Học sinh yêu thích, gìn giữ văn hoá truyền thống

GD&TĐ - Trước nguy cơ văn hoá truyền thống dần bị mai một, nhiều học sinh vẫn yêu thích, mong muốn gìn giữ và phát huy âm vang cồng chiêng, múa xoang.

Nhiều học sinh yêu thích, đam mê học và biểu diễn cồng chiêng.
Nhiều học sinh yêu thích, đam mê học và biểu diễn cồng chiêng.

Học sinh đam mê văn hoá truyền thống

4 năm qua, A Ray (lớp 8B, Trường THCS Ngọk Bay, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đã làm quen và được các nghệ nhân, người dân trong làng dạy đánh cồng chiêng. Đến nay A Ray đã thuộc được một bài chiêng cổ và có thể đánh theo những người già một số bài khác.

A Ray chia sẻ, từ nhỏ em đã được xem những người già trong làng biểu diễn cồng chiêng nhân dịp lễ hội. Tiếng cồng chiêng lúc trầm, khi bổng du dương cuốn hút A Ray lúc nào không hay. Hình ảnh những người đàn ông khoẻ khoắn, nâng bổng chiếc cồng chiêng khiến A Ray nhớ mãi không thôi. Đến năm học lớp 4, khi có thể cầm được chiếc chiêng A Ray đến nhờ nghệ nhân trong làng chỉ dạy. Những ngày đầu chiêng nặng khiến cậu bé A Ray chật vật mãi mới gõ được những nhịp đầu tiên. Tuy nhiên, tiếng chiêng của A Ray bị lạc nhịp. Trải qua nhiều ngày chăm chỉ luyện tập, A Ray cũng đánh được đúng nhịp cồng chiêng.

“Dù đã trải qua nhiều khó khăn, vất vả khi học cồng chiêng nhưng em rất yêu thích và đam mê. Tiếng cồng chiêng là một nét văn hoá truyền thống của dân tộc nên em muốn gìn giữ và phát triển”, em A Ray chia sẻ.

Tương tự, A Ly Khoa (học sinh lớp 9, Trường THCS Ngọk Bay) những ngày nhỏ đã xem và nghe cha của mình đánh cồng chiêng. Cậu học trò nhớ, trong những dịp lễ, Tết… bà con trong làng lại quây quần bên mái nhà rông đánh cồng chiêng, múa xoang. Thời gian đó, ai nấy đều rất vui vẻ và hạnh phúc vì có thể chia sẻ những câu chuyện và niềm vui trong cuộc sống.

“Khi nhỏ em đã rất thích và muốn học cồng chiêng nhưng sợ bản thân không đánh được. Đến gần đây, khi nhà trường nhờ nghệ nhân về dạy cồng chiêng cho những bạn đam mê em quyết tâm đăng ký học. Tại đây em cùng các bạn được chỉ dạy tận tình nên rất thích thú. Chúng em cũng có thể hỗ trợ nhau trong quá trình học, biểu diễn”, em A Ly Khoa bộc bạch.

Cậu học trò cười rồi ngại ngùng nói: Em sẽ cố gắng đánh thành thạo cồng chiêng và học thêm một số loại nhạc cụ khác. Qua đó để gìn giữ văn hoá truyền thống. Đồng thời A Ly Khoa mong muốn bản thân học thật giỏi để có thể truyền dạy cho những bạn nhỏ trong làng.

Hạnh phúc vì con yêu thích văn hoá truyền thống

Những nữ sinh dịu dàng, uyển chuyển trong điệu múa xoang truyền thống.
Những nữ sinh dịu dàng, uyển chuyển trong điệu múa xoang truyền thống.

Chứng kiến con học và tham gia biểu diễn cồng chiêng trên trường, lớp chị Y Thoái (phường Trường Chinh, TP Kon Tum) rất vui và hạnh phúc.

Chị Y Thoái kể, chị có 3 người con, con lớn học lớp 9 còn cháu nhỏ nhất học lớp 2. Tuy nhiên, chỉ có cháu lớn là A Kuym (học lớp 9, Trường THCS Trường Sa) đam mê và học đánh cồng chiêng.

“Gia đình tôi chỉ có duy nhất ông ngoại là người biết đánh cồng chiêng. Giờ đây, khi con trai đầu yêu thích và đam mê cồng chiêng gia đình rất vui và tự hào. Bởi lớp trẻ hiện nay chẳng còn nhiều người yêu thích những nét văn hoá truyền thống. Chính vì vậy gia đình luôn khích lệ, động viên con cố gắng học tập. Tôi hy vọng con chăm chỉ, học tốt. Nếu cháu có năng khiếu và thực sự yêu thích sau này có thể truyền dạy lại cho nhiều người khác. Khi đó, văn hoá truyền thống sẽ được lưu truyền và phát huy qua nhiều đời”, chị Y Thoái chia sẻ.

Nhiều ngày qua, vợ chồng bà Y Gah (50 tuổi, xã Chư Hreng, TP Kon Tum) đã hướng dẫn, chỉ bảo tận tình cho những học sinh trong vùng về cồng chiêng và múa xoang. Bà Y Gah phụ trách dạy học sinh nữ múa xoang, còn chồng dạy nam sinh đánh cồng chiêng.

Bà Y Gah cho hay, khi chứng kiến các em học sinh hào hứng tham gia học cồng chiêng, múa xoang bà thấy rất hạnh phúc. Bởi hiện nay, lớp trẻ đa số yêu thích các loại nhạc cụ, nhảy hiện đại còn văn hoá truyền thống đang dần bị lãng quên.

“Mình mong rằng nhà trường tiếp tục duy trì và phát triển hoạt động giáo dục địa phương này. Qua đó các em có thể gìn giữ và phát huy được văn hoá truyền thống của dân tộc để không bị mai một”, bà Y Gah chia sẻ.

Cũng theo bà Y Gah, gia đình bà có 6 người con, tuy nhiên chỉ duy nhất con trai út là A Gôn (học sinh lớp 8A, Trường THCS Chư Hreng, TP Kon Tum) biết đánh trống trong biểu diễn cồng chiêng. Dù chỉ có duy nhất một người con đam mê, yêu thích nhưng cũng khiến bà Y Gah vui và tự hào.

“Vợ chồng mình luôn sẵn lòng hướng dẫn cho học sinh, những bạn trẻ có đam mê, yêu thích cồng chiêng, múa xoang. Bởi mình luôn mong rằng lớp trẻ sẽ biết gìn giữ và phát huy những nét văn hoá mộc mạc của dân tộc mình. Đồng thời đưa những loại nhạc cụ, văn hoá truyền thống vươn xa đến nhiều quốc gia trên Thế giới”, bà Y Gah bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ