Thu tiền vô tội vạ
Theo phản ánh của nhiều học viên tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá, ngay từ những buổi đầu vào lớp, họ được một người phụ nữ đến lớp phổ biến việc thu tiền gửi xe với mức 4.000đ/xe máy và 12.000đ/ôtô/ngày Học viên sẽ phải đóng thành 2 lần trong khoá học.
Đáng nói, sau khi đóng tiền, học viên không được cấp hoá đơn hay bất cứ giấy tờ gì chứng minh việc mình đã đóng khoản này. Không những vậy, những học viên gửi xe theo ngày cũng không được cấp vé xe như quy định.
“Không cần biết tháng đó học viên có đi xe liên tục hay không, họ cứ lấy danh sách đi loại xe gì sau đó "đè" cổ học viên ra thu tiền. Việc thu theo ngày nhưng không hề có vé xe, chúng tôi không biết nếu xảy ra tình trạng mất cắp thì sẽ như thế nào”, một học viên bức xúc cho biết.
Xe ô tô của học viên được để lộn xộn khắp nơi trong trường. |
“Có hôm, xe đông quá không đủ chỗ, chúng tôi đóng tiền vẫn phải để xe phía ngoài cổng trường. Chúng tôi có yêu cầu phải có hoá đơn để về thanh toán với cơ quan nhưng họ không cung cấp”, một học viên khác cho hay.
Những học viên này cũng cho rằng, mức thu đưa ra cũng cao so với mặt bằng chung trong khi nơi để xe chỉ là những khoảng trống trong sân trường không có cơ sở vật chất như mái che hay khu nhà xe quy mô.
Ghi nhận tại đây, xe được học viên để tràn lan, lộn xộn khắp nơi, kéo dài từ ký túc xá sang đến nhà ăn và trước, sau giảng đường, có thời điểm xe tràn ra cả ngoài cổng trường.
Được biết, tình trạng thu tiền vô tội vạ tại trường này kéo dài nhiều năm nay.
Theo tìm hiểu, tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá liên tục duy trì cả nghìn học viên từ các hệ cao cấp, trung cấp, các lớp học bồi dưỡng… Các lớp học diễn ra liên tục từ thứ 2 đến chủ nhật.
Dù thu tiền gửi xe nhưng học viên không được nhận vé xe hay hoá đơn. |
Đặc biệt, vào các năm 2017-2018-2019, do nhiệm vụ đào tạo của tỉnh khiến số lượng học viên tăng đột biến. Có thời điểm phải học cả ngày lẫn đêm, số học viên tăng cả về số lượng và quy mô lớp học lên đến gần 2.000 học viên.
Cho đơn vị khác vào thầu và thu về 8 triệu đồng/tháng
Trao đổi với PV báo GD&TĐ, ông Lương Trọng Thành, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá cho biết, cơ quan đơn vị nào, nhất là các đơn vị sự nghiệp đều phải thu phí gửi xe để chi trả cho bộ máy như bảo vệ, an ninh, vệ sinh môi trường.
“Học viên trong trường đông nên phải có người sắp xếp. Những người được nhà trường hợp đồng thì đương nhiên phải trả lương. Tuy nhiên, mức thu bao nhiêu thì do Phòng hành chính thống nhất đề xuất phù hợp và phải rẻ hơn mặt bằng chung”, ông Thành thông tin.
Tuy nhiên, trái với thông tin ông Thành cung cấp, ông Khương Phú Tùng, Trưởng Phòng Tổ chức - hành chính của nhà trường thì khẳng định, nhà trường cho một hộ thuê khoán trông giữ xe và họ sẽ trả cho trường 8 triệu đồng/tháng.
Ông Tùng cũng cho biết, định mức thu là do nhà trường quy định, cụ thể xe đạp 2.000 đồng/buổi, xe ô tô 5.000 đồng/buổi.
Nguồn thu từ việc trông giữ xe không hề nhỏ. |
“Học viên phải trả 4.000 đồng xe máy như phản ánh là do học đi 2 buổi, xe ô tô 2 buổi cũng chỉ 10.000 đồng chứ không phải 12.000 đồng”, ông Tùng nói.
Tuy nhiên, khi đề nghị được cung cấp văn bản hướng dẫn thu khoản này thì Trưởng Phòng Tổ chức - hành chính không cung cấp được mà chỉ cung cấp bản hợp đồng thuê khoán với hộ bà Lê Thị Hạnh từ năm 2019. Hợp đồng cho phép bà Hạnh trông giữ xe đạp, xe máy, xe ô tô trong khuôn viên nhà trường và khu vực hai nhà xe. Bà Hạnh có nhiệm vụ trả cho Trường Chính trị 8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, hợp đồng ký 1 năm và đã hết hiệu lực từ cuối năm 2019.
“8 triệu này chúng tôi dùng chi trả lương cho bảo vệ và chính bà Hạnh”, ông Tùng cho biết thêm.
Không có vé xe, không có hoá đơn thu tiền xe nên số tiền thu về từ việc trông giữ xe cả Hiệu trưởng và Trưởng Phòng Tổ chức – hành chính không nắm được.
Được biết, người đứng tên hợp đồng thuê khoán từ năm 2019 và hiện vẫn đang thu tiền trông giữ xe tại trường có quan hệ họ hàng với Hiệu trưởng Lương Trọng Thành.
Theo tính toán, mỗi ngày có hàng trăm ô tô, xe máy được gửi tại trường, mỗi tháng, mỗi năm thu về với số tiền không hề nhỏ.
Theo Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ của Bộ Tài chính quy định, vé gửi xe phải có các thông tin như mã số thuế bên cung cấp sản phẩm, số quyết định in vé, số thứ tự của vé, giá trông giữ xe… để tính doanh thu, tính thuế.
Từ việc thiếu minh bạch như trên, doanh thu từ tiền gửi xe bao nhiêu, có trốn thuế hay không sẽ là một câu hỏi cần đặt ra?