Phân loại học sinh, lựa chọn “đấu pháp”
Năm học 2019 - 2020, do ảnh hưởng của dịch covid-19, việc học tập của học sinh cuối cấp bị gián đoạn, gây nhiều xáo trộn. Cùng với việc ổn định tâm lý cho học sinh, nắm chắc thông tin về kỳ thi, các trường THPT trên địa bàn tỉnh Điện Biên đang triển khai nhiều biện pháp linh hoạt và sáng tạo để hướng dẫn học sinh ôn tập, đạt kết quả cao trong kỳ thi.
Những ngày này, thầy trò trường Dân tộc nội trú Trung học Phổ thông (DTNT.THPT) huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đang quyết tâm “vượt nắng, thắng mưa” để ôn luyện kiến thức, chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ở khu vực biên giới, thời tiết diễn biến khắc nghiệt. Lúc mưa thì “thối đất”, nắng thì chói chang, gay gắt song thầy trò nơi cực Tây Bắc của Tổ quốc này cũng không quản ngại.
Thầy giáo Lê Trường Giang, Hiệu trưởng Trường DTNT.THPT Mường Nhé cho biết, kỳ thi năm nay, toàn trường có 118 học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc 4 lớp đang theo học sẽ dự thi. Đa số học sinh trong trường đều có hoàn cảnh khó khăn, nhận thức còn hạn chế so với mặt bằng chung nên Nhà trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết để tổ chức ôn luyện hiệu quả nhất.
“Chúng tôi đã tổ chức xây dựng chương trình, kế hoạch ôn luyện cụ thể. Trong đó, tập trung nhiều vào các môn thi bắt buộc như: Toán, Văn và Tiếng Anh. Vì những môn này, kiến thức và năng lực của học sinh sẽ không cao như các môn mà các em tự chọn”, thầy giáo Lê Trường Giang chia sẻ.
Trường DTNT.THPT Mường Nhé đã rà soát, phân loại học sinh theo lực học. Trên cơ sở đó, Ban giám hiệu Nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên bộ môn xây dựng kế hoạch kèm theo giáo án bồi dưỡng, phụ đạo cho học sinh theo nhóm năng lực. Nhà trường đặc biệt chú trọng đến những học sinh có lực học yếu, kém để phụ đạo theo chương trình riêng với mục tiêu trang bị cho các em đủ kiến thức bước vào kỳ thi.
“Mục tiêu của Nhà trường đặt ra là phải đảm bảo 100% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT. Đây không hẳn là chỉ tiêu giao khoán, mà đó là mục tiêu mà chúng tôi đã đề ra để cùng nhau phấn đấu ngay từ đầu năm học. Do vậy, tất cả cán bộ, giáo viên nhà trường đều hăng say, trách nhiệm với học sinh của mình với mong muốn giúp các em có được kết quả cao nhất”, thầy giáo Lê Trường Giang bộc bạch.
Không chủ quan
Theo dự kiến, Trường DTNT.THPT Mường Nhé sẽ tổ chức cho học sinh ôn luyện thi tốt nghiệp THPT đến hết ngày 20/7. Những ngày gần đây, cô giáo Vũ Thúy Quỳnh (giáo viên môn Ngữ Văn, trường DTNT.THPT Mường Nhé) cùng nhiều thầy cô giáo bộ môn khác đã tự nguyện đăng ký với nhà trường để được ôn luyện thêm cho học sinh.
“Bản thân giáo viên giảng dạy các bộ môn như: Toán, Văn, Anh như chúng tôi đã tự nguyện xin ôn tập thêm cho học sinh vào các buổi tối. Những học sinh yếu kém, nhà trường còn phân các giáo viên khác hỗ trợ học sinh. Mỗi giáo viên hỗ trợ từ 3 - 5 học sinh. Các thầy cô sẽ tư vấn về tâm lý, hướng dẫn học sinh tự học buổi tối hoặc hướng dẫn các em tự ôn tập ở các bộ môn, đảm bảo làm sao các em phải đỗ tốt nghiệp THPT”, cô Vũ Thúy Quỳnh cho biết.
Theo cô Vũ Thúy Quỳnh, tuy là địa bàn khó khăn về giao thông đi lại, đa số học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, việc tiếp cận công nghệ số còn vất vả song các em không bị hổng kiến thức ngay cả thời điểm nghỉ học chống dịch vừa qua. Nói vậy, bởi việc giảng bài, ôn luyện vẫn được Nhà trường duy trì bằng nhiều hình thức khác nhau.
“Hằng ngày chúng tôi vẫn phải theo dõi, quan sát các em và hướng dẫn luyện đề đến từng chi tiết. Tôi chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn các em cách để lấy điểm ở từng phần thi, từng ý nhỏ của câu hỏi thi để có thể tận dụng tối đa khả năng lấy điểm ở bài thi. Đó là tất cả những kinh nghiệm của bản thân khi giảng dạy ở môn ngữ văn”, cô giáo Vũ Thúy Quỳnh cho biết.
“Tôi thấy với những kiến thức được trang bị, học sinh của mình hoàn toàn có thể tự tin bước vào kỳ thi sắp tới. Thầy trò thì cơ bản cũng thấy yên tâm, tuy nhiên theo tôi thì vẫn không được phép chủ quan. Nên tôi sẽ theo sát các em trong suốt thời gian học sinh tự ôn tập cho đến thời điểm học sinh bước vào phòng thi”, cô Quỳnh cho biết thêm.
Em Hoàng Tân Nam là một học sinh dân tộc Mông của trường DTNT.THPT Mường Nhé. Nhà Nam ở xã Nà Khoa, huyện Nậm Pồ (cách trường học gần 100km). Khăn gói học xa nhà nhiều năm vì Nam quyết tâm đi học cái chữ, kiếm một cái nghề để thoát ly, ổn định cuộc sống. Thương bố mẹ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nên Nam luôn nỗ lực học tốt để có kết quả thi cao nhất. Năm nay Nam mong muốn thi đỗ vào ngành Quản trị du lịch và Lữ hành thuộc trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
“Em đã có tâm lý tốt và kiến thức ổn định để sẵn sàng bước vào kỳ thi. Trước kỳ thi, em đã đặt ra mục tiêu là thi đỗ tốt nghiệp rồi có mong ước được học dưới mái trường Đại học Văn hóa Hà Nội nên em sẽ phải học tốt và thi tốt để không phụ lòng bố mẹ và thầy cô”, Hoàng Tân Nam chia sẻ.