Học sinh "vùng xanh" TPHCM đi học và kiểm tra học kỳ thế nào?

GD&TĐ - Kế hoạch đi học trở lại của học sinh TPHCM có một số điều chỉnh mới, sau khi dịch bệnh tại TPHCM hạ từ cấp độ 2 xuống cấp độ 1 (vùng xanh).

Học sinh Trường THCS Chánh Hưng (Quận 8, TPHCM) học trực tiếp.
Học sinh Trường THCS Chánh Hưng (Quận 8, TPHCM) học trực tiếp.

Học sinh khối 7, 8 huyện Củ Chi đi học trực tiếp

Ngày 10/1, học sinh khối 7, 8 thuộc 24 trường THCS tại huyện Củ Chi, TPHCM đã đến trường đi học trực tiếp. Trước đó, Sở GD&ĐT TPHCM thông tin, hiện các trường THCS, THPT trên địa bàn đều cho học sinh từ lớp 7 - 12 đi học lại. Chỉ còn các trường THCS ở huyện Củ Chi chưa đón học sinh lớp 7, 8 đi học trực tiếp.

Theo ông Trần Văn Toản - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Củ Chi, tỷ lệ học sinh khối 7 đi học đạt 89,4%; khối 8: 87,4%; khối 9: 96,4%; khối 10: 95,2%; khối 11: 97%; khối 12: 97,1%.

“UBND huyện Củ Chi đã có văn bản cho phép 24 trường THCS đón học sinh lớp 7, 8 đi học lại từ ngày 10/1. Riêng học sinh lớp 9 - 12 trên địa bàn quận đi học trực tiếp từ trước đó. Theo đó, tuần này học sinh khối 9 và 12 làm bài kiểm tra học kỳ trực tiếp; tuần sau các khối 7, 8, 10, 11 sẽ làm bài kiểm tra học kỳ tại lớp. Các khối còn lại chưa đi học trực tiếp sẽ chờ văn bản hướng dẫn tiếp theo của TP” - ông Trần Văn Toản chia sẻ.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Củ Chi cho biết thêm: Lúc đầu khi khảo sát ý kiến phụ huynh học sinh bậc trung học về việc cho học sinh đi học lại, huyện Củ Chi chỉ có 40 - 50% phụ huynh đồng ý (tùy từng khối lớp). Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh đến trường học trực tiếp trên thực tế đạt hơn 90%.

Cụ thể tại Trường THCS Thị trấn (huyện Củ Chi, TPHCM), theo thầy Nguyễn Ngọc Tú - Hiệu trưởng nhà trường, tỷ lệ học sinh các khối đi học trực tiếp tại trường ngày 10/1 đạt trên 90%. “Tuần này nhà trường cho học sinh khối 9 làm kiểm tra học kỳ I và học sinh khối 7, 8 ôn tập trực tiếp. Tuần sau, học sinh khối 7, 8 sẽ làm bài kiểm tra học kỳ trực tiếp… theo đúng lịch của phòng GD&ĐT. Bên cạnh đó, trường cũng bố trí các thiết bị rửa tay, khử khuẩn… ở những khu vực phù hợp và sắp xếp học sinh ngồi ở vị trí cố định để phòng khi có trường hợp F0 thì dễ dàng khoanh vùng xử lý theo yêu cầu của ngành y tế” - thầy Nguyễn Ngọc Tú chia sẻ.

Theo ông Lê Duy Tân - Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT TPHCM), sau 4 tuần triển khai dạy học trực tiếp với học sinh lớp 9 và lớp 12, và 1 tuần triển khai mở rộng với lớp 7, 8, 10, 11, tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp đạt trên 90%. Cụ thể, khối 7 đạt 92%, khối 8 đạt 95%, khối 10 đạt 95% và khối 11 đạt 93%. Với Quận 4 và huyện Củ Chi, ngành Giáo dục đã hoàn tất việc phối hợp với phụ huynh và nhận được trên 90% đồng thuận của phụ huynh để cho học sinh đi học lại. Trước đó, hai quận, huyện này chưa cho học sinh đi học lại do phụ huynh đồng thuận không cao.

Học sinh Trường THCS Thị trấn (huyện Củ Chi, TPHCM) đi học trực tiếp ngày 10/1.
Học sinh Trường THCS Thị trấn (huyện Củ Chi, TPHCM) đi học trực tiếp ngày 10/1.

Đi học trở lại theo cấp độ dịch mới

Từ 10/1, học sinh bậc THPT tại TPHCM có thể đi học trở lại theo cấp độ dịch mới - cấp độ 1, vùng xanh của TPHCM. Theo hướng dẫn tạm thời của Sở GD&ĐT TPHCM về việc tổ chức cho học sinh đi học trở lại thì các cơ sở giáo dục THPT có thể thực hiện toàn bộ thời lượng dạy học theo kế hoạch giáo dục nhà trường. Trong đó, thời khóa biểu dạy học trực tiếp không quá 30 tiết/tuần. Thời lượng dạy học còn lại (ngoài 30 tiết trực tiếp) được thực hiện trên Internet.

Thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TPHCM) - cho hay: Trường đang tập trung cho học sinh các khối kiểm tra học kỳ trực tiếp nên chưa có sự điều chỉnh nào đáng kể.

Ngoài ra, 18/22 địa phương của TPHCM đạt cấp độ 1 về kết quả đánh giá cấp độ dịch Covid-19 là quận, huyện 3, 4, 5, 6, 7, 8, 11, 12,  Bình Tân,  Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ, học sinh bậc THCS cũng sẽ có thể đến trường với cấp độ 1 như trên.

Tại Trường THCS Chánh Hưng (Quận 8, TPHCM), cô Đồng Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng nhà trường, thông tin: Hơn 95% học sinh khối 7, 8, 9 đến trường học trực tiếp với tâm lý háo hức. “Trường đang chờ hướng dẫn chỉ đạo đối với việc cho khối 6 đi học trực tiếp trở lại” - cô Dung chia sẻ.

Ngành GD-ĐT TPHCM đang phối hợp với các cấp, ngành để có thể tham mưu kế hoạch tiếp tục mở rộng đối tượng học sinh đến trường với bậc mầm non, tiểu học và lớp 6. Theo Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai, TPHCM mới phát hiện 11 trường hợp mắc biến chủng Omicron, đều là người nhập cảnh. Thành phố đang kiểm soát tốt ca nhiễm Omicron, chưa phát hiện ca trong cộng đồng.

“Về đảm bảo an toàn trường học, các cơ sở giáo dục đã có bộ tiêu chí an toàn và được áp dụng nghiêm ngặt để học sinh đi học an toàn. Quy trình xử lý F0 cũng được áp dụng rất tốt trong trường học, đúng quy định và không có sự lây nhiễm trong cộng đồng. Phụ huynh có thể yên tâm là trẻ em phải an toàn mới đến trường và ở trường thì phải an toàn” - bà Mai thông tin.

Trước đó, Sở GD&ĐT TPHCM có tờ trình gửi UBND TPHCM (ngày 28/12) về việc ban hành kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022 đối với giáo dục mầm non, trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh.

Theo đó, từ tháng 2 - 7/2022, trẻ đến trường tham gia các hoạt động trực tiếp theo tinh thần tự nguyện của cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Dự kiến kết thúc năm học vào 29/7.

Sau 4 tuần triển khai dạy học trực tiếp đối với học sinh hai khối 9 và 12 và một tuần triển khai mở rộng đối với các khối (từ 13/12/2021 đến 7/1/2022), tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp ở khối 7 đạt 92,4%, khối 8 đạt 95,48%, khối 10 đạt 95,85% và khối 11 đạt 93,56%. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với lúc khảo sát phụ huynh đồng thuận cho con đến trường trước đó (chỉ đạt từ 60 - 80%).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng Công binh xử lý quả bom chôn sâu dưới lòng đất.

Quả bom nặng 227kg ở Bình Phước

GD&TĐ - Chiều 14/1, Lực lượng Công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước vừa xử lý an toàn một quả bom nặng 227kg, còn sót lại sau chiến tranh.