Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 46/2017/NĐ-CP quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 73/2012/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam.
Đây là một trong những kết quả đạt về hội nhập quốc tế của GDĐH trong năm học vừa qua theo báo cáo của Bộ GD&ĐT.
Ký kết với 2.142 lượt tổ chức quốc tế
Một số cơ sở GDĐH đã ký kết ghi nhớ và triển khai hợp tác với các trường ĐH, CĐ, các tổ chức quốc tế của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc... và nhiều nước trong khu vực ASEAN.
Theo thống kê từ báo cáo của các cơ sở đào tạo, năm học 2016-2017, các cơ sở đào tạo đang hợp tác và có ký kết với 2.142 lượt tổ chức quốc tế.
Trong đó, cơ sở đào tạo có nhiều tổ chức quốc tế đang hợp tác nhất là ĐHQG Hà Nội (218 tổ chức quốc tế), tiếp tới là ĐHQG TP.HCM (155 tổ chức quốc tế), Trường ĐH Ngoại thương (146 tổ chức quốc tế), Trường ĐH Cần Thơ (137 tổ chức quốc tế), ĐH Thái Nguyên (70 tổ chức quốc tế).
Một số cơ sở đào tạo đã chủ động, tiên phong trong việc thúc đẩy quá trình tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới về dạy, học và quản lý giáo dục, góp phần tích cực hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Các lĩnh vực công nghệ mới được chuyển giao bao gồm: phương pháp dạy - học, xây dựng và phát triển chương trình, biên soạn tài liệu giảng dạy; phát triển tổ chức và đội ngũ, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch giáo dục và quản trị cơ sở giáo dục.
GDĐH cũng triển khai hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận song phương và đa phương với nước ngoài về hợp tác giáo dục.
Cụ thể: Bộ GD&ĐT đang quản lý 6.628 lưu học sinh (LHS) theo diện học bổng NSNN và diện hiệp định tại 46 quốc gia. Trong năm học 2016-2017, Bộ GD&ĐT đã cử đi 1.771 LHS, trong đó có 845 tiến sĩ (48%), 314 thạc sĩ (18%) và tiếp nhận về nước 1252 LHS.
Đến tháng 6/2017 đã và đang tổ chức tuyển sinh 17 trong tổng số 19 chương trình học bổng hiệp định năm 2017 của các nước dành cho Việt Nam.
Phối hợp/hỗ trợ các Đại sứ quán, các tổ chức nước ngoài tổ chức tuyển sinh các chương trình học bổng năm 2017 do Chính phủ nước ngoài cấp cho công dân Việt Nam (Nhật Bản, New Zealand, Australia, Thổ Nhĩ Kỳ, Cộng hòa Séc, Brunei, Ireland, Bỉ).
Bộ GD&ĐT đang theo dõi và quản lý 15.156 LHS của 56 quốc gia đang học tập tại Việt Nam, trong đó diện Hiệp định là: 3.199 LHS của 16 nước. Năm học 2016-2017, có 1.115 LHS diện hiệp định tốt nghiệp và tiếp nhận mới 750 LHS của 15 nước.
Cùng với đó là việc công nhận văn bằng, tín chỉ với các nước trong khu vực và một số quốc gia trên thế giới (Bộ GD&ĐT đã ký kết 17 thảo thuận quốc tế với các nước trong năm học 2016-2017); thí điểm mô hình giáo dục của một số nước có nền giáo dục tiên tiến; LKĐT với nước ngoài; mời chuyên gia, giảng viên nước ngoài đến trường giảng dạy và nghiên cứu; ký kết và triển khai hợp tác với các tổ chức quốc tế; tăng cường trao đổi giảng viên, chuyên gia, sinh viên quốc tế...
Phát triển không gian giáo dục Việt Nam, kết nối với ASEAN và thế giới
Bên cạnh các kết quả đạt được, quá trình quốc tế hoá GDĐH chưa được chú trọng, quan tâm đúng mức so với yêu cầu và tiềm năng, chưa có được sự hỗ trợ thúc đẩy mang tính hệ thống và cơ chế khuyến khích, tạo động lực mạnh mẽ để các cơ sở GDĐH đưa quốc tế hóa giáo dục trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của mình.
Các chương trình, dự án đầu tư của nhà nước chưa được kết nối chặt chẽ để tạo ra một lực đẩy mạnh mẽ, tổng thể cho quốc tế hóa GDĐH.
Hội nhập quốc tế của các cơ sở GDĐH chưa thực sự toàn diện và thực chất. Hội nhập quốc tế cũng không đồng đều giữa các địa phương.
Công tác tuyển sinh đi học nước ngoài theo các chương trình học bổng diện Hiệp định và NSNN cho thấy: số lượng ứng viên đăng ký và được cử đi học tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn.
Việc trao đổi sinh viên vẫn chủ yếu diễn ra một chiều, số lượng sinh viên nước ngoài tới học còn rất hạn chế.
Công tác quản lý tư vấn du học ở một số địa phương chưa thực sự chặt chẽ và kịp thời dẫn đến việc cung cấp dịch vụ và thông tin không đầy đủ, chính xác từ các công ty tư vấn du học làm ảnh hưởng đến quyền lợi người học.
Để đẩy mạnh hợp tác quốc tế với GD ĐH, năm học 2017 - 2018 sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 2448/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch thực hiện “Chiến lược tổng thể về Hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của Bộ GD&ĐT.
Đẩy mạnh hợp tác trong NCKH, liên kết đào tạo, công nhận tín chỉ, liên thông chương trình, đồng cấp bằng với các trường đại học được kiểm định bởi tổ chức kiểm định có uy tín.
Phát triển không gian giáo dục Việt Nam, kết nối với ASEAN và thế giới như xây dựng cơ chế kết nối, chia sẻ tài nguyên và hợp tác giữa các trường đại học trong nước theo từng nhóm ngành; tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi sinh viên, giảng viên và cán bộ quản lý với các nước trong khu vực và trên thế giới; xây dựng cơ chế thu hút giảng viên nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy, NCKH tại các cơ sở GDĐH trong nước.
Bình luận