Hội nghị toàn quốc về khoa học trái đất và tài nguyên

GD&TĐ - Ngày 11/11, Trường ĐH Mỏ - Địa chất tổ chức hội nghị toàn quốc Khoa học trái đất và tài nguyên với phát triển bền vững (ERSD).

GS.TS Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường ĐH Mỏ - Địa chất phát biểu tại hội nghị.
GS.TS Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường ĐH Mỏ - Địa chất phát biểu tại hội nghị.

Dự hội nghị có gần 500 đại biểu là các nhà khoa học, các đại biểu khách mời đến từ các tập đoàn, tổng công ty, các trường ĐH, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trên toàn quốc.

Hội nghị tập trung thảo luận các kết quả khoa học công nghệ, hướng nghiên cứu mới của khoa học trái đất và tài nguyên thiên nhiên, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên địa chất, môi trường và các lĩnh vực khoa học khác có liên quan; việc ứng dụng chúng vào phát triển bền vững trong nhiều lĩnh vực của khoa học công nghệ, kinh tế và xã hội.

Phát biểu khai mạc, GS.TS Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường ĐH Mỏ - Địa chất, cho biết: Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, đi cùng là tiến bộ công nghệ và nhu cầu xã hội đang làm thay đổi toàn bộ thế giới. Trong đó đã và đang thúc đẩy, định hình cách thức mới cho các hoạt động khoa học công nghệ.

Sự phát triển của khoa học công nghệ với vai trò dẫn dắt, thúc đẩy nâng cao chất lượng, hiệu quả và sự phát triển bền vững của các hoạt động kinh tế, kỹ thuật và xã hội ngày càng trở nên quan trọng, cấp thiết.

Bên cạnh đó, những biến đổi tự nhiên và xã hội toàn cầu đang tạo ra hàng loạt thách thức mới trong khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, trên toàn thế giới…

Những thay đổi, thách thức này đang trở thành những định hướng, chương trình và kế hoạch hành động về khoa học công nghệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, các nhà khoa học cũng như toàn thể xã hội có liên quan.

GS.TSKH Hoàng Ngọc Hà - Trường ĐH Mỏ - Địa chất báo cáo tại hội nghị.

GS.TSKH Hoàng Ngọc Hà - Trường ĐH Mỏ - Địa chất báo cáo tại hội nghị.

Trong bối cảnh đó, hội nghị toàn quốc Khoa học trái đất và tài nguyên với phát triển bền vững được tổ chức để các nhà khoa học, các nhà chuyên môn trong nước, quốc tế gặp gỡ, trao đổi, học hỏi và hợp tác trong các hoạt động khoa học.

Đây cũng là dịp các nhà khoa học giới thiệu kết quả, hướng nghiên cứu khoa học mới; thảo luận về các xu thế, thách thức mới, nhận diện những hướng đi mới trong nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ cho các lĩnh khác nhau của khoa học trái đất, tài nguyên và các ngành khác có liên quan.

Tại phiên toàn thể, hội nghị đã nghe phần trình bày của 3 báo cáo điển hình gồm. Báo cáo thứ nhất là “Một số vấn đề trong nghiên cứu ứng dụng, phát triển lý thuyết xử lý số liệu phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu không gian và phát triển bền vững ở Việt Nam” của GS.TSKH Hoàng Ngọc Hà - Trường ĐH Mỏ - Địa chất.

Báo cáo thứ hai là “Vai trò của vận động kiến tạo trẻ đối với sự tiến hóa lưu vực sông và tai biến địa chất liên quan: Tiếp cận hiện đại trong nghiên cứu và áp dụng thực tiễn tại khu vực miền Trung Việt Nam” của GS.TS Trần Thanh Hải - Trường ĐH Mỏ - Địa chất.

Báo cáo thứ ba là “ Chuyển đổi số trong ngành công nghiệp dầu khí - thực tế triển khai tại Công ty điều hành Dầu khí Biển Đông POC” của TS Ngô Hữu Hải - Công ty Điều hành Dầu khí Biển đông POC.

Sau đó, hội nghị được diễn ra tại 15 tiểu ban chuyên môn.

Trước hội nghị, hơn 300 bản thảo báo cáo khoa học liên quan tới các chủ đề của hội nghị đã được gửi tới ban biên tập. Trên cơ sở đó, 206 báo cáo có chất lượng tốt được lựa chọn và xuất bản trong tuyển tập các báo cáo toàn văn của hội nghị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.