Theo đó, 15 thành viên Hội đồng Bảo an sẽ bắt đầu phiên họp kín vào ngày mai (31/3) với một cuộc họp báo của đặc phái viên LHQ về Myanmar Christine Schraner Burgener.
Hiện chưa rõ liệu Hội đồng Bảo an có thể nhất trí về một tuyên bố vào cuối cuộc họp hay không khi điều này cần phải được sự đồng thuận của tất cả các thành viên, bao gồm Nga và Trung Quốc.
Ngày 10/3, Hội đồng Bảo an lần đầu tiên ra tuyên bố lên án mạnh mẽ việc lực lượng an ninh Myanmar “sử dụng bạo lực chống lại người biểu tình ôn hòa”, trong đó có phụ nữ và trẻ em.
Tuyên bố trên được Anh đứng đầu nhưng Hội đồng Bảo an chưa nhất trí cho đây là một sự “đảo chính” hay khả năng bị trừng phạt quốc tế nếu quân đội Myanmar tiếp tục tấn công người biểu tình. Điều này chủ yếu là do sự phản đối từ Trung Quốc và Nga.
Vào ngày 4/2, Hội đồng Bảo an lên tiếng “quan ngại sâu sắc” về chính biến ở Myanmar và kêu gọi “trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ”, bao gồm cả cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi.
Ít nhất 107 người, trong đó có 7 trẻ em, đã thiệt mạng hôm 27/3 – LHQ cho biết.
Pháp đã lên án bạo lực "mù quáng và chết chóc" ở Myanmar, trong khi đó Mỹ cho biết dừng mọi giao dịch thương mại với quốc gia này cho tới khi chính quyền dân chủ được bầu trở lại.