Từ trái qua: Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Chủ nhiệm UB VHGDTNTNNĐ của Quốc hội - GS Đào Trọng Thi, Phó Chủ nhiệm UB VHGDTNTNNĐ của Quốc hội - TS Trịnh Ngọc Thạch tại Hội nghị |
Nhằm củng cố và hoàn chỉnh các luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn phục vụ công tác thẩm tra của Ủy ban đối với dự thảo Nghị quyết mới của Quốc hội về vấn đề này thay cho Nghị quyết số 40/2000/QH10 mà Chính phủ đã có Tờ trình, sau khi nghe các ý kiến đóng góp, thay mặt Ủy ban, GS Đào Trọng Thi đã có những ý kiến đóng góp, gợi ý cho ngành Giáo dục, tập trung vào 5 vấn đề chính.
Quan điểm về dạy học phân hóa và dạy học tích hợp; phương thức dạy học phân hóa đối với giáo dục phổ thông ở nước ta trong giai đoạn tới và phương án tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015.
Theo GS Đào Trọng Thi, trong Nghị quyết 40 của Quốc hội, linh hồn của Nghị quyết là nói về phân hóa, nhưng thông qua hình thức phân ban.
“Phải khẳng định phương thức dạy học phân hóa ở đây theo hướng tăng cường các môn học, các chủ đề tự chọn. Dạy tự chọn khác dạy phân ban. Phân ban là dạy “cả gói”, học sinh chọn môn nào thì kéo theo các môn trong ban đó. Còn tự chọn thì học sinh có thể tự chọn theo môn học, theo chuyên đề.
Đây là một điểm mới, nó sẽ kéo theo những đổi mới trong tổ chức lớp học, tổ chức chương trình của chúng ta. Và điều này phải ghi ở trong Nghị quyết của Quốc hội” – GS Đào Trọng Thi nhấn mạnh.
Cùng đó, GS cũng đề cập việc cần nói rõ dạy học tích hợp là như thế nào. Nghị quyết 40 không nói về dạy học tích hợp, nhưng trong lúc đó ta đã tích hợp 4 nội dung cần thiết vào những môn học chính. Còn bây giờ ta có dừng lại ở đó hay nâng cao mức độ tích hợp, như tích hợp môn học, dạy liên môn?
Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội khẳng định: “Tôi thấy Đề án của Bộ GD&ĐT đi theo hướng tích hợp ở tiểu học và THCS, tích hợp môn học, không phải môn học theo chuyên môn mà môn học theo lĩnh vực. Chính bởi vậy, cần nhấn thêm và nói rõ nội dung này”.
Quan điểm về một chương trình chuẩn với khối kiến thức chuyên sâu của từng môn học để học sinh lựa chọn và dành một thời lượng nhất định cho giáo dục lịch sử, văn hóa của mỗi địa phương, mỗi vùng miền.
GS Đào Trọng Thi nêu rõ: Nếu ta quyết định về nội dung này thì có thể thay đổi một số quy định trong Luật Giáo dục. Từ thực tiễn kiểm tra, giám sát tại các địa phương cho thấy, ta có một chương trình chuẩn, bao gồm phần cứng và phần mềm.
Phần cứng là tất cả đều tuân theo, phần mềm có thể phù hợp với từng địa phương, vùng miền, năng lực người học. Và có phần chúng ta đã làm rồi, nhưng làm chưa tốt, đó là dành thời lượng giáo dục lịch sử, văn hóa ở mỗi địa phương, mỗi vùng miền. Cần làm thế nào để nội dung này có hiệu quả hơn, thay vì khoán cho các địa phương.
Việc đa dạng hóa SGK và tài liệu dạy học (một chương trình, nhiều sách giáo khoa cho mỗi môn học; sách, tài liệu tham khảo)
“Nếu muốn làm được điều này thì phải có Nghị quyết của Quốc hội, và sau đó thì sửa Luật. Nghị quyết Quốc hội cũng không nên sử dụng trong thời kỳ dài và những gì đã ổn định thì phải đưa vào luật” – GS Đào Trọng Thi phát biểu.
Theo GS, đây là điều trước kia ta không làm được. Bây giờ muốn thực hiện thì phải có một chương trình đủ chi tiết, chuẩn trên toàn quốc, để những chương trình sách giáo khoa khác nhau dựa vào thang chuẩn. Đây cũng là việc cần nói rõ trong Đề án.
Liên quan đến vấn đề thời gian qua dư luận bàn nhiều là nội dung nhiều bộ SGK, thay mặt Ủy ban, GS Đào Trọng Thi tổng hợp: Chúng tôi nhận thấy có nhiều ý kiến ủng hộ nội dung này của Bộ GD&ĐT.
Nhiều SGK nhưng trong đó có một bộ SGK chuẩn do Nhà nước đứng ra biên soạn và ban hành, và cho phép những tổ chức cá nhân tình nguyện, có điều kiện biên tập ra những quyển sách SGK nhưng phải được Bộ GD&ĐT thẩm định và cho phép sử dụng. Bởi vậy bộ SGK chuẩn do Nhà nước ban hành rất quan trọng. Và đề án của Bộ GD&ĐT đã nói về vấn đề này.
Về các điều kiện đảm bảo thực hiện chương trình, SGK sau năm 2015; xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới công tác quản lý; đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật… nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình, SGK sau năm 2015.
GS Đào Trọng Thi phân tích: Có thể trong đề án thì tách rời, nhưng trong Nghị quyết Quốc hội thì không thể tách rời 3 nội dung trên. Không thể quy định một bộ SGK, quy định một chương trình mà không nói điều kiện để thực hiện nó.
Vấn đề về đội ngũ nhà giáo chủ yếu phụ thuộc vào ngành Giáo dục, nhưng tài chính và cơ sở vật chất thì một mình ngành Giáo dục làm là rất khó. Chính vì thế nội dung này càng cần phải đưa vào Nghị quyết của Quốc hội.
“Đây cũng là một cơ hội để Quốc hội ủng hộ ngành Giáo dục trong việc đầu tư cơ sở vật chất và tài chính cho giáo dục. Chúng ta phải làm sao cho có sự đồng bộ giữa chương trình, SGK mới với năng lực của đội ngũ giáo viên theo khả năng chuẩn bị tối đa và đầu tư cơ sở vật chất, tài chính” - GS Đào Trọng Thi nhấn mạnh.
Liên quan đến nội dung trong Đề án là nơi nào có đủ điều kiện thì triển khai, nơi nào chưa đủ điều kiện thì tiếp tục phấn đấu, GS Đào Trọng Thi gợi ý: Có thể có địa phương đi chậm một bước trong triển khai đổi mới chương trình, có lộ trình khác nhau giữa các địa phương, nhưng cần phân định rõ phần phải thực hiện bắt buộc và phần các địa phương có thể thực hiện theo điều kiện thực tiễn của mình.
Quy trình và lộ trình triển khai thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.
GS Đào Trọng Thi cho rằng lộ trình triển khai phải ghi vào trong Nghị quyết, vì liên quan đến việc chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ… nơi nào khó khăn thì cho phép lựa chọn, và cụ thể lựa chọn những nội dung nào.