Từ 10 ngày trước hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên - Mỹ, những tấm băng rôn “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình” đã được treo ở nhiều nơi. Những hoạt động chuẩn bị cho hội nghị diễn ra nhộn nhịp với sự quan tâm đặc biệt của người dân và báo chí quốc tế.
Gần 3.000 nhà báo nước ngoài đã đăng ký đến đưa tin về hội nghị. Và đến đây, họ sẽ không chỉ chứng kiến một sự kiện lịch sử của thế giới, chứng kiến những khoảnh khắc có thể là bước ngoặt trong quan hệ Mỹ - Triều Tiên, mà có dịp để hiểu về một đất nước chủ nhà phát triển, hội nhập, đáng tin cậy và đầy nỗ lực.
Việc Việt Nam trở thành chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên được các nước trong khu vực và trên thế giới đều đồng thuận. Khó có thể có một sự lựa chọn hoàn hảo hơn, bởi chính Việt Nam là một câu chuyện sống động trong quan hệ với cả Triều Tiên và Mỹ, một câu chuyện đã được thử thách qua thời gian, qua lịch sử và bởi chính câu chuyện tự lực, tự cường với chính sách ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam.
Việt Nam và Triều Tiên thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 1/1950, từ đó hai bên đã trao đổi hơn 50 đoàn cấp cao từ bộ trưởng trở lên, trong đó có chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Bình Nhưỡng năm 1957 và nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành đã hai lần thăm Việt Nam, thăm chính thức vào năm 1958, không chính thức năm 1964.
Kể từ đó, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống với Triều Tiên, sẵn sàng thúc đẩy giao lưu hợp tác với Triều Tiên trên nhiều mặt. Những dấu ấn trong quan hệ hai nước vẫn hiện rõ ở Hà Nội, từ Trường Mẫu giáo Việt - Triều đến hàng trăm cựu sinh viên Việt Nam từng theo học tại Triều Tiên.
Nhiều thập kỷ sau, cháu trai ông Kim Nhật Thành, nhà lãnh đạo Kim Jong -un, trong một bối cảnh quốc tế có những thay đổi to lớn, sẽ thăm chính thức Việt Nam, mở ra triển vọng mới trong quan hệ hai nước và dự hội nghị thượng đỉnh với Mỹ, một hội nghị có ý nghĩa quan trọng không thể phủ nhận với hòa bình khu vực và trên thế giới.
Với Mỹ, Việt Nam đã cùng trải qua những biến đổi sâu sắc trong quan hệ. 20 năm sau khi chiến tranh kết thúc, hai nước bình thường hóa quan hệ và có những bước tiến vượt bậc. Quá trình bình thường hóa đầy khó khăn gập ghềnh, cuối cùng đã đem lại thành tựu tích cực trong mọi lĩnh vực, từ việc Mỹ trở thành nhà đầu tư, bạn hàng hàng đầu của Việt Nam, cho đến việc hai bên là đối tác tốt trong lĩnh vực an ninh quốc phòng. Tất cả các tổng thống Mỹ từ khi bình thường hóa đến nay, Bill Clinton, George W. Bush, Barack Obama và tổng thống đương nhiệm Donald Trump đều đã thăm chính thức Việt Nam - đó là những dấu mốc đậm nét trong những trang sử mới giữa hai nước.
Điểm lại những bước ngoặt với hai đối tác đó để thấy rằng, Việt Nam tạo dựng được lòng tin với hai nước, với thế giới không phải chỉ ngày một ngày hai, mà bằng nhiều thập kỷ đầy thử thách gian nan để có được những thay đổi. Việt Nam hiểu hơn ai hết giá trị của hòa giải, hòa bình, của việc trở thành một người kiến tạo hòa bình.
Thời gian qua, Việt Nam đã hoàn thành tốt trọng trách ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008 - 2009 và đang ứng cử cho nhiệm kỳ 2020 - 2021, sẽ trở thành Chủ tịch ASEAN năm tới, tham gia trong nhiều tổ chức quốc tế và khu vực, nhiều kinh nghiệm hòa giải quốc tế, cho thấy Việt Nam là thành viên chủ động, xây dựng và có trách nhiệm của cộng đồng thế giới, luôn góp phần duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, ổn định, hợp tác và phát triển. Một nền kinh tế tăng trưởng ổn định, mở cửa, nơi người dân đầy tinh thần doanh nghiệp, đang đem lại lợi ích cho người dân Việt Nam cũng như cho các đối tác đang làm ăn với Việt Nam.
Và dấu ấn tiếp theo, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ một lần nữa ghi tên Việt Nam trên bản đồ thế giới, để Hà Nội thực sự là thành phố của hòa bình, Việt Nam thực sự là đất nước của lòng tin.