Hội nghị giáo dục Điều dưỡng Châu Á lần thứ 4 tổ chức tại Việt Nam

GD&TĐ - Ngày 18/12, Hội nghị giáo dục Điều dưỡng Châu Á lần thứ 4 (viết tắt là ACiNE) do Liên minh Giáo dục Điều dưỡng Châu Á Thái Bình Dương phối hợp với Hội Điều dưỡng Việt Nam được tổ chức tại Việt Nam.

Hội nghị giáo dục Điều dưỡng Châu Á lần thứ 4 tổ chức tại Việt Nam

Thách thức trong lĩnh vực điều dưỡng

Hội nghị ACiNE được tổ chức 2 năm 1 lần do Liên minh giáo dục Điều dưỡng khu vực châu Á - Thái Bình Dương (viết tắt là APANE) phối hợp với các tổ chức điều dưỡng của các nước trong khu vực thực hiện.

Hội nghị có sự tham gia và chia sẻ kinh nghiệm của đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, Hội đồng Điều dưỡng Quốc tế, Liên minh Giáo dục Điều dưỡng Châu Á, Hội Điều dưỡng Đài Loan (Trung Quốc), Hội Điều dưỡng Việt Nam, các chuyên gia Điều dưỡng từ Mỹ, Canada, Đài Loan, Úc, Philipine, Nhật Bản, Thổ Nhỹ Kỳ.

Năm nay, hội nghị kéo dài trong hai ngày (17&18/12) với chủ đề “Đổi mới trong Giáo dục, Thực hành và Lãnh đạo Điều dưỡng”. Qua đó, hội nghị tập trung chủ yếu vào sự phát triển và thách thức trong lĩnh vực điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe, bao gồm các phiên thảo luận với những bài phát biểu từ 60 chuyên gia là các nhà khoa học nổi tiếng toàn cầu, diễn thuyết bởi các nhà nghiên cứu và cả sinh viên đến từ khắp nơi trên thế giới.

Hội nghị được Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (HIU) và Hội Điều dưỡng Việt Nam đăng cai tổ chức trong 2 ngày dưới hình thức online tại hai đầu cầu Hà Nội và TPHCM cùng hơn 600 điểm cầu khác ở các quốc gia. 

Hội nghị lần thứ nhất đã được tổ chức tại Thái Lan (2014), năm thứ 2 tại Đài Loan (2016), lần thứ 3 tại Indonesia (2018) và lần thứ 4 tại Việt Nam (2020). Do tình hình dịch Covid-19 kéo dài, ban tổ chức đã thống nhất Hội nghị lần thứ 4 dời đến 17-18/12/2021 dưới hình thức trực tuyến.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Giáo sư - Bác sĩ Lian-Hua Huang- Phó Chủ Tịch Hiệp hội Điều dưỡng Quốc tế, Kiểm soát viên Hiệp hội Điều dưỡng Đài Loan (Trung Quốc) cho biết: “Sau 7 năm kể từ lần đầu tiên được tổ chức tại Thái Lan, Hội nghị ACiNE đã có sự khác biệt và thay đổi trong lĩnh vực giáo dục, thực hành và lãnh đạo điều dưỡng trong khu vực và trên toàn cầu".

Nguồn nhân lực hết sức quan trọng

Tại đầu cầu Hà Nội, TS.BS Phạm Văn Tác – Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục khoa học công nghệ và đào tạo Bộ Y tế Việt Nam chia sẻ: Điều dưỡng là nguồn nhân lực đóng vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân. Chính phủ, Bộ Y tế cũng có nhiều đổi mới trong giáo dục điều dưỡng.

"Chúng ta sẽ tăng cường thực hành điều dưỡng tốt hơn, hướng mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm, tạo mọi điều kiện để người điều dưỡng phát huy hết vai trò của bản thân mình. Việt Nam đã ký kết với Asean việc thừa nhận lẫn nhau trong hành nghề điều dưỡng từ năm 2016 và chúng tôi cam kết sẽ thực hiện những vấn đề này trong thời gian tới”, TS Tác nói.

TS Phạm Văn Tác cho rằng để công tác Điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe người dân tốt thì các quốc gia cần đặc biệt chú trọng tới xây dựng các cơ chế phối hợp hiệu quả, bền vững để thúc đẩy phát triển ngành điều dưỡng toàn cầu. Đặc biệt, cần có cơ chế để tăng cường sự phối hợp với các bác sĩ, cán bộ y tế khác để hoàn thành sứ mệnh chăm sóc sức khỏe người dân.

GS.TS.BS Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng phát biểu tại hội nghị.
GS.TS.BS Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng phát biểu tại hội nghị.

Tại đầu cầu TPHCM, GS.TS.BS Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng chia sẻ hiện nay nguồn nhân lực của ngành Điều dưỡng ngày càng thiếu hụt, đặc biệt là sau thời gian dịch bệnh Covid-19 vừa qua.

Trước thực tại đó, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng tiếp tục đẩy mạnh đào tạo về các khối ngành sức khỏe trong đó có Khoa Điều dưỡng, giúp cung ứng nguồn nhân lực điều dưỡng cho nền y tế nước nhà và các nước trong khu vực, vươn tới năng lực điều dưỡng ở các nước tiên tiến. 

"Sự kiện này minh chứng cho chất lượng đào tạo và uy tín của Khoa Điều dưỡng HIU nói riêng và Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng nói chung trong các đơn vị thuộc khối ngành đào tạo sức khỏe tại Việt Nam và trong khu vực.

Là một trong những ngành học thuộc khối Khoa học sức khoẻ, Khoa Điều dưỡng HIU với chương trình đào tạo mang tính ứng dụng cao kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, chú trọng phát triển kỹ năng nghề nghiệp, năng lực sử dụng ngoại ngữ, giúp sinh viên dễ dàng hoà nhập với môi trường làm việc thực tế và tự tin hội nhập quốc tế sau khi ra trường.

Đặc biệt, với mạng lưới quan hệ chặt chẽ giữa HIU và các đối tác là bệnh viện lớn, uy tín trong nước như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, Bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc… đảm bảo sinh viên được thực tập và làm việc tại các bệnh viện ngay từ những năm đầu đại học, cũng như được giảng dạy trực tiếp bởi các y, bác sĩ giỏi trong suốt quá trình học tập", GS.TS.BS Phạm Văn Lình nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.