Học tập và làm theo gương Bác: Chuyển biến tích cực trong trường học

GD&TĐ - Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được các nhà trường triển khai sâu rộng, mang lại kết quả giáo dục đáng tự hào.

Học tập theo tấm gương của Bác, giúp đội ngũ GV, HS Trường THCS Lương Yên có tác phong làm việc khoa học, hiệu quả. Ảnh: Hà Anh
Học tập theo tấm gương của Bác, giúp đội ngũ GV, HS Trường THCS Lương Yên có tác phong làm việc khoa học, hiệu quả. Ảnh: Hà Anh

Lồng ghép vào hoạt động trường lớp

Cô Đinh Thị Phương Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng – Hà Nội) chia sẻ: Học tập theo tấm gương của Bác, giúp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có tác phong làm việc khoa học, hiệu quả hơn. Trường còn chú trọng tăng cường công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá để nâng cao chất lượng giáo dục theo từng năm học.

Đặc biệt, nhiều năm qua, Ban Giám hiệu chỉ đạo thực hiện chặt chẽ khâu ra đề, coi, chấm thi và nhận xét đánh giá theo đúng quy chế tại các kỳ thi của trường nhằm bảo đảm khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng thực chất của HS. Không chạy theo thành tích ảo, kiên quyết không để học sinh chưa đạt chuẩn lên lớp.

Với học sinh, trường còn tổ chức nhiều phong trào ý nghĩa để giáo dục tinh thần “lá lành đùm lá rách”; tiết kiệm, tình yêu thương, giúp đỡ bạn hoàn cảnh khó khăn. Các như hoạt động “Nuôi lợn nhựa”, “Nâng ước mơ xanh”, Tặng quà HS nghèo vào dịp lễ Tết bằng tiền ủng hộ, tiết kiệm của HS được ủng hộ và phát huy.

Cô Bùi Thị Hường – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Sín Chéng 1 (Si Ma Cai – Lào Cai) cũng bày tỏ: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được nhà trường cụ thể hóa trong các hoạt động giáo dục, sinh hoạt của GV, HS.

Đầu năm, trường phát động cán bộ, GV đăng ký tự học, bồi dưỡng. Đưa tự học tự bồi dưỡng trở thành tiêu chí đánh giá với GV. Hàng tháng, trong các kỳ sinh hoạt, ngoài thực hiện đánh giá, kiểm điểm hoạt động chuyên môn, trường thường xuyên lồng ghép sinh hoạt chuyên đề, khuyến khích GV, đảng viên sưu tầm tài liệu, câu chuyện, bài hát, bài thơ về Bác để đưa vào giáo dục trên lớp…

Đặc biệt, trường coi trọng và yêu cầu GV giáo dục cho trẻ đức tính giản dị, trung thực, lòng yêu thương con người, biết kính trên nhường dưới, đoàn kết với bạn, tập thói quen ngăn nắp, trật tự. Với đặc thù trường vùng cao, khó khăn, HS 100% dân tộc nên điều kiện sống, học tập còn thiếu thốn… trường đẩy mạnh giáo dục HS ý thức khắc phục và vượt khó...

Hiện, mỗi cán bộ, GV nhà trường đăng ký thi đua học và làm theo Bác gắn với nhiệm vụ chuyên môn như: Nâng cao chất lượng giảng dạy, chăm sóc, giáo dục trẻ; sáng tạo, xây dựng thiết bị, mô hình để phục vụ giảng dạy; thực hành tiết kiệm điện, nước trong các hoạt động chung…

Hằng năm, nhà trường đều tổ chức cho các em thi kể chuyện về Bác Hồ. Kêu gọi tiết kiệm giúp đỡ bạn nghèo. Số tiền ủng hộ tuy không nhiều nhưng giáo dục cho HS tinh thần tương thân tương ái, sống có trách nhiệm với người xung quanh…

Theo Bí thư Đoàn Học viện Quản lý Giáo dục (Bộ GD&ĐT) –Nguyễn Huy Hoàng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với sinh viên Học viện không đi vào thuyết giảng, hô khẩu hiệu chung chung. Trong các hoạt động Đoàn đều lồng ghép giá trị tư tưởng, nội dung giáo dục thiết thực cụ thể, dễ thực hiện.

Cụ thể, Đoàn đã tổ chức hàng loạt hoạt động ý nghĩa như: Hội thi giới thiệu gương mặt tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh; Phong trào thanh niên tình nguyện; Hoạt động vì người nghèo… Qua đó, thu hút hàng trăm sinh viên tham gia, giáo dục sinh viên lối sống đẹp, có ích và vì cộng đồng; Mặt khác, trường đưa sinh viên đến thực tế vùng khó khăn, giúp hình thành và phát triển ý thức trách nhiệm, tinh thần cống hiến, sự sẻ chia với người nghèo, địa phương vùng khó...

Sau những hoạt động tình nguyện, sinh viên nhận thấy sống và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh không phải là điều gì quá xa vời, khó thực hiện. Chỉ cần mỗi người có tấm lòng và dành thời gian, tinh thần cống hiến cho những hoạt động, việc làm ý nghĩa. 

HS học được nhiều điều từ lao động sản xuất trong trường học. Ảnh: Hà Anh
HS học được nhiều điều từ lao động sản xuất trong trường học. Ảnh: Hà Anh

Chuyển động tích cực

“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đội ngũ GV Trường THCS Lương Yên không ngừng cải tiến phương pháp truyền thụ kiến thức, tích cực tự học, tự bồi dưỡng, khiêm tốn cầu thị, tự trọng nghề nghiệp để cố gắng dạy tốt, hoàn thành nhiệm vụ như lời Bác từng dạy “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy thật tốt – học thật tốt”…” – cô Đinh Thị Phương Anh bày tỏ.

Cô Nguyễn Thị Kim Ngọc – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội) chia sẻ: Ban Giám hiệu nhà trường xác định, học tập và làm theo Bác, trước tiên phải nêu cao vai trò của người đứng đầu cơ quan. Sự gương mẫu của “đầu tàu” trong công việc sẽ là kim chỉ nam để tập thể nhà trường phát triển vững mạnh.

Mặt khác, nhiều năm gần đây trường chú trọng xây dựng môi trường giáo dục dân chủ, minh bạch, cầu thị. Điều đó thể hiện qua công việc hàng ngày như: GV không nhận hoa, quà trong các ngày lễ Tết; Các khoản thu của HS đầu năm học được niêm yết công khai; Ban phụ huynh cùng tham gia quản lý, giám sát về cơ sở vật chất, bữa ăn bán trú học sinh. Nhà trường coi HS là đối tượng phục vụ nên được đặt làm trung tâm, phục vụ chu đáo, tận tâm…

Không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong hoạt động giáo dục, Trường Tiểu học Phan Đình Giót đã trở thành “điểm sáng”, uy tín, chất lượng trong hệ thống giáo dục quận Thanh Xuân và thành phố Hà Nội. 

Ở Bác có nhiều điều mà SV có thể học hỏi. Tuy nhiên, để giáo dục và xây dựng nhân cách, ý thức, việc tự học, tự rèn luyện theo tấm gương đạo đức của Bác cho SV ngay khi còn trên ghế nhà trường, Đoàn đã tích cực lồng ghép và lựa chọn những nội dụng gần gũi, cụ thể nhất vào các hoạt động. Do đó, hoạt động Đoàn của Học viện Quản lý Giáo dục luôn nhận được sự quan tâm và tham gia đông đảo của SV. Các em trưởng thành và có niềm tin vào bản thân khi ra trường… - Ông Nguyễn Huy Hoàng, Bí thư Đoàn Học viện Quản lý Giáo dục 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Yêu chay” không có nghĩa là mối quan hệ thiếu tình yêu. (Ảnh: ITN)

Vì sao 'yêu chay' ngày càng phổ biến?

GD&TĐ - Có tới 40 triệu người Mỹ đang trong các mối quan hệ lãng mạn không quan hệ tình dục. Đáng nói,phần lớn những người này hoàn toàn hài lòng với điều đó.