Học trò vùng cao "hạ sơn" sau Tết

Học trò vùng cao "hạ sơn" sau Tết

(GD&TĐ) - Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Tỵ dài ngày, học sinh cả nước tiếp tục đến trường học tập. Tuy đến trường cùng thời gian như các bạn học sinh miền xuôi nhưng học sinh vùng cao lại làm một hành trình “khăn gói” xuống núi đầy vất vả để đến trường học chữ. Năm nào cũng vậy, cuộc “hạ sơn” của học trò vùng cao đến lớp sau Tết thấm nỗi nhọc nhằn theo mỗi bước chân…

Nghỉ Tết, học trò vùng cao về các bản để ăn Tết cùng gia đình. Có em nhà xa trường tới 20-30 cây số thì Tết đến mới được về sum họp với gia đình ở bản xa. Sau kỳ nghỉ Tết âm lịch dài ngày, các em để lại sau lưng mình niềm vui đón năm mới, những trò chơi dân gian và sự nô nức của ngày hội bản để xuống núi học chữ. Nghỉ Tết dài ngày, xuống núi đến trường quả là ngại và vất vả đối với các em. Chính vì vậy, những năm trước đây, tình trạng học sinh vùng cao đến trường một cách “thưa thớt” sau Tết ở hầu hết các địa phương vùng sâu, vùng cao diễn ra khá phổ biến. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Có em về nghỉ Tết được gia đình dựng vợ gả chồng cho và bỏ học luôn, có em nghỉ nhiều ngày nên khi đi học, trời rét, đường xa nên bỏ học, có nhiều em thì mải mê với ngày hội vui của bản đến tận rằm tháng giêng mới xuống núi. Chính vì vậy, những năm trước đây, tại các điểm trường vùng cao, sau khi đến trường, các thầy cô giáo phải “lặn lội” đến các bản để tìm học sinh. Phải mất đến chục ngày đầu sau Tết thì công việc học tập và sĩ số học sinh mới thực sự ổn định. 

Học trò vùng cao "hạ sơn" sau Tết ảnh 1
Bữa ăn của học trò vùng cao Si Ma Cai còn nhiều thiếu thốn.

Tại huyện vùng cao Sìn Hồ (Lai Châu), địa hình khó khăn, học sinh ở xa và sâu trong các bản nên trước đây, sau Tết, tiết trời giá buốt, học sinh đến trường trong những ngày đầu còn “lác đác”. Do vậy, tại các phân hiệu trường tiểu học và mầm non, giáo viên khá vất vả khi đi vận động và tìm học trò đến trường. 

Nhưng giờ thì khác rồi, nhờ công tác tuyên truyền, phổ biến nội quy trước Tết Nguyên đán nên sau Tết, học trò trên núi và các bản đến trường đều đặn hơn những năm trước đây. Song, để đến trường trọ học, các em học sinh người dân tộc thiểu số phải khá vất vả khi phải trải qua quãng đường khá dài và “khăn gói” để xuống núi. Tại xã Háng Đồng (Bắc Yên - Sơn La) gồm 6 bản làng heo hút là Háng BLa, Chống Tra, Háng Đồng A, Háng Đồng B, Háng Đồng C, Làng Sáng. Các bản xa này đều có các phân hiệu trường mầm non và tiểu học. Thời tiết ở Háng Đồng sau Tết lạnh giá khiến cho việc đến trường tập trung để tiếp tục công việc học tập của học sinh khá nhọc nhằn. Theo các thầy cô giáo phụ trách các điểm trường thì sau Tết, học sinh đến trường khá đều, điều này khác hẳn với trước đây, các thầy cô phụ trách điểm trường phải đến các bản báo học sinh đến trường. Cách trung tâm xã hơn 20 km đi bộ, tại các điểm trường này, tuy phải dựng lều trọ học nhưng sau kỳ nghỉ Tết Quý Tỵ dài ngày, các em đã mang theo gạo, rau và các vật dụng khác mà bố mẹ chuẩn bị cho để đến điểm trường. Công việc đầu tiên sau tết khi đến trường ở các điểm trường là thầy và trò cùng nhau sửa lại mái nhà, những chỗ lá bị tốc mái để các em yên tâm học chữ. 

Học trò vùng cao "hạ sơn" sau Tết ảnh 2
Tại các điểm trường sau Tết sĩ số học sinh thường không ổn định

Tại phân hiệu Trường tiểu học Tổng Kim (Vĩnh Yên - Bảo Yên - Lào Cai), thầy Lý Gìn Phù phụ trách điểm trường cho biết, học sinh tiểu học ở hai bản Tổng Kim và Lùng Ác do địa hình núi non hiểm trở, thời tiết lạnh giá nên sau tết các em đến điểm trường còn thưa thớt. Có năm, thầy cùng đồng nghiệp phải đến tận nhà để “huy động” học trò. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, các em nghỉ tết xong đến điểm trường đều hơn do phụ huynh đã chú ý hơn đến việc học của con em mình và nhắc nhở các cháu đến trường học. 

Tại Trường THCS Bản Lang (Phong Thổ - Lai Châu), trước ngày học hai ngày, 107 học sinh đã đến tập trung để chuẩn bị cho công việc học tập sau Tết. Theo thầy Hiệu trưởng Đồng Xuân Lợi thì nhờ có mô hình bán trú dân nuôi nên sau Tết, khi xuống núi, các em đã có chỗ ăn ở để chuẩn bị tâm thế cho công việc học tập nên đã hạn chế hẳn tình trạng học sinh bỏ học và chậm trễ đến trường sau tết. 

Em Hoàng Thị Mừng- dân tộc Tày ở bản Cán Chải trên núi cao (Tân Tiến - Bảo Yên - Lào Cai) cho biết em đi học cấp ba cách nhà gần 20 cây số, nhà có 5 anh em nên khó khăn lắm, em trọ học tại nhà bán trú của trường nhưng phải tự túc nấu ăn hằng ngày cùng nhóm bạn nên sau Tết nhiều cái còn thiếu thốn lắm. Mọi cái từ hạt gạo, hạt muối cho đến mới rau đều phải gồng theo khi đến trường. Tuy vậy, em vẫn quyết tâm xuống núi học chữ. 

Sau Tết, bếp ăn của các trường có chế độ bán trú dân nuôi lại ấm trở lại. Theo lãnh đạo các trường tại các xã nghèo như Tân Tiến, Sín Chéng (Lào Cai), Thu Cúc, Đồng Sơn (Phú Thọ), Tà Xi Láng, Pá Hu (Yên Bái), Háng Đồng (Sơn La) thì để các em yên tâm học tập sau Tết guyên đán, các nhà trường đã chuẩn bị chu đáo về lương thực cũng như cán bộ cấp dưỡng và chế độ ăn của học trò để nấu ăn những bữa ăn đầu sau Tết, tránh trường hợp để các em nhịn đói và ăn uống không ổn định. Có như vậy, sĩ số học sinh sau Tết ở những trường học vùng cao này trong những năm gần đây mới đi vào ổn định. 

Sau khi đã ổn định sĩ số học sinh, các trường học vùng cao cùng địa phương sau kỳ nghỉ Tết đã tổ chức nhiều hoạt động để thu hút học sinh như Tết trồng cây, các hoạt động văn hóa văn nghệ, các trò chơi dân gian…

Nghỉ Tết, đối với thầy cô giáo vùng cao quả là vất vả, đối với học trò thì hành trình “hạ sơn” để tiếp tục đến trường còn bao nỗi nhọc nhằn. Bởi sau Tết, các em lại gánh theo trên lưng mình không chỉ có sách vở bút mực mà còn nặng thêm cơm áo và sự tự lập khi phải xa sự chăm sóc của gia đình. Bàn chân nhỏ xuống núi, phía trước các em là ước mơ con chữ nở hoa. Thiết nghĩ, sự quan tâm hơn nữa của xã hội và sự chu đáo chăm lo cho học trò vùng cao sẽ giúp các em tự tin hơn mỗi khi đến trường. 

Nguyễn Thế Lượng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống Patriot tại Ba Lan.

Kiev ngạc nhiên vì quyết định của NATO

GD&TĐ - Tổng thống Ukraine Zelensky tỏ ra ngạc nhiên vì NATO đánh chặn tên lửa và UAV Iran tại Israel nhưng lại không làm điều tương tự với vũ khí Nga tại Kiev.
Thầy Thạch (thứ 4 từ phải qua, hàng giữa) chụp ảnh kỷ niệm ngày học sinh Trường chuyên Lam Sơn ra trường, năm 1988. Ảnh tư liệu

Ánh sáng khác thường

GD&TĐ - Dạo ấy, tôi và anh Thạch thuộc nhóm luyện thi đại học khối A. Anh em chung cảnh sống tập thể, nên thường cùng nhau đạp xe tới dạy luyện thi...
Rác vũ trụ là vấn đề không gian cấp bách hiện nay.

Chiến dịch dọn rác không gian

GD&TĐ - Giai đoạn đầu tiên trong Chiến lược bền vững không gian của NASA tập trung vào rác trên quỹ đạo quanh Trái đất.