Tại cuộc Tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận nhiều nội dung liên quan đến việc xây dựng học vấn số phổ thông (digital literacy) trong ASEAN; mối liên hệ giữa tri thức số với các mặt của đời sống, kinh tế - xã hội; tiềm năng hợp tác công - tư giữa các quốc gia ASEAN nhằm tăng cường tri thức số; vấn đề phát triển chỉ số DQ (Digital Quotient) cho trẻ em - một chỉ số quan trọng trong kỷ nguyên thông tin.
Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định vai trò quan trọng của tri thức số ở mỗi quốc gia trong việc tiếp cận, tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng như mục tiêu cần xây dựng hệ sinh thái học tập thông qua sự hợp tác giữa khu vực công - tư, giữa công dân và nhà trường. Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh đến việc trang bị năng lực số cho trẻ em để chuẩn bị sẵn sàng hành trang cho tương lai của các em trong thời đại mới.
Triển khai xây dựng tri thức số, Việt Nam đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, điển hình như đưa môn tin học vào dạy chính khóa từ lớp 3 đến lớp 12 trong chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó học vấn số hóa phổ thông (digital literacy) là một trong 3 mạch nội dung chính của chương trình môn tin học phổ thông (cùng với Ứng dụng CNTT - ICT applications và Khoa học máy tính - Computer Science); tin học cơ bản là một môn học bắt buộc đối với tất cả các sinh viên; đạt chuẩn kỹ năng cơ bản là yêu cầu bắt buộc đối với cán bộ, công chức, viên chức bao gồm cả giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.
Bộ trưởng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho học sinh, sinh viên trong thời đại tương lai kỹ thuật số như: Đề án về “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”; Chỉ thị về Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (còn gọi là cách mạng công nghiệp 4.0). Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục là một trong 9 nhiệm vụ chủ yếu đang được ngành Giáo dục tích cực triển khai.
CNTT đã giúp cải tiến phương pháp dạy và học, hạn chế việc thụ động chỉ ghi và chép bài ở học sinh. Việc áp dụng công nghệ, khoa học máy tính, STEM trong giáo dục cũng góp phần cung cấp cho thị trường lao động một lực lượng lao động ngày càng linh hoạt, đa dạng, sáng tạo với những kỹ năng cần thiết cho lao động trong thời đại 4.0, đồng thời làm tăng cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên sau khi ra trường.