm phạm không phận nước này.

Trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang của Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8/2 tại Quốc hội, một lần nữa ông lại nhắc đến vụ bắn hạ một quả khinh khí cầu Trung Quốc như một bằng chứng về cam kết bảo vệ chủ quyền nước Mỹ.

Ông khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác cùng Trung Quốc để mang lại lợi ích cho cả thế giới, nhưng không quên hành động để bảo vệ chủ quyền nước Mỹ.

Trước đó, từ ngày 28/1 quân đội Mỹ phát hiện một quả khinh khí cầu cỡ lớn bị nghi là thiết bị do thám xâm phạm không phận bang Alaska. Sau khi khinh khí cầu này bay sang không phận Canada thì nó tiếp tục bay vào không phận nước Mỹ từ ngày 30/1. Khi Mỹ thông tin về vụ việc, Trung Quốc đã xác nhận đây là khinh khí cầu dân sự của họ mang mục đích nghiên cứu đã bị bay lạc.

Bất chấp lời giải thích của Bắc Kinh, Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn nghi đây là thiết bị do thám nên quyết định bắn hạ khi đủ điều kiện an toàn cho mặt đất. Sự kiện này đã đột ngột khiến quan hệ Trung - Mỹ đang có dấu hiệu ấm lên có nguy cơ đóng băng trở lại.

Đây cũng không phải là quả khinh khí cầu duy nhất của Trung Quốc xuất hiện tại khu vực châu Mỹ thời gian gần đây. Hôm 6/2, Bộ Ngoại giao Costa Rica cho biết, Chính phủ Trung Quốc đã thừa nhận một khinh khí cầu của họ đã bay qua không phận quốc gia Trung Mỹ này. Sau đó đại sứ quán Trung Quốc tại San Jose đã “lên tiếng xin lỗi Costa Rica” vì sự cố này.

Bắc Kinh cũng trấn an Costa Rica là khinh khí cầu nói trên chỉ tập trung vào nghiên cứu khoa học liên quan đến thời tiết. Trung Quốc cũng giải thích việc thiết bị này xâm nhập không phận quốc gia Trung Mỹ vì đường bay bị chệch khỏi lộ trình ban đầu và khả năng tự chỉnh hướng của khinh khí cầu rất hạn chế nên đã bị mất kiểm soát.

Cơ quan hàng không dân dụng Costa Rica nhận tin báo về sự xuất hiện của quả khinh khí cầu từ hôm 2/2. Nhưng khác với hành động bắn hạ của quân đội Mỹ, Costa Rica chỉ cảnh báo các phi công máy bay chở khách về sự xuất hiện của nó mà không có hành động nào khác. Sau đó quả khinh khí cầu này được xác nhận đã bay qua lãnh thổ Costa Rica, nên nước này cũng không có kế hoạch điều tra thêm.

Trước đó một ngày, hôm 1/2 quân đội Colombia cũng thông báo về việc phát hiện một vật thể tương tự khinh khí cầu trên không phận nước mình nhưng không đề cập thiết bị này có nguồn gốc từ nước nào.

Quân đội Colombia chỉ theo dõi quả khinh khí cầu bay ở độ cao gần 17.000 mét, di chuyển với tốc độ khoảng 46 km/h cho đến khi nó rời khỏi không phận.

Với các diễn biến này, theo các chuyên gia quan hệ ngoại giao, những quả khinh khí cầu không chỉ sử dụng hơi nóng để vận hành mà nó còn có thể phả hơi nóng vào các mối quan hệ song phương nếu bay không đúng chỗ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ