Hội nghị ban chấp hành hiệp hội an sinh xã hội Asean lần thứ 35 (ASSA35)

GD&TĐ - Ngày 18/9, lễ khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN lần thứ 35 đã được tổ chức tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa với sự tham gia của 20 tổ chức thành viên đến từ 10 quốc gia Đông Nam Á. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị lần này, BHXH Việt Nam sẽ chính thức nhận chức Chủ tịch Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN nhiệm kỳ 2018-2019.

Sau hai thập kỷ hình thành và phát triển, ASSA đã trở thành một diễn đàn hợp tác đa phương về ASXH hàng đầu khu vực, có vị thế và tầm ảnh hưởng ngày càng lớn trong khu vực và trên thế giới. Trong xu thế hội nhập và hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng, ASSA đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong việc đảm bảo ASXH cho người dân trong khu vực và đóng góp tích cực vào thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN thịnh vượng, tiến bộ, văn minh và phát triển.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Phó Chủ tịch đương nhiệm ASSA cho biết: “Hệ thống an sinh xã hội ASEAN đang bước sang một giai đoạn phát triển mới với những cơ hội và thách thức do tác động lan tỏa từ Cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình tự do dịch chuyển lao động trong khu vực, đòi hỏi ASSA cần có cách tiếp cận sáng tạo, tầm nhìn dài hạn nhằm phát huy thế mạnh về kinh nghiệm và công nghệ của các tổ chức thành viên; đồng thời liên kết hiệu quả tạo nên sự cộng hưởng sức mạnh của cả Hiệp hội vì sự nghiệp an sinh xã hội bền vững cho mọi người dân trong Cộng đồng ASEAN".

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời chúc mừng đến Ban Chấp hành và toàn thể các tổ chức thành viên nhân dịp kỷ niệm tròn 20 năm thành lập ASSA.

Bà Nguyễn Thị Minh, TGĐ BHXH Việt Nam phát biểu khai mạc
 Bà Nguyễn Thị Minh, TGĐ BHXH Việt Nam phát biểu khai mạc 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định: CMCN 4.0 với trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật… sẽ mở ra một thời đại mới trong tiến trình phát triển của nhân loại- thời đại số được dự báo tác động mạnh mẽ lên mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia. Đây chính là cơ hội lịch sử, song cũng đầy thách thức đối với công cuộc cải cách, phát triển đất nước và các tổ chức ASXH. Vì vậy, cần có các giải pháp để các quốc gia khác nhau đều có cơ hội để vươn lên, không xa rời mục tiêu con người là trung tâm của quá trình phát triển.

Nhận thức sâu sắc điều này, Chính phủ Việt Nam đang quyết tâm cao độ triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, phát triển hạ tầng thông tin, có đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia trong thời đại số, với trung tâm là con người, “không để ai bị bỏ lại phái sau”.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định, Việt Nam đang đồng hành với hệ thống ASXH thế giới, hướng đến một hệ thống ASXH đa tầng, bền vững, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Trong tiến trình này, Việt Nam mong muốn có sự chia sẻ kinh nghiệm cả về lý luận và thực tiễn của Hiệp hội ASXH Thế giới nói chung và Hiệp hội ASXH ASEAN nói riêng, nhằm tạo môi trường phát triển bền vững “BHXH cho mọi NLĐ và BHYT cho toàn dân”.

Ngay sau phiên khai mạc, các phiên hội thảo quốc tế trong chương trình Hội nghị được triển khai, bám sát chủ đề lớn “Cơ hội và thách thức của hệ thống an sinh xã hội khu vực ASEAN trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và tự do dịch chuyển lao động".

Chương trình Hội thảo với 8 bài thuyết trình và 2 phiên thảo luận chuyên đề của các chuyên gia, diễn giả có uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực an sinh xã hội đến từ ISSA, ILO, New Zealand, Hàn Quốc, Malaysia,…

Các đại biểu và các diễn giả tập trung thảo luận, trao đổi, chia sẻ về cơ hội và thách thức đối với hệ thống an sinh xã hội trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và tự do dịch chuyển lao động; trao đổi, thảo luận về xu thế phát triển của an sinh xã hội thế giới, tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 và tự do dịch chuyển lao động đến tái cơ cấu kinh tế, lao động, việc làm của mỗi quốc gia; những yêu cầu đặt ra đối với hệ thống an sinh xã hội trong thời gian tới.

Đồng thời, đưa ra các ý kiến, các giải pháp giúp Chính phủ các quốc gia, các nhà hoạch định chính sách và toàn bộ hệ thống an sinh xã hội của các quốc gia trong khu vực tiếp tục hoàn thiện chính sách, đảm bảo cho người lao động, nhất là lao động di dân và các thành viên gia đình họ được hưởng đầy đủ các quyền lợi, chế độ, để dễ dàng thích ứng với yêu cầu chuyển đổi của nền kinh tế, lao động và việc làm dưới tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Kết thúc hội thảo, ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam tổng kết: Các thông tin của diễn giả cung cấp và ý kiến thảo luận của các vị đại biểu tại Hội thảo sẽ tạo cơ sở cho Chính phủ các nước, cũng như các nhà hoạch định chính sách và toàn bộ hệ thống an sinh xã hội của các quốc gia trong khu vực tiếp tục hoàn thiện chính sách cho người lao động, đảm bảo lợi ích thiết thực của người dân về an sinh xã hội, theo tinh thần Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN 2025 hướng tới “Cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.