Học và làm việc không ngừng

GD&TĐ - Nhà thơ Việt kiều Nguyễn Tiến Lộc vừa trở về Việt Nam theo lời mời của Hội Nhà văn Việt Nam để dự sự kiện “Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc” năm 2017 từ ngày 20-25/10/2017 tại Hà Nội.

Học và làm việc không ngừng

Ông cho rằng, Việt Nam đang phát triển nhưng chưa bền vững. Muốn phát triển bền vững và sánh ngang các cường quốc phương Tây, chúng ta cần tích cực học để nâng cấp chính mình và thay đổi văn hóa làm việc.

Nhà thơ Nguyễn Tiến Lộc lấy ví dụ việc xây nhà, xây đường, lát vỉa hè ở Hà Nội. Chỉ hoàn thành xong một thời gian ngắn, thậm chí chỉ trong một năm, là công trình đã xuống cấp, nứt, vỡ, xô lệch.

Nhất là vỉa hè, thời gian qua Hà Nội lát đá vỉa hè với phiến đá lớn, trông đẹp hơn, nhưng lại dễ vỡ, lún khi để xe ô tô lao lên vỉa hè, rất lãng phí. Trong khi đó các nước như Canada chẳng hạn, thời tiết rất khắc nghiệt, mùa đông lạnh tới âm 40oC, mùa hè nóng tới 40oC, chênh nhau tới 80 độ như vậy, nhưng các công trình xây dựng của họ đều có độ bền từ 50 năm tới 100 năm.

Trong khi đó ở ta, nhiệt độ mùa hè có thể lên tới 40oC, nhưng mùa đông cũng chỉ lạnh tới 5oC là cùng, mức chênh lệch nhiệt độ chưa tới 40oC, vậy mà các công trình xây dựng rất chóng hỏng và xuống cấp. Chỉ có thể là do chất lượng xây dựng, tựu trung lại là chất lượng làm việc của chúng ta có vấn đề.

 Nhà thơ Việt kiều Nguyễn Tiến Lộc 

Ông Lộc cũng so sánh, rằng một người Canada có thể làm việc tay chân năng suất gấp hơn mười người Việt cộng lại. Lý do là bởi thói quen đủng đỉnh, lè phè của người Việt. Thói quen làm nên quán tính. Quán tính tạo nên đặc điểm văn hóa. Nếu chúng ta không thay đổi, thậm chí người Việt sẽ mất việc làm trên chính quê hương mình. Chúng ta phải thay đổi cách học, cách làm, thay đổi thói quen, thì mới thay đổi được nền kinh tế.

Nếu một người Canada có bằng Tiến sỹ, mà sau 2 năm anh ta không đi làm đúng chuyên môn mình được đào tạo, thì bằng của anh ta mất giá trị, bởi đương nhiên khi anh không làm việc đúng chuyên môn trong hai năm, anh sẽ không thể cập nhật kiến thức mới.

Nếu sau hai năm đó, anh muốn đi làm thì anh phải học lại chuyên môn. Trong khi đó, một người Việt đã có bằng Tiến sỹ, thì bằng này có giá trị cả đời, anh ta luôn có thể gắn mác Tiến sỹ ấy cùng với tên mình đến lúc chết. Kể cả khi anh ta chẳng thèm làm việc đúng chuyên môn. Chính sự khác nhau giữa quan điểm bằng cấp cũng góp phần quan trọng trong sự phát triển của quốc gia.

Nhà thơ Nguyễn Tiến Lộc định cư ở Canada bốn thập kỷ nay. Ông làm công tác quản lý tại một trường Cao đẳng ở Canada. Để có thể sống được ở đất nước này, ông cho rằng những Việt kiều như ông phải học tập và làm việc không ngừng.

Ông thuộc thế hệ thứ nhất những người Việt định cư ở Canada. Đó là thế hệ luôn phấn đấu học tập, làm việc cần cù để khẳng định mình. Thế hệ thứ hai tiến nhanh hơn, khẳng định khả năng của mình vững vàng hơn và có vị trí cao hơn trong xã hội Canada, nhưng tới thế hệ thứ ba thì văn hóa, cũng như ngôn ngữ bị mai một dần.

Khi nghỉ hưu, ông có thời gian để tập trung hơn cho việc làm thơ. Ông đã ra xuất bản nhiều tác phẩm, nhưng đáng chú ý là bài thơ lục bát “Chắc gì hoa nở đúng mùa”, với 4 câu thơ được nhiều người yêu thích:

“Thôi đành cởi gió cho mây

Cởi duyên xưa khỏi những ngày ước ao

Cởi tung cả cái yếm đào

Để trăm năm khỏi rơi vào hư vô”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ