Dù là học sinh người Kinh hay người dân tộc ít người, học sinh ở vùng thuận lợi hay vùng khó khăn, học sinh có được chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào lớp 1 hay chưa đều có thể học theo "Công nghệ giáo dục".
Học sinh học đâu biết đấy
Bản chất việc dạy học tiếng Việt - Công nghệ giáo dục là dạy khái niệm khoa học. Thông qua việc tự chiếm lĩnh tri thức của học sinh, phát triển năng lực tối ưu của từng cá nhân: Khả năng phân tích, tổng hợp, mô hình hóa. Học sinh học môn tiếng Việt - Công nghệ giáo dục là học cách làm việc trí óc, học cách học, học cách tự nhận xét- đánh giá quá trình và kết quả làm việc của mình
Điểm nổi bật của phương pháp này là tính vững chắc, học sinh học đâu biết đấy, học đâu chắc đấy. Sự vững chắc đạt được nhờ hai yếu tố: giải quyết dứt điểm (từng đơn vị học) và nhắc lại thường xuyên, nhắc lại khi có cơ hội.
Phương pháp này bao gồm 4 nội dung: Học vần, viết, đọc và viết chính tả. Học sinh sẽ được học kiến thức từ âm đến chữ, cách phân tích cấu trúc ngữ âm, xác định vị trí âm trong một tiếng gồm âm đầu, âm chính và âm cuối.
Còn theo TS Ngô Hiền Tuyên – Chuyên viên Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT), phương pháp dạy học tiếng Việt 1 theo “công nghệ giáo dục” giúp cho giáo viên nắm vững kỹ thuật dạy học theo hướng tích cực, tiến trình giờ dạy nhẹ nhàng, dễ thực hiện.
Mục đích cuối cùng là giúp học sinh đọc thông viết thạo, học đâu chắc đấy. Nắm chắc luật chính tả. Nắm chắc hệ thống cấu trúc ngữ âm tiếng Việt. Phát triển tư duy và biết cách làm việc trí óc. Phát huy năng lực tối ưu của từng cá nhân học sinh.
Chứng kiến giờ học Tiếng Việt của cô và trò Trường Tiểu học Công nghệ Giáo dục Hà Nội, chúng tôi cảm nhận rõ không khí hào hứng, sôi nổi và say mê học tập của các em học sinh. Việc dạy học theo phương pháp cô giao việc, trò làm việc đã tạo cho các em tư duy khoa học, làm việc khoa học và tính kỷ luật cao.
Học bằng cách nghe – hiểu – viết lại
Học sinh rất hứng thú với phương pháp mới này |
Đặc biệt, theo bà Trương Thị Cẩm Tú – Hiệu trưởng Trường tiểu học Công nghệ Giáo dục Hà Nội, với phương pháp này giáo viên không phải soạn bài nhiều nên có thời gian nghiên cứu thiết kế bài giảng sao cho sinh động, hấp dẫn và dễ hiểu, dễ tiếp thu nhất đối với các em.
Một điểm khác biệt nữa so với phương pháp dạy học truyền thống là giáo viên không phải cầm tay giúp học sinh tập viết mà các em tự tư duy bài giảng dưới hình thức nghe, hiểu và viết lại.
Chính vì vậy, theo TS Ngô Hiền Tuyên, để thực hiện tốt môn tiếng Việt lớp 1, giáo viên cần phải nghiên cứu kỹ mục đích, yêu cầu, nội dung và phương pháp dạy học của chương trình cũng như mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp dạy học phần âm của từng bài dạy.
Cái khó của chương trình mới đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức sâu, không dạy chữ trước mà dạy ngữ âm trước; ngoài ra, tâm lý của phụ huynh cũng rất hoang mang khi những tháng đầu kết quả học tập của con em chưa đạt như chương trình hiện hành.
Vai trò của phụ huynh
Vì vậy TS Tuyên khuyến cáo các bậc phụ huynh nên khuyến khích con tự học. Nên khen con thường xuyên, kiên nhẫn, biết đợi và biết lắng nghe những điều con nói.
Phụ huynh cũng nên kiểm soát việc học của con bằng cách đặt câu hỏi. Không nên dạy con học trước; chê con khi con chưa làm được.
Đặc biệt không nên nóng giận, áp đặt suy nghĩ của mình cho trẻ và tạo áp lực về điểm số, thành tích đối với các em.