Đối với phụ huynh thì muốn con học thêm để dành thời gian làm những việc khác; đối với học sinh thì muốn học thêm để giúp củng cố và nâng cao kiến thức đã học ở nhà trường. Còn đối với giáo viên thì việc tổ chức dạy thêm là để kiếm thêm thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống.
Chính vì vậy, tuy đã có chủ trương hạn chế dạy thêm như vẫn xuất hiện nhiều địa điểm dạy “chui”. Các địa điểm này thường xuyên bị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, nhắc nhở và xử lý vi phạm nhưng vẫn không thể kiểm soát được tình trạng dạy “chui” hiện nay.
Đa số học sinh khi được hỏi là có muốn học thêm hay không, thì các em điều trả lời là không. Bởi vì, học thêm nhiều sẽ làm các em mệt mỏi, không có thời gian để vui chơi, giải trí; không thể học tập, tìm hiểu những môn học bổ ích khác như thể thao, mỹ thuật, âm nhạc, kỹ năng sống…hoặc có thời gian để tìm đọc những cuốn truyện mà mình ưa thích, được đi chơi xa cùng với bạn bè vào những dịp cuối tuần.
Ngoài thời gian học, các em thường có rất ít thời gian để dành cho những việc khác dẫn đến tính khí thường hay thay đổi, không ổn định; các em có biểu hiện khó gần, ngại va chạm hoặc không thể tự giải quyết những mối quan hệ, mâu thuẫn phát sinh.
Đối với phụ huynh, ngoài việc cho con học thêm với mong muốn là con được nâng cao kiến thức, theo kịp chương trình học, không để các con có thời gian rảnh bị bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo vi phạm pháp luật hoặc ham chơi, lơ là việc học…thì vẫn có trường hợp phụ huynh cho con học thêm là vì ngại chỉ bài cho con.
Ví dụ, đối với chương trình giáo dục tiểu học hiện nay, đa số phụ huynh đều có thể tự nghiên cứu, tham khảo…và có thể dạy con học, tuy nhiên chính vì ngại chỉ bài cho con nên mặc dù các em mới học tiểu học thì đã có phụ huynh đăng ký cho con học thêm.
Bên cạnh đó, việc dạy thêm hiện nay vẫn có một số trường hợp là các em bị bắt ép phải học, tức là vẫn có tình trạng gợi ý, định hướng việc dạy thêm của nhà trường hoặc của giáo viên.
Nếu không đi học thêm thì không thể theo kịp bạn bè, những bài tập, kiến thức ở lớp sẽ không thể giải nếu không được hướng dẫn ở những buổi học thêm. Hoặc các em đi học là để chiều theo ý cha mẹ, muốn cha mẹ được vui chứ thực ra các em không hề muốn học thêm. Nếu học thêm không dựa trên tinh thần tự nguyện và sở thích của học sinh thì chất lượng sẽ không bao giờ đảm bảo.
Việc học thêm, xét về bản chất thì nó hoàn toàn tốt đẹp giúp học sinh củng cố, nâng cao kiến thức đã học nhưng cần phải dựa trên với tinh thần tự nguyện của học sinh. Giáo viên dạy thêm không nên đặt nặng vấn đề về thu nhập mà phải vì nguyện vọng của học sinh, vì sự nghiệp giáo dục, đừng thương mại hóa giáo dục thông qua hoạt động dạy thêm.
Mặt khác, phụ huynh cần thường xuyên kiểm tra bài vở của con mình, cùng nghiên cứu và học với con, thông qua đó, có thể tâm sự, hiểu rõ con mình nghĩ gì, thích gì…để có thể tìm ra biện pháp giáo dục con một cách tốt nhất.