Không bắt buộc đổi chứng minh thư, thẻ căn cước khi sắp xếp đơn vị hành chính

GD&TĐ - Chiều nay (12/3), tại phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021 với tỷ lệ 100% ủy viên biểu quyết tán thành.

Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp

Dự thảo Nghị quyết quy định có 2 trường hợp thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Đó là các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải sắp xếp khi có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; và Khuyến khích việc sắp xếp các đơn vị hành chính còn lại để giảm số lượng đơn vị hành chính.

Bên cạnh đó, các trường hợp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tuy có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định nhưng nếu có một trong các yếu tố đặc thù như có vị trí địa lý biệt lập với các đơn vị hành chính khác; được hình thành và ổn định từ năm 1945 đến nay;

Có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán chưa thuận lợi cho việc sắp xếp (nếu thực hiện sắp xếp sẽ tạo bất ổn về quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự xã hội, kìm hãm sự phát triển kinh tê-xã hội…) thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định việc chưa thực hiện sắp xếp.

Đáng chú ý, dự thảo Nghị quyết đã quy định các nội dung về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; về số lượng lãnh đạo, quản lý; số lượng công chức, viên chức của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; các chế độ, chính sách thực hiện đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư; chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết còn quy định việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo nghị quyết, kết luận của Đảng, quy định của Nhà nước và phù hợp với thực tế.

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh băn khoăn, trường hợp cá nhân, tổ chức chưa chuyển đổi giấy tờ mà cơ quan có thẩm quyền trước đây, theo đơn vị hành chính cũ nếu chưa hết hạn theo quy định vẫn được sử dụng theo đơn vị hành chính mới.

“Các loại giấy tờ theo cá nhân có nhiều loại, không phải là những giấy tờ ngắn ngày. Ví dụ như giấy khai sinh sẽ gắn với người ta suốt đời, hay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là gắn ít nhất 50 năm. Về mặt chủ trương chúng ta có khuyến khích người dân thay đổi giấy tờ nhanh chóng theo các đơn vị hành chính mới hay không để thuận tiện cho công dân và quản lý nhà nước?”-Đại biểu Nguyễn Thúy Anh đặt câu hỏi.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Định – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh, về giấy tờ, Chính phủ đã liệt kê hết, chỉ có một số giấy tờ phải thay đổi đó là đối với hộ khẩu theo Thông tư 81 của Bộ Công An thì thay đổi địa chỉ ở thì đổi hộ khẩu.

Về chứng minh thư, thẻ căn cước thì không bắt buộc, chỉ khi nào công dân có nguyện vọng thì thay đổi và không mất phí. Về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải đổi.

“Đối với doanh nghiệp cập nhật bổ sung thông tin trong giấy chứng nhận kinh doanh, hồ sơ doanh nghiệp nếu thay đổi địa chỉ thì phải thay còn không thì thôi cũng không thu phí.”- ông Nguyễn Khắc Định nói.

Để tránh những trường hợp “tranh thủ” bầu, bổ nhiệm cán bộ, tuyển dụng công chức, viên chức tại những đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đang chuẩn bị sắp xếp, gây khó khăn thêm cho việc sắp xếp số lượng lãnh đạo, quản lý và biên chế công chức, viên chức ở các đơn vị hành chính mới sau này; dự thảo Nghị quyết quy định tạm dừng việc bầu, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý và tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành cho đến khi có nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính cụ thể, trừ trường hợp khuyết người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị mà không bố trí được người phụ trách theo quy định của pháp luật thì được bầu, bổ nhiệm chức danh đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ