Chuyên gia góp ý đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau 2015

GD&TĐ - Sáng nay (8/3), Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức Hội nghị Tham vấn chuyên gia về Đề án Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015.

Chuyên gia góp ý đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau 2015
Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị 

GS Đào Trọng Thi - Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội chủ trì Hội nghị. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đồng chủ trì Hội nghị cùng các Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội.

Tâm huyết với giáo dục, nhiều chuyên gia đã tham dự và đóng góp ý kiến cho Đề án Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau 2015: PGS Trần Thị Tâm Đan, GS Nguyễn Minh Thuyết, PGS Lương Ngọc Toản, PGS Trần Xuân Nhĩ… cùng các nhà khoa học, quản lý giáo dục từ các trường ĐH, các cơ sở giáo dục.

Những đóng góp tâm huyết

Cùng với những góp ý cho định hướng của đề án, giải pháp xây dựng chương trình và SGK, PGS Trần Thị Tâm Đan đưa kiến nghị cần quan tâm việc đổi mới mô hình nhà trường, cơ chế quản lý đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới và đưa vào nội dung đề án dưới góc độ là điều kiện.

Cùng đó, nên nghiên cứu tách chương trình và sách giáo khoa thành hai phần của Đề án…

GS Nguyễn Minh Thuyết 

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng cùng với Đề án đổi mới chương trình, SGK sau năm 2015, Bộ GD&ĐT cần xây dựng luôn 2 đề án nữa là Đề án chuẩn hóa cơ sở vật chất trường học (bao gồm cả trang thiết bị và đồ dùng dạy học), Đề án đổi mới đào tạo giáo viên.

Bộ GD&ĐT báo cáo những công việc này để Quốc hội đưa vào Nghị quyết, tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo điều kiện thành công cho việc đổi mới chương trình, SGK phổ thông.

PGS Văn Như Cương đề nghị tổ chức “Trại viết SGK”, tập trung các nhóm tác giả cùng một cuốn sách có thể trao đổi với nhau, ngoài ra có thể trao đổi với nhóm tác giả các cuốn khác cùng môn ở lớp dưới, lớp trên, hoặc với tác giả các môn lân cận… 

Làm việc theo công thức “Trại viết SGK”, PGS Cương tin chắc sẽ nhanh ít nhất gấp 10 lần theo cách làm việc trước đây. Đồng thời, PGS Cương đề nghị nên thay sách đồng loạt ngay từ lớp 1 đến lớp 12 chỉ mất 1 năm, thay vì thay sách kiểu “cuốn chiếu” mất 5 năm thay xong.

GS.TS Hoàng Văn Vân - Chủ nhiệm Khoa Sau ĐH (ĐHQGHN) - đồng ý với quan điểm một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa nêu trong Đề án. Theo ông, đây là một quan điểm không mới ở nước ngoài nhưng mới với Việt Nam.

Mặc dù đã được nêu ra từ những năm thực hiện và triển khai xây dựng chương trình và biên soạn SGK hiện đang sử dụng (từ những năm 2000), nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên chúng ta dự định tuyên bố chính thức chủ trương này.

GS Vân đề nghị Nhà nước chính thức hóa chủ trương này, công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để toàn dân, các cơ quan và những ai quan tâm biết, tránh gây xôn xao dư luận.

PGS Nguyễn Vũ Lương 

PGS Nguyễn Vũ Lương – Hiệu trưởng Trường THPT chuyên ĐHKHTN (ĐHQGHN), thay mặt các giáo viên trực tiếp dạy - nhận định: Chính sách của Bộ GD&ĐT đang đi đúng hướng.  Giáo dục Việt Nam nên học tập kinh nghiệm của các nước phát triển nhưng không nên vội vã.

Liên quan đến vấn đề trình độ giáo viên, PGS Lương khẳng định: Không nên lo GV không theo kịp đổi mới chương trình, SGK. Trong thực tiễn, hàng ngày các GV đã và đang đổi mới, nhiều người tự học, trao dồi chuyên môn. GD phổ thông của Việt Nam rất thành công.

Quan điểm của PGS Lương là viết sách không khó, nhưng viết thế nào cho hay, cho đẹp, học sinh học nhẹ nhàng, tiếp thu dễ nhất mới khó.

 “Tôi cho rằng bước đầu tiên không nên nắn nót nhiều, đi chậm thì không ngã. Với riêng GD, đầu tư càng nhiều càng tốt, và tiết kiệm ở khâu kế thừa những thành quả, sáng tạo trong GD của thế giới. 

Nên lập một Ban giữa những người làm lý thuyết và phương pháp, giữa GS đầu ngành và các GV có kinh nghiệm giảng dạy hàng ngày. SGK cần quan tâm đến thực tiễn đang diễn ra" - PGS Lương đề xuất  

GS Nguyễn Ngọc Cơ – Khoa Lịch sử (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng điều mới mẻ của Dự án cần được ghi nhận ở đây là việc đề xuất chủ trương đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học theo hướng “mở”, nhằm phát huy năng lực của cả thầy và trò, khắc phục lối dạy truyền thụ một chiều, tập trung dạy cách học, cách nghĩ, rèn luyện phương pháp tự học, khả năng hợp tác, kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn…

Vì vậy, cần thiết phải chuyển từ hình thức học tập trên lớp là chủ yếu sang đa dạng hóa hình thức tổ chức học tập, kết hợp giữa dạy học và tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo để phát triển năng lực cá nhân và đảm bảo chất lượng giáo dục chung.

Tuy nhiên, theo GS Cơ, để thực hiện những đề xuất trên, rất cần có thêm những điều nói về quyền chủ động và tự chịu trách nhiệm của giáo viên của từng môn học cũng như những điều kiện cần và đủ về cơ sở vật chất, thiết bị, thời gian… để giáo viên hoàn thành chức trách của mình.

PGS Trần Xuân Nhĩ đề xuất: Trong Đề án việc phân ban ở THPT chia 2 ban tự nhiên và xã hội, cần có ít nhất thêm ban kinh tế. Số học sinh mong muốn học về các ngành kinh tế và nhu cầu xã hội về lĩnh vực này ít nhất cũng đến hơn 30% người lao động. 

Thời gian học ở bậc THPT có lẽ chỉ cần 2 năm là đủ, dù trong Nghị quyết 29 có nội dung giữ hệ thống giáo dục như hiện nay nghĩa là bậc THPT là 3 năm.

Còn theo GS Trần Đình Sử, kèm theo Đề án, cần có Đề án về đổi mới căn bản phương pháp giáo dục. Phương pháp đi trước, hoặc đồng bộ, đồng hành cùng đổi mới chương trình, SGK. Hiện bộ môn phương pháp và lực lượng của lĩnh vực này trong các trường ĐH Sư phạm còn mỏng. 

Cần coi trọng ngành Sư phạm, đảm bảo SV Sư phạm ra trường có việc làm ngay, như vậy sẽ thu hút đầu vào cho trường Sư phạm, đảm bảo việc đào tạo GV có kế hoạch, thực chất.

PGS Phạm Hồng Quang – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) - đề xuất song song với việc hoàn thiện đề án để Quốc hội thông qua, cần nhanh chóng triển khai các nội dung điều kiện để các trường sư phạm nhanh chóng nắm bắt những nội dung cơ bản của đề án; nhanh chóng đào tạo, bồi dưỡng lại giảng viên ĐHSP và xây dựng lại chương trình đào tạo giáo viên; hoàn chỉnh nhanh đề án bồi dưỡng/đào tạo lại GV các cấp.

Cùng đó, thể chế hóa các quan hệ đối tác giữa trường sư phạm với các trường phổ thông – có thể chịu trách nhiệm một phần trong chương trình đào tạo. Đánh giá, xếp hạng và phân tầng nhiệm vụ cho các trường sư phạm trọng điểm và các cơ sở đào tạo giáo viên khác trong công tác đào tạo, bồi dưỡng…

PGS Trần Trung – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên - cho rằng Đề án cần nêu rõ tính kết nối giữa các bậc học; phân tách phần cơ bản và nâng cao; nêu rõ điểm phân luồng; tính tích hợp và giảm tải; thích hợp với yêu cầu phát triển về thể chất của từng cấp học; bảo tồn và tính đến tính vùng miền, đồng thời tạo được tính hòa nhập; lựa chọn điểm xuất phát để đảm bảo đổi mới căn bản, quan điểm cái nào dễ làm trước và tập trung sức lực vào đó; nguyên tắc lựa chọn cá nhân và tập thể xây dựng.

PGS Trần Trung nhấn mạnh: Nguyên tắc xây dựng SGK cần chú ý đến việc đảm bảo các GV có trình độ trung bình khá của các trường tự đọc cũng có thể hiểu và truyền thụ kiến thức; những GV có trình độ khá giỏi thì hiểu sâu hơn và giúp các giáo viên khác trong trường bồi dưỡng kiến thức.

PGS Lê Kim Long – Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQGHN) - nêu hạn chế trong dạy học hiện nay không nằm ở chương trình, mà trong triển khai. 

Cần chú ý học tập kinh nghiệm giáo dục quốc tế phải xem bối cảnh có tương đồng với Việt Nam hay không. Về đội ngũ, cần có một đề án riêng.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội nghị
 Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội nghị

Chia sẻ từ lãnh đạo ngành Giáo dục

Các công việc đang theo đúng quy trình, có việc làm trước, công bố trước, có việc làm sau và công bố sau. Hội nghị đang bàn bạc, góp ý, nhưng trong thực tiễn, chương trình, các nhà trường đã và đang đổi mới.  

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển

Thay mặt Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển tiếp thu những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đồng thời chia sẻ một số nội dung trong Đề án đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau năm 2015.

Theo Thứ trưởng, Bộ GD&ĐT đang xây dựng đề án riêng về đổi mới sư phạm, trong đó có đề cập đến cả những vấn đề như  hệ thống, mạng lưới, nghiệp vụ sư phạm, đào tạo giáo viên… và rất coi trọng việc này.

Về nâng cấp cơ sở vật chất, chỉ ngành GD không làm được việc này. Trong điều kiện hiện nay, ngành GD tính toán, cân đối lại cho hiệu quả hơn, sát hơn với thực tế. Nhưng cũng cần đặt ra vấn đề trong đề án để nói rõ các địa phương cần chăm lo hơn về cơ sở vật chất cho giáo dục.

Đề án có một điểm mới, mạnh dạn, đó là nơi nào đủ điều kiện thì triển khai, nơi nào chưa đủ điều kiện thì tiếp tục phấn đấu. Nếu một chương trình không có điều kiện tối thiều để đảm bảo thì chắc chắn không thể thành công, không khả thi.Và không biết được lúc nào tất cả các trường có thể đồng đều được đến mức tối thiểu. Đây là vấn đề cần cân nhắc thêm – Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ.

Về việc phải có hệ thống xác định trước, Nghị quyết của T.Ư đã khẳng định trước mắt giữ nguyên hệ thống giáo dục như hiện nay. Nhưng Nghị quyết cũng khẳng định sẽ phải có sự thay đổi trong đó.

Nghĩa là giáo dục đến hết THCS là xong nền tảng kiến thức phổ thông. Điều này trước đây chưa được xác định rõ. GD Trung học phải tiếp cận nghề nghiệp và tạo điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục sau phổ thông.

Theo đó, trong cơ cấu chương trình cũng phải phù hợp với nội dung này của Nghị quyết, phải phân hóa, đưa nội dung kỹ năng, năng lực để học sinh phổ thông đáp ứng được tốt hơn.

Về vấn đề học một buổi, học hai buổi, Thứ trưởng cho biết: Hiện giáo dục tiểu học có 50% học 2 buổi/ngày, THCS khoảng 4 – 5% học sinh học 2 buổi/ngày. 

Theo đó, phấn đấu xây dựng chương trình để giáo dục tiểu học học cả ngày, nhưng vẫn có cách để xử lý cho những nơi chưa đảm bảo học cả ngày; giáo dục THCS, THPT xây dựng học 1 buổi/ngày, nhưng vẫn có hướng dẫn cách để xử lý với những nơi nào có điều kiện học cả ngày. Như vậy mới đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.

Về xây dựng chương trình, Bộ GD&ĐT hướng đến xây dựng chương trình khung thiết kế chung, sau đó có chương trình chi tiết, chương trình cho các bộ môn, chương trình cho các hoạt động.

Trong chương trình xây dựng có hướng chương trình GD phổ thông phải được điều chỉnh thường xuyên, nhưng điều chỉnh đó không gây xáo trộn mà là sự tiếp nối có tính phát triển.  Một ví dụ dễ thấy là hiện ta đang học chương trình cũ nhưng trong quá trình dạy – học vẫn có những điều chỉnh, thay đổi.

Và SGK cũng có ứng xử thay đổi thường xuyên. Thứ trưởng nhấn mạnh: Chương trình xây dựng thống nhất cho toàn quốc, nhưng vẫn có những phần cho địa phương chủ động về mặt nội dung, đặc biệt phần chủ động về quản lý để ứng dụng SGK đó vào từng địa phương, từng nhà trường khác nhau. 

Hiện Bộ GD&ĐT đang thí điểm cho từng nhà trường thực hiện chương trình của mình trên cơ sở chương trình của Bộ và thấy các nhà trường làm rất tốt.

Theo Thứ trưởng, sắp tới, giáo dục phân hóa bằng tự chọn: các môn học tự chọn, chuyên đề tự chọn – nhưng cần phù hợp với điều kiện của từng nhà trường. 

Đồng thời với việc đào tạo giáo viên, công tác nâng cao năng lực quản lý của cán bộ nói chung, trong đó có cán bộ quản lý nhà trường - rất quan trọng. Cán bộ quản lý phải có tư duy mở thì mới thực hiện, triển khai chương trình mới được.

“Riêng vấn đề thay đổi SGK theo kiểu “cuốn chiếu” từng cấp học hay cùng một lúc chỉ trong 1 năm mà thay sách cho cả 12 lớp, cá nhân tôi chưa hình dung ra được phương án của PGS Văn Như Cương” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ