Phân biệt giàu nghèo bằng mắt
Trẻ dễ nhận ra sự giàu – nghèo theo suy nghĩ của từng độ tuổi. Với trẻ ở mầm non, giàu, nghèo đơn giản chỉ là bạn có nhiều đồ hơn mình. Thậm chí là nhà bạn trồng nhiều cây hơn cũng được coi là giàu hơn.
Lớn lên, trẻ dần có sự nhận biết tinh tường hơn. Cuộc sống hiện đại, cha mẹ nào cũng muốn đầu tư cho con những thứ tốt nhất trong điều kiện có thể. Đó cũng chính là lý do khiến chỉ nhìn thoáng qua là biết gia đình bạn có kinh tế tốt hay không.
Nguyễn Hà Vy – học sinh lớp 9 Trường THCS Giảng Võ (HN) cho biết: “Ngoài những buổi học phải mặc đồng phục, chúng em được mặc trang phục tự chọn. Nhiều bạn nhà giàu có nhiều quần áo rất đẹp và đắt tiền. Kể cả cặp sách, đồ dùng cũng đều là loại tốt nhất. Có bạn từ bé đến lớn đi học toàn được dùng đồ xách tay ở nước ngoài về. Thậm chí cục tẩy cũng có sự khác biệt”.
Lớn hơn, học sinh cấp THPT còn dễ dàng nhận dạng giàu nghèo qua các thiết bị “tốn kém” hơn như điện thoại, phương tiện đi lại.
“Bình thường các bạn đi xe đạp đi học, nhưng có nhiều bạn được mua cho xe đạp điện. Nhà bạn nào có kinh tế khá giả còn sắm cho xe máy điện. Hầu hết những xe đó đều được chọn kiểu dáng mà chỉ nhìn thoáng qua là biết dòng đắt tiền. Trong khi nhiều bạn không được dùng hoặc không có điều kiện để mua điện thoại thì có bạn được sắm cho loại xịn, máy tính bảng… hàng chục triệu đồng” – Lê Quân, học sinh lớp 11 Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội) nói.
Khi đến trường, được ngồi cạnh nhau, trẻ thường có xu hướng nhận diện giàu nghèo dễ dàng. Tuy vậy, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc học trực tuyến đã không còn là lựa chọn. Theo báo cáo nhanh của Bộ GD&ĐT đến tháng 8, gần 34% trường học trên cả nước giảng dạy trực tuyến.
Học sinh không được đến trường cùng bạn bè, thầy cô. Sự phân biệt con nhà giàu, nhà nghèo đã phần nào giảm đi.
Bình đẳng trên màn hình
Cô giáo Nguyễn Thị Lan, giáo viên Trường Tiểu học Đại Yên (HN) cho rằng, điều các con quan tâm nhất là mở máy để được vào lớp đúng giờ, mạng thông suốt và dễ nghe nhất.
Theo cô Lan, nếu ở trên lớp học nào đó, trẻ có khoảng cách về bộ quần áo, đồ dùng học tập thì ở lớp online, các em không bận tâm về điều này. Trang phục có đẹp thì cô giáo và các bạn cũng chỉ nhìn được khuôn mặt. Lớp học trực tuyến cũng không có nhiều thời gian trống cho trẻ nhìn xem bạn mặc đẹp đến đâu. Thiết bị của bạn này có thể là máy tính loại xịn, bạn kia chỉ dùng tạm điện thoại... Nhưng cô và trò chỉ quan tâm xem con có vào được lớp không. Màn hình cũng không phân loại từng hãng máy.
Thậm chí, nếu đồ dùng của bạn nào đó có xịn hơn thì lớp cũng chỉ quan tâm, con đã tẩy được chỗ sai chưa, bút viết có ra mực rõ ràng không… Đó chính là điều thú vị ở lớp học trực tuyến.
“Con nhà giàu vẫn có thể gặp trục trặc do mạng. Con nhà giàu hay con nhà nghèo đều có thể vì ngủ dậy muộn mà vào lớp trễ. Có nghĩa là dù các em có xe bốn bánh chở đi học hay chỉ đi xe đạp cũng không còn quan trọng với lớp học này. Ngoài ra, nếu gia đình bạn nào chưa có điều kiện để bổ sung trang thiết bị cho con, Bộ GD&ĐT, các đơn vị giáo dục đều đang triển khai hỗ trợ qua chương trình “máy tính cho em”. Dường như, các em đã có một môi trường bình đẳng hơn khi học trực tuyến”, cô Lan chia sẻ.
Tuy vậy, cô Lan cũng nhận định, con nhà giàu, con nhà nghèo khi học online có thể không còn sự phân biệt ở những vật mà các em nhìn bằng mắt. Nhưng hiện nay, có rất nhiều em thiếu trang thiết bị để học.
“Đúng là không phải gia đình nào cũng có điều kiện để sắm máy tính, hay điện thoại thông minh, lắp đường truyền cho các con học. Chưa kể đến những gia đình có hai, ba con cùng học trùng thời gian với nhau thì càng chật vật hơn”, cô giáo Nguyễn Thị Lan bày tỏ.
Tuy vậy, với những thiếu thốn này, các em sẽ vẫn được quan tâm, hỗ trợ kịp thời. Chỉ có sự phân biệt giàu nghèo ở trong chính suy nghĩ, tư tưởng và so sánh của các em mới khó có ai giúp đỡ được. Vì vậy, đối với việc con nhà giàu, con nhà nghèo, lớp trực tuyến là quãng thời gian để các em không còn những khoảng cách đó. Và có lẽ, chưa bao giờ, các em lại cùng có một mong ước giản đơn giống nhau là “dịch mau qua đi và học sinh sớm được đến trường”.
Các cơ sở giáo dục, giáo viên có nhiều sáng tạo để khắc phục khó khăn như dạy học và hướng dẫn việc học qua hình thức tin nhắn học đường, qua nhóm trên các mạng xã hội (Zalo, Facebook…). Đồng thời dạy học và hướng dẫn qua tài liệu do giáo viên chuẩn bị và photo gửi đến gia đình học sinh… Kho học liệu của Bộ GD&ĐT đã được bổ sung bài giảng, học liệu số hóa chia sẻ dùng chung cho cả nước.
Hiện nay có gần 7 nghìn bài giảng trực tuyến, trong đó có 1.500 video bài giảng trên truyền hình có chất lượng. Có 14 kênh truyền hình của Trung ương và địa phương thường xuyên phát chương trình ôn tập và dạy học cho học sinh.
“Đó là sự đồng lòng, cùng khắc phục khó khăn để các em không bị gián đoạn việc học trong mùa dịch. Tới trường là ước mơ của bao nhiêu bạn đang học online. Nhưng được học trực tuyến cũng là ước mơ của bao nhiêu học sinh không có trang thiết bị. Dù vậy, đây sẽ là quãng thời gian mà các em không còn khoảng cách của giàu - nghèo, chỉ còn lại niềm mong mỏi được gặp nhau” – cô giáo Nguyễn Thị Lan nói.