Học thầy tính cẩn thận trật tự ngăn nắp

GD&TĐ - Thầy giáo dạy tôi lớp dự bị (cours prépara toire) năm học 1939 - 1940 tại Trường Tiểu học phủ Duy Xuyên là thầy Bùi Nghĩa. 

Học thầy tính cẩn thận trật tự ngăn nắp

75 năm đã trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ như in hình ảnh thầy lúc bước vào lớp trong bộ áo dài the đen và chiếc quần dài trắng được là rất phẳng và đôi giày hạ trắng rất sạch.

Thầy nhẹ nhàng bước lên bục, đến bên bàn giáo viên giữa tiếng hô vang của cả lớp: “Chúng con kính chào thầy ạ!”. Thầy ngả mũ: “Thầy chào các con”. Rồi thầy đặt mũ ở góc phải của bàn: “Các con ngồi xuống”.

Khi chúng tôi đã ngồi xuống, thầy ngắm cái mũ xem đã ngay ngắn chưa, sửa lại cho ngay ngắn hơn rồi mới ngồi xuống chiếc ghế dựa và giở sổ ra. Thầy điểm danh theo tổ. 44 đứa chúng tôi thường mỗi ngày có mặt đầy đủ, có buổi thiếu vắng vài ba người. 

Thầy ghi hai con số lên bảng đen góc trái dòng trên là 44, dòng dưới là số vắng mặt: 1 hoặc 2 hoặc 3 tùy từng hôm. Con số thầy viết chân phương rõ ràng, cẩn thận và rất đẹp. Thế là chúng tôi đứa nào cũng biết được hôm ấy có mấy bạn nghỉ học. 

Rồi thầy nắn nót viết lên bảng thứ, ngày của buổi học, cùng một câu châm ngôn. Chữ thầy viết rất chân phương, nắn nót, rõ ràng và rất đẹp. Chúng tôi cũng lấy vở học chính ra viết theo thầy và ghi tên tiết học đầu tiên của ngày. 

Xong, thầy đi xuống từng bàn kiểm tra xem chúng tôi đã viết xong chưa, viết có rõ ràng, có đúng không. Có bạn viết chưa đẹp, viết chưa rõ thầy lấy bút đỏ chữa để bạn đó viết lại. 

Ngày ấy theo chương trình bậc tiểu học, lớp dự bị, thường tiết đầu tiên là học tập đọc tiếng Việt rồi đến tập đọc tiếng Pháp. Bài tập đọc đã có trong sách nên chúng tôi chỉ ghi đầu bài vào vở. Thầy bảo: “Các con cứ mở sách ra, trang…”.

Chúng tôi mở sách đúng số trang thầy bảo. Thầy đến từng bàn xem học trò đã mở đúng trang sách đó chưa, sách để có ngay ngắn hay không. Thầy đọc mẫu một lần toàn bài rồi đọc từng câu cho chúng tôi đọc theo. 

Thầy giải nghĩa những từ khó hiểu và bảo chúng tôi đặt câu với từ đó xem chúng tôi đã hiểu chưa. Có bạn để sách lên bàn chưa đúng vị trí, hoặc lệch một bên, hoặc gần mắt quá, thầy uốn nắn lại cho đúng rồi mới tiếp tục luyện đọc… 

Hết 2 tiết tập đọc, đến tiết Toán, rồi vẽ hoặc hát, rồi cách trí, vệ sinh. Giữa các tiết chúng tôi được nghỉ tại chỗ vài phút sau 3 tiết chúng tôi được ra chơi sau đó vào học thêm 2 tiết nữa thì xong 1 buổi. 

Những lúc thầy gọi một bạn lên bảng làm Toán hoặc đọc một đoạn trong bài tập đọc hoặc trả lời một câu hỏi, thầy chú ý đến cách đi đứng, cách cầm vở, sách của bạn đó và uốn nắn cho đúng tư thế, uốn nắn lời nói cho rõ ràng. 

Cuối buổi học, sáng cũng như chiều bao giờ thầy cũng sắp xếp sổ sách trên bàn ngay ngắn, lấy cái mũ của thầy ở góc phải của bàn, cầm mũ thầy nói: “Buổi học kết thúc, thầy chào các con, các con về học bài, giữ vở sách cho sạch sẽ, gọn gàng, không để quăn góc nhé”. 

Chúng tôi đồng thanh: “Chúng con chào thầy ạ!”. Thầy đội mũ lên, lấy tay sửa lại cho ngay ngắn, cho sổ sách vào cặp rồi từ từ bước xuống bục, vẫy tay chào chúng tôi và bước ra cửa lớp, mỉm cười chào chúng tôi một lần nữa.

Đều đều như vậy, ngày này qua ngày khác, tháng sau tiếp tháng trước, đến cuối tháng 5/1940 tôi học xong lớp dự bị. Tính cẩn thận, ngăn nắp của thầy đã dần dần in sâu vào tâm trí và nếp sống của tôi. 

Lên các lớp trên, tính đó đã giúp tôi đạt kết quả tốt trong học tập, giữ gìn sách vở, áo quần, được các thầy khen và khi học lên trung học nhờ giữ được tính cẩn thận, trật tự ngăn nắp nên học giỏi môn Toán và học tốt môn Văn. 

Đến khi đi dạy, tôi luôn chú ý rèn cho học sinh đức tính tốt đó trong học tập và giữ gìn sách vở. Khi đi làm ở Bộ Giáo dục đức tính tốt đó đã giúp tôi rất nhiều, không chỉ trật tự ngăn nắp trong đời sống mà ngay cả trong công việc hàng ngày. 

Viết văn, viết báo cáo chuyên đề bao giờ tôi cũng suy nghĩ kỹ, vạch dàn ý rõ ràng mạch lạc, tìm đủ tư liệu viết theo dàn ý, xong đọc soát lại cẩn thận nên thường các bài viết của tôi được chấp nhận và đánh giá cao. 

Khi tôi là chủ nhiệm CLB Thơ Nhà giáo và chủ biên các tập thơ “Tấm lòng nhà giáo” của Hội Cựu giáo chức Việt Nam, sách thơ bạn tặng tôi rất nhiều, sách nghiên cứu và tài liệu các loại cũng lắm, số lượng lên đến 7, 8 nghìn cuốn, tôi phân loại rành mạch và xếp trật tự ngay ngắn trên giá sách, cần đọc là có ngay, không phải mất thì giờ tìm lục.

Tôi vô cùng biết ơn thầy Bùi Nghĩa đã rèn cho tôi từ bé một đức tính tốt qua việc làm gương của thầy và xin nhắn nhủ với các thầy cô giáo tiểu học: Chúng ta nên chú ý từng việc nhỏ để dạy và rèn các em vì những việc rất nhỏ đó, từ tấm bé in sâu trong các em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.