Trong đó lưu ý, hoạt động dạy thêm, học thêm phải phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý của học sinh về thời lượng, thời gian và khối lượng kiến thức.
Không dạy thêm trước chương trình; không cắt giảm nội dung trong chương trình chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; nội dung dạy thêm không được quá sức tiếp thu của học sinh.
Không xếp thời khóa biểu học thêm vào buổi học chính khóa hoặc giờ học tự chọn; số giờ học thêm không vượt số giờ học chính khóa trong ngày; mỗi học sinh không học thêm quá 5 môn học.
Không được ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm; học sinh chỉ học thêm khi có nhu cầu, tự nguyện và được gia đình đồng ý.
Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp học thêm phải có học lực tương đương nhau. Giáo viên chủ nhiệm lớp căn cứ vào nguyện vọng học thêm của học sinh theo từng môn học và kết quả xếp loại học lực cuối năm hoặc cuối học kỳ của học sinh để xếp thành các nhóm báo cáo Hiệu trưởng nhà trường để bố trí, sắp xếp các lớp học thêm đảm bảo đúng qui định hiện hành.
Tuân thủ mức trần trong thu phí, tỉ lệ chi cho hoạt động dạy thêm, học thêm trong trường: 70% chi trả thù lao giáo viên trực tiếp giảng dạy; 15% chi công tác quản lý dạy thêm, học thêm của nhà trường; 15% hỗ trợ chi tiền điện, nước, vệ sinh và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm.
Nhà trường tổ chức thu, chi và công khai thanh, quyết toán tiền học thêm thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường; giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu, chi tiền học thêm.
Mức chi và tỷ lệ phân bổ chi phải được thông qua Hội đồng giáo dục trường và được quy định cụ thể trong quy chế chi tiêu nội bộ hàng năm của đơn vị.