Học tập kinh nghiệm quốc tế, áp dụng phù hợp với Việt Nam

GD&TĐ - GS Đinh Quang Báo - Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau 2015 - khẳng định như vậy khi nói về tổng thể chung của chương trình, SGK sau 2015. 

Học tập kinh nghiệm quốc tế, áp dụng phù hợp với Việt Nam
GS Đinh Quang Báo 

Là “người trong cuộc”, GS Đinh Quang Báo đã hé lộ nhiều công việc “bếp núc” trong đổi mới chương trình, SGK lần này. 

Có ý kiến cho rằng khi xây dựng chương trình, SGK, dễ có điều mâu thuẫn là với quan điểm môn học của mình là quan trọng, chuyên gia sẽ muốn tăng thời lượng của môn học đó lên, trong khi bài toán đặt ra là tổng thể chương trình phải giảm tải. Thực tế có diễn ra điều này không, thưa GS?

- Trước đây đã từng xảy ra cuộc tranh luận gay gắt trong một thời gian dài về điều này. Tuy nhiên, tôi thấy đợt này dường như không xuất hiện những căng thẳng như vậy. 

Tôi cho rằng lần này đã có sự quán triệt trong nhận thức về tri thức khoa học ở phổ thông, để chính những người tham gia xây dựng thấy được tri thức của học sinh là một tổng thể, không thể từng người chỉ nhìn góc cạnh của mình mà phải có cái nhìn toàn cảnh.

Tới đây, sẽ có những bàn thảo trước: Thảo luận thống nhất về khung thời lượng, sau đó đưa những yêu cầu tới tác giả, làm sao để sản phẩm cuối cùng đáp ứng, đạt mục tiêu mong muốn.

Được biết hiện trong nước chưa có nhiều chuyên gia có kinh nghiệm biên tập SGK tích hợp, phân hóa. Vậy ta giải “bài toán” này như thế nào để đổi mới được chương trình, SGK sau 2015 theo hướng tích hợp, phân hóa?  

- Hiện trong nước chưa ai dám nói rằng bản thân được đào tạo một cách bài bản về biên soạn chương trình, môn học và SGK. Và về lâu dài, ta cần có một cơ quan để phát triển đội ngũ chuyên nghiệp về chương trình và biên soạn SGK.

Về lựa chọn chuyên gia viết SGK, hai tiêu chí quan trọng bậc nhất được định hướng, đó là những chuyên gia 2 trong 1 - phải là nhà khoa học, giỏi về môn mình dạy, đồng thời phải là nhà sư phạm, hiểu biết về giáo dục, học sinh phổ thông

GS Đinh Quang Báo

Nhưng chẳng lẽ cứ ngồi chờ đến lúc chuyên nghiệp mới tiến hành? Trong lúc quá độ phải làm nhiều cách, trong đó có việc chúng ta nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài và tập huấn cho nhau. 

Bên cạnh đó, chúng ta đã cử một số chuyên gia đi nước ngoài để học tập cơ sở khoa học cũng như kỹ thuật mang tính thao tác biên soạn chương trình và SGK. 

Tôi nhấn mạnh rằng chúng ta học kinh nghiệm không chỉ là triết lý, lý luận hàn lâm, mà học ở mức thao tác để biên soạn chương trình và biên soạn SGK.

Là người tham gia xây dựng chương trình lần này, nếu có câu hỏi đặt ra cho ông, rằng tại sao ta không học tập  một mô hình của nước ngoài, mang về áp dụng luôn thay vì học nơi này một ít, nơi kia một ít? Ông sẽ trả lời thế nào?

- Việc hội nhập quốc tế là đương nhiên, và giáo dục không là một ốc đảo riêng để chúng ta không hội nhập. Thực tế nước ta đã từng hội nhập, trong đó có việc sử dụng kinh nghiệm của nước ngoài để chúng ta thực hiện những vấn đề cụ thể như chương trình và SGK.

Tôi nghĩ xưa nay chúng ta vẫn học tập kinh nghiệm quốc tế, nhưng để học tập rồi bê nguyên của một nước nào đó áp dụng vào Việt Nam, theo tôi là khó, và cũng không nên nghĩ đây là một cách làm tuyệt đối. 

Ta học tập quốc tế, rồi chọn những gì phù hợp với bối cảnh của chúng ta. Khái niệm ấy, định lý ấy là phổ quát, nhưng áp dụng cho con người Việt Nam, với bối cảnh Việt Nam, học sinh Việt Nam thì phải lựa chọn, tức là phải gia công về mặt sư phạm - phải nhìn tới con người, nhìn tới bối cảnh, nhìn tới những điều kiện khác về mặt xã hội, kinh tế…

Cá nhân tôi cho rằng ta phải chọn một mô hình chương trình của một nước đã từng thành công và khi đổi mới để đạt được thành công đó, họ xuất phát từ những bối cảnh giống với Việt Nam.

Xin cảm ơn GS!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.