Hội nghị thượng đỉnh G-7: Khó tìm được tiếng nói chung

GD&TĐ - Trong ba ngày (24 - 26/8), các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ, Canada, Anh, Đức, Italia, Pháp và Nhật Bản thảo luận về các vấn đề của nền kinh tế thế giới, thương mại, an ninh, thuế của các đại gia kỹ thuật số tại khu nghỉ mát Biarritz, nằm ở Tây Nam nước Pháp. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong buổi họp báo bên lề thượng đỉnh G-7. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong buổi họp báo bên lề thượng đỉnh G-7. Ảnh: Reuters

 Tuy nhiên, chủ đề chính của Hội nghị thượng đỉnh là cuộc đấu tranh chống lại các biểu hiện khác nhau của bất bình đẳng. Do mâu thuẫn sâu sắc giữa các nhà lãnh đạo G-7, cố gắng lắm hội nghị mới ra được tuyên bố chung dài vừa một trang giấy.

Đạt được “đồng thuận khiêm tốn”

Biarritz đúng là nơi nghỉ mát đẳng cấp. Các nhà lãnh đạo G-7 đến Hội nghị thượng đỉnh đã có cơ hội tận hưởng khí hậu mát lành của đại dương. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chạy bộ vào buổi sáng và Thủ tướng Đức Angela Merkel cho thấy, bà đã hoàn toàn bình phục sau những cơn đau mà thời gian qua là tâm điểm của báo chí thế giới.

Tuy nhiên, họ đã thất bại trong việc tìm kiếm sự đồng thuận trong hầu hết các vấn đề. Hội nghị thượng đỉnh đã kết thúc mà không có sự giao tiếp truyền thống và chỉ có một “sự đồng thuận khiêm tốn” - The Washington Post tóm tắt kết quả của cuộc họp.

Thật vậy, sau 3 ngày “thảo luận sôi nổi”, G-7 cũng ra được tuyên bố chung với vẻn vẹn một trang giấy đề cập đến các vấn đề quốc tế như: Thương mại quốc tế, Iran, Hồng Kông, Ukraine…

Kết quả thực sự duy nhất là quyết định viện trợ 20 triệu euro nhằm dập tắt các đám cháy ở Amazon của G-7. Theo ông Macron, thảm họa này “không để bất cứ ai có thể thờ ơ”. “Amazon là lá phổi của hành tinh. Đây là một thảm họa cho cả nhân loại, chúng ta phải phản ứng kịp thời” - nhà lãnh đạo Pháp nói.

Trong một loạt các vấn đề quốc tế, tình hình ở Iran hóa ra lại là tâm điểm của cuộc thảo luận của các nhà lãnh đạo

G-7 vào ngày Chủ nhật. Chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, được chỉ thị tham gia đàm phán với Tehran để tránh sự leo thang căng thẳng ở Vịnh Ba Tư và cản trở việc Iran sản xuất vũ khí hạt nhân.

Như Macron đã giải thích trong một cuộc phỏng vấn với các kênh truyền hình Pháp, thông điệp gửi đến Tehran thể hiện ý đồ của G-7.

Trong cuộc họp báo cuối cùng với Tổng thống Pháp, ông Trump đã không trả lời rõ ràng cho câu hỏi về khả năng của một cuộc gặp thượng đỉnh với Iran. Ông chỉ ca ngợi người dân Iran và nói rằng Tehran không nên có vũ khí hạt nhân - đây là mục tiêu chính của các lệnh trừng phạt của Mỹ. “Hoa Kỳ không tìm kiếm sự thay đổi lãnh đạo ở Iran, mà chỉ đơn giản là cố gắng để đảm bảo rằng nước này không tạo ra tên lửa hạt nhân” - ông Trump nhấn mạnh.

Còn đó đầy rẫy những bất đồng

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố không tham gia vào cuộc thảo luận về thông điệp gửi Iran. Bình luận về điều này, ông Trump lưu ý, nếu các nhà lãnh đạo của các quốc gia khác muốn đàm phán với Iran, thì không thể bị cấm. Tổng thống Donald Trump cũng từ chối gặp Ngoại trưởng Iran Javad Zarit, người được Macron mời tới Biarritz mấy tiếng đồng hồ để có cơ hội tháo gỡ thỏa thuận hạt nhân đang trên bờ phá sản.

Theo nguồn tin của Bloomberg từ các quan chức Pháp và Mỹ, trong cuộc họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh, ông Macron đã đề xuất với ông Trump kế hoạch cho Iran. Đại để, cho Teheran cơ hội bán một lượng dầu nhất định để đổi lấy một số nghĩa vụ, đặc biệt là tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân, thảo luận về kế hoạch hành động sau khi hết hạn vào năm 2025 và thực hiện các biện pháp để leo thang xung đột ở Vịnh Ba Tư. Tuy nhiên, nguồn tin của cơ quan trong phái đoàn Mỹ cho rằng đề xuất của ông Macron không thành công.

Theo Wall Street Journal, chính quyền Trump đã phản ứng tiêu cực trước những nỗ lực gây áp lực từ ông Macron. Hành động của Tổng thống Pháp cho thấy mong muốn thuyết phục đồng nghiệp người Mỹ thảo luận về “các vấn đề thích hợp” như mối đe dọa của biến đổi khí hậu toàn cầu và sự phát triển của châu Phi. Tuy nhiên, ông Trump đến Biarritz với ý định thực hiện chương trình nghị sự của riêng mình. Nó bao gồm một loạt các vấn đề - từ tình hình phản kháng ở Hồng Kông và gia tăng áp lực đối với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đến việc giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga và tăng chi tiêu quân sự của NATO lên 2% GDP.

Liên quan đến chủ đề trở lại định dạng G-8 với sự tham gia của Nga, ông Trump thừa nhận rằng Tổng thống Nga V. Putin sẽ được mời tham dự Hội nghị G7 tiếp theo, vào năm 2020 tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, AFP trích dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết, các nhà lãnh đạo G7 đã lên tiếng chống lại sự trở lại của Nga.

Việc ông Donald Trump bày tỏ nguyện vọng mời Nga trở lại G-8 vào đêm trước Hội nghị thượng đỉnh chỉ làm gia tăng căng thẳng. Ngoài Nga, Iran và khí hậu, các nguyên thủ quốc gia và chính phủ vẫn có những bất đồng về nhiều vấn đề khác nhau. Không có gì ngạc nhiên khi người đứng đầu Hội đồng châu Âu

Donald Tusk thừa nhận rằng “việc tìm kiếm một ngôn ngữ chung đang ngày càng trở nên khó khăn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ