Quyết liệt với tham nhũng và bảo hộ mậu dịch
Diễn ra tại Lima (Peru) từ ngày 19/11, Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2016 thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận thế giới. Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga V.Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng lãnh đạo các nước thành viên đã tham gia Hội nghị Thượng đỉnh APEC lần thứ 24.
Tại hội nghị này, lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC đã thông qua một tuyên bố chung. Một trong những vấn đề chính được xác định là cuộc chiến chống tham nhũng.
“Chúng tôi hoan nghênh tuyên bố Lima của nhóm công tác APEC trong việc chống tham nhũng và kêu gọi tất cả các nền kinh tế có các biện pháp chống tham nhũng quyết liệt, đặc biệt là Công ước về chống hối lộ của các quan chức trong nước và nước ngoài với sự tham gia tích cực của tất cả các bên liên quan, bao gồm sự tham gia của Mạng lưới phòng chống tham nhũng và các cơ quan thực thi pháp luật của APEC” - Hãng Tass trích dẫn từ tuyên bố chung.
Các đại biểu tham gia hội nghị cũng đi đến quyết định tránh thao túng tỷ giá hối đoái. “Chúng tôi sẽ kiềm chế không phá giá và thao túng tỷ giá hối đoái nhằm tăng khả năng cạnh tranh và chống lại mọi hình thức bảo hộ.
Sự biến động quá mức và phá vỡ trật tự của tỷ giá hối đoái có thể dẫn đến những tác động tiêu cực cho sự ổn định kinh tế và tài chính” – Tuyên bố chung nêu rõ.
“Chúng tôi hoan nghênh “lộ trình” của APEC để đảm bảo khả năng cạnh tranh của các dịch vụ trong giai đoạn 2016 - 2025 và hướng dẫn các quan chức cấp cao tiến hành các giải pháp nhằm thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra” - Tuyên bố chung nhấn mạnh.
Ngoài ra, các đại biểu tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Lima lần này đều nhất trí rằng sự đóng góp của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội là rất quan trọng.
“Chúng tôi cam kết thực hiện các công việc trong tất cả các lĩnh vực chính sách chung của APEC về bình đẳng giới và tăng cường vai trò của phụ nữ trong đời sống của nền kinh tế của chúng tôi, đảm bảo phụ nữ có quyền bình đẳng với giáo dục chất lượng và nguồn lực kinh tế” - Tuyên bố chung khẳng định. Đồng thời, các nhà lãnh đạo APEC hoan nghênh các bước hỗ trợ tinh thần kinh doanh và sự nghiệp phát triển của phụ nữ.
Thách thức khi nền kinh tế Mỹ có nguy cơ đổi hướng
Trong bối cảnh hậu bầu cử tại Mỹ - nền kinh tế đầu tàu của thế giới dự báo sẽ có những đổi thay, Diễn đàn APEC năm nay nóng lên bởi số phận của Hiệp ước Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trong chiến dịch tranh cử của mình, Tổng thống đắc cử Donald Trump không chỉ tuyên bố có thể rút khỏi TPP mà còn đe dọa sẽ đàm phán lại Thỏa thuận Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Có thể nói, xu hướng đẩy mạnh thương mại tự do, chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch là động lực đưa kinh tế thế giới phát triển và TPP là một trong những thỏa thuận nằm trong xu hướng đó.
Không phải ngẫu nhiên mà trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh APEC, Tổng thống Peru Kuczynski khẳng định: Thế giới đang bị đe dọa bởi chủ nghĩa bảo hộ và tôi nghĩ APEC là một diễn đàn rất tốt để có thể chống lại điều đó. Tôi cho rằng đây là một vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự của hội nghị…”.
Mặc cho Mỹ - nước khởi xướng ra TPP đang còn chần chừ, đa số các nước còn lại đều ủng hộ các bước đi cụ thể nhằm đẩy mạnh TPP.
Bên lề hội nghị, Nhật Bản và Peru đã ký tuyên bố chung với cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa để thúc đẩy TPP. Tổng thống Mexico Enrique Nieto cho rằng: Tất cả các nước đã có những nỗ lực lớn để đạt được thỏa thuận này (TPP -ND) vì chúng ta đều rõ nó có lợi như thế nào.
Còn Thủ tướng New Zealand John Key khẳng định các thỏa thuận thương mại tự do sẽ vẫn được thúc đẩy bất chấp thái độ của người Mỹ như thế nào.
Những tuyên bố mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo thành viên TPP như gửi một thông điệp đến Donald Trump. Nói như lời John Key, kể cả Mỹ không tham gia TPP thì các nước khác vẫn làm được điều này.